Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 04/09/2013 16:50 (GMT+7)

Cơ cấu hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam

1. Đặt vấn đề

Giáo dục phổ thông (GDPT) là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của hệ thống giáo dục (HTGD) quốc dân, thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu và tài năng, là nền tảng không thể thiếu đối với GD nghề nghiệp và GD đại học. Xác định mô hình hệ thống GDPT có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đổi mới chương trình GDPT sau năm 2015.

Để thực hiện được nhiệm vụ này cần phải trả lời các câu hỏi sau đây : HT GDPT Việt Nam nên là bao nhiêu năm? Số năm học tiểu học, THCS và THPT ? Những định hướng đổi mới trong mỗi bộ phận của hệ thống GDPT? Số năm học phổ cập và/hay bắt buộc?

Hiện nay có hai luồng ý kiến khác nhau về hệ thống GDPT giai đoạn 2015 là HTGD 11 năm và HTGD 12 năm. Những căn cứ đề xuất cơ cấu HTGDPT được trình bày dưới đây cố gắng phân tích và bình luận cái được, những hạn chế và rủi ro có thể gặp khi áp dụng phương án 11 và 12 năm; có chú ý tới các điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội, lịch sử, dân tộc, truyền thống, v.v… trong quá trình xem xét, lựa chọn phương án.

2. Một số căn cứ đề xuất cơ cấu khung hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam.

2.1 Yếu tố tâm – sinh lý :

- Học sinh lứa tuổi từ 6 đến 11 phát triển chậm, chắc, hài hoà, toàn diện, phù hợp với 5 năm ở tiểu học.

- Ngày nay, nhờ gia tốt phát triển, thể lực và trí tuệ của trẻ phát triển tốt hơn, tuy nhiên so với học sinh phổ thông ở các nước có trình độ phát triển trung bình trở lên thì vẫn chưa đạt được.

- Thiếu niên 12 đến 16 tuổi là giai đoạn dậy thì, phát triển bùng nổ, mất cân đối, một số gặp khủng hoảng về sinh lý, tâm lý… Quá trình đó bắt đầu đi vào ổn định từ tuổi 15 hình thành “nhân cách tâm lý” nên phù hợp với lứa tuổi HS lớp cuối của GD THCS, tiếp theo trưởng thành về “nhân cách tâm lý” ở lứa tuổi 16 đến 18, nên phù hợp với lứa tuổi HS THPT có cơ sở cho phân hoá, hướng nghiệp, phân luồng… 18 tuổi mới chín tới về mọi mặt để trở thành “nhân cách xã hội”, nên phù hợp với HT GDPT 12 năm, tiếp nhận 6 tuổi vào lớp 1 và kết thúc 18 tuổi. HS tốt nghiệp ở tuổi 18 sẽ có thể lực, trí tuệ tốt hơn; định hình nhân cách, tâm lý ổn định, chín tới, phân hoá rõ nét về năng lực và định hướng nghề nghiệp; nhân cách xã hội hoàn thiện hơn đển chuẩn bị vào đời.

- Nếu tiếp nhận HTGD 11 năm : Học sinh tốt nghiệp THPT ở tuổi 17, nhân cách xã hội chưa hoàn thiện, cho các cháu vào đời sớm hơn sẽ có những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn.

Như vậy, xét về mặt tâm – sinh lý lứa tuổi thì học sinh nhập học tiểu học 6 tuổi và tốt nghiệp THPT 18 tuổi là phù hợp. Giáo dục cần tôn trọng sự phát triển “tự nhiên” , đảm bảo bền vững, không “đốt cháy giai đoạn”.

2.2 Yếu tố giáo dục học/ sư phạm :

Những kết quả nghiên cứu KHGD đã cho phép rút ra một số nhận xét sau :

- Tình trạng quá tải trong dạy học ở phổ thông do có nhiều nguyên nhân : tổ chức dạy học 1 buổi 1 ngày, hạn chế về tổng số giờ học của học sinh phổ thông; nội dung dạy học trong chương trình và sách giáo khoa; dạy học của giáo viên và phương phápdạy học lạc hậu; điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện dạy học; chính sách tạo động lực cho giáo viên, v.v… Vì vậy, cần có các biện pháp đồng bộ, phù hợp và hiệu quả để khắc phục tình trạng này. Nếu giảm bớt số năm học phổ thông xuống còn 11 năm, tức là giảm số giờ học phổ thông, có thể sẽ dẫn đến “tăng tải” dạy học;

- Thay đổi HT GDPT từ 12 năm sang 11 năm sẽ tác động đến thay đổi các hệ thống khác còn lại trong HT GDQD (như HTGD nghề nghiệp và HTGD đại học);

- Thay đổi HT GDPT từ 12 năm sang 11 năm sẽ đặt ra yêu cầu thay đổi tất cả các yếu tố cấu thành HT GDPT, như đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại giáo viên, đổi mới trang bị phương tiện dạy học…

2.3 Yếu tố kinh tế - xã hội.

- Rút HT GDPT xuống 11 năm có thể tiết kiệm được chi phí của nhà nước và gia đình. Tuy nhiên, để xây dựng một nền GD có chất lượng thì đây không phải là mục tiêu để tiết kiệm (như trước đây, trong điều kiện chiến tranh, có nhiều khó khăn, nhu cầu cần gấp nhân lực phục vụ chiến trường, nên đã phải rút ngắn thời gian chỉ là giải pháp tình thế). Vấn đề quan trọng là sử dụng kinh phí sao cho không bị lãng phí, tham nhũng;

- Việt Nam trong 31 năm qua, mặc dù trải qua các giai đoạn KT – XH hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng cũng đã đầu tư (mặc dù còn có những khó khăn, hạn chế) để tổ chức HT GDPT 12 năm. Vào thập kỷ thứ hai của thế kỉ XXI, thời kỳ CNH&HĐH, hội nhập quốc tế, nền KT – XH đang trên đà phát triển, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm và tăng đầu tư phát triển giáo dục, coi GD là quốc sách hàng đầu. Chính sách xã hội hoá GD và chính sách thu hút đầu tư từ nước ngoài đã thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước ngày càng tăng, nước ta có đủ các điều kiện để tiếp tục duy trì HT GDPT 12 năm;

- GD cần “đổi mới trong ổn định”, nhất là HT GDPT, các quy định, thể chế đã thành nếp quen truyền thống, mọi thay đổi cần được xem xét cẩn trọng.

2.4 Bài học kinh nghiệm của Việt Nam qua 3 lần cải cách giáo dục (CCGD)

HT GDPT Việt Nam từ 1945 đến nay với 3 lần cải cách với 4 mô hình HT GDPT : 12 năm (năm 1945 – 1950 : ở vùng kháng chiến và tạm chiếm); 11 năm (năm 1950 : CCGD lần 1 với mô hình 4+3+2+2 năm dự bị đại học); 10 năm (4+3+3) (năm 1956 : CCGD lần 2 ở miền Bắc và vùng giải phóng ở miền Nam) và 12 năm ở vùng chưa được giải phóng; 12 năm (5+4+3) (năm 1981 : CCGD lần 3), HT này đã tồn tại 31 năm trong cả nước.

Các lần CCGD cho thấy mô hình hệ thống 10 năm hoặc 11 năm chỉ là những giải pháp tình thế phải chấp nhận trong điều kiện đất nước chiến tranh, KT – XH có nhiều khó khăn. HT GDPT 12 năm tồn tại trong nhiều giai đoạn, trong thời gian dài, ngày càng ổn định.

Như vậy, trong giai đoạn tới, lựa chọn mô hình HTGD 12 năm là phương án phù hợp, tạo được ổn định về mặt vĩ mô, ổn định quan hệ tương tác giữa HT GDPT và HTGD nghề nghiệp và GD đại học. Tuy nhiên, để phát triển giáo dục trong giai đoạn tới, cần có những đổi mới căn bản và toàn diện các hệ thống con trong toàn bộ HT GDQD.

2.5 Xu thế phát triển HT GDPT trên thế giới.

Theo phân loại chuẩn GD quốc tế của UNESCO năm 2011, HT GDPT gồm 3 cấp : Tiểu học, THCS và THPT.

-       Chương trình GD tiểu học và THCS là chương trình GD cơ bản, nền tảng cho học tập suốt đời, hướng tới phát triển từng cá nhân người học;

-       Chương trình GD THPT giúp HS hoàn thành học vấn THPT và chuẩn bị cho HS có năng lực và nhu cầu lên đại học

  1. So sánh HT GDPT của 206 quốc gia trên toàn thế giới cho thấu L

-       Độ tuổi HS nhập học tiểu học phổ biến là 6 tuổi (127/206 quốc gia, chiếm 61.7%) mặc dù có thể nằm trong khoảng từ 5 đến 7 tuổi;

-       Có 5 loại cấu trúc HT GDPT và để hoàn thành GDPT, học sinh tối thiểu phải học 10 năm, tiếp đến là 11 năm, 12 năm, 13 năm và tối đa là 14 năm, 12 năm là phổ biến nhất (117/206 quốc gia, chiếm 56.8%), HT GDPT từ 12 năm trở lên chiếm tới 78.7% (163/206 quốc gia);

-       HT GDPT phổ biến là 12 năm, trong đó mô hình “6 năm tiểu học + 3 năm THCS + 3 năm THPT” và mô hình “5 năm tiểu học + 4 năm THCS + 3 năm THPT” là phổ biến nhất;

-       Độ tuổi HS tốt nghiệp GDPT hoàn chỉnh phổ biến là 18 tuổi.

  1. So sánh cơ cấu HT GDPT của 13 nước Châu Á (10 nước Đông Nam Á và 3 nước Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) có điều kiện phát triển KT – XH gần với Việt Nam :

-       Độ tuổi HS nhập học tiểu học từ 5 đến 6 tuổi, phổ biến là 6 tuổi (8/13 quốc gia, chiếm 61.5%);

-       Có 4 loại cơ cấu HT GDPT là 10, 11, 12 và 13 năm, trong đó : phổ biến là 12 năm và mô hình “6 năm tiểu học + 3 năm THCS + 3 năm THPT” và mô hình “5 năm tiểu học + 4 năm THCS + 3 năm THPT” là phổ biến nhất.

2.6 So sánh thời lượng GDPT trên thế giới và Việt Nam.

So sánh tổng số giờ dạy của GDPT (Tiểu học + THCS + THPT) của 21 quốc gia OECD và Việt Nam cho thấy : số giờ trung bình là 8.984; cao nhất là 12.893 (Hoa Kỳ) và thấp nhất là 6.128 (Hy Lạp); tổng số giờ dạy học của GDPT Việt Nam là 7.924h, nằm trong nhóm thấp, đứng thứ 17/22 quốc gia (gồm các nước khối OECD và Việt Nam) và thậm chí còn thấp hơn cả Nga và HT GDPT 11 năm (8.276h).

Mặc dù mô hình GDPT 12 năm của Việt Nam như đa phần các nước trong khối OECD, nhưng do tổ chức dạy học chỉ 1 buổi/ngày nên tổng số giờ học GDPT Việt Nam thấp, thêm vào đó là nhu cầu học thêm, dạy thêm đã tạo ra sự quá tải. Để giải quyết hiện tượng quá tải, cần tăng tổng số giờ học GDPT thông qua tăng số năm học phổ thông, hoặc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với đầy đủ các điều kiện, đặc biệt về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất nhà trường.

3. Đề xuất cơ cấu hệ thống GDPT Việt Nam

Phân tích các căn cứ trên cho thấy : GDPT Việt Nam trong những năm tới nên duy trì hệ thống 12 năm theo cơ cấu : Tiểu học (5 năm) – THCS (4 năm) – THPT (3 năm) như hiện nay, trong đó : GD cơ bản bắt buộc là 5 năm (tiểu học) và GD cơ bản phổ cập là 9 năm (gồm tiểu học và THCS).

Tuy nhiên, cần có những đổi mới căn bản bên trong mỗi cấp học. Cụ thể là :

  1. GD tiểu học nhằm trang bị cho học sinh các kỹ năng cơ bản về đọc, viết và toán và thiết lập nền tảng ban đầu cho việc học và hiểu các lĩnh vực cơ bản về kiến thức, phát triển cá nhân và xã hội, chuẩn bị cho việc học tiếp theo ở cấp THCS. Chương trình GD tiểu học 5 năm được thiết kế theo định hướng tích hợp các lĩnh vực học tập và phát triển các năng lực cơ bản, chung : giảm số môn học và tăng các hoạt động GD. Độ tuổi HS nhập học là 6 tuổi và hoàn thành GD tiểu học ở độ tuổi 11.
  2. GD THCS nhằm nâng cao kết quả học tập từ cấp tiểu học, hoàn thành GD phổ cập, đi đôi với tạo nền tảng cho học tập suốt đời và phát triển cá nhân.

     Thời lượng GD THCS là 4 năm và chương trình GD được thiết kế theo định hướng liên môn học và chú ý cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng để tạo tiền đề cho việc phân luồng sau THCS,         các em có thể học tiếp các chương trình GD sơ cấp hoặc trung cấp kỹ thuật nghề nghiệp; giảm số lượng môn học và tăng các hoạt động giáo dục.

     Độ tuổi học sinh nhập học là 11 tuổi và hoàn thành GD THCS ở độ tuổi 15.

  1. GD THPT nhằm hoàn thành học vấn phổ thông, GD hướng nghiệp và tổ chức dạy học phân hoá cao theo định hướng tự chọn để thực hiện phân luồng sau THPT, giúp học sinh lựa chọn chương trình đào tạo cao đẳng kỹ thuật nghề nghiệp hay đại học sau khi tốt nghiệp THPT.

     Thời lượng GD THPT là 3 năm và chương trình GD THPT phân hoá được thiết kế theo 2 hướng: (1) Chương trình GD THPT chuyên cho các trường THPT chuyên nhằm đào tạo, bồi dưỡng các   học sinh năng khiếu, tài năng; và (2) Chương trình GD THPT cho đại trà học sinh tại các trường    THPT bình thường, phân hoá theo hướng tự chọn các môn học và hoạt động phù hợp với sở trường, năng lực, ngành nghề mà các em sẽ học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT; giảm số lượng        môn học và tăng các hoạt động giáo dục.

     Độ tuổi học sinh nhập học là 15 tuổi và hoàn thành GD THPT ở độ tuổi 18.

  1. Thực hiện GD tiểu học là GD cơ bản, bắt buộc và phổ cập GD THCS.

     Như vậy : vẫn duy trì HT GDPT 12 năm (5 năm tiểu học, 4 năm THCS, 3 năm THPT) như hiện      nay, trong đó GD cơ bản phổ cập 9 năm (tiểu học, THCS) và thực hiện GD tiểu học bắt buộc.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009.

2.     Đảng Cộng Sản Việt Nam, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011;

3.     Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Sổ tay PISA, lưu hành nội bộ;

4.     Phan Văn Kha (2007), Quản lý Nhà nước về Giáo dục, Giáo trình dành cho các khoá đào tạo sau Đại học về Quản lý giáo dục, NXB ĐHQG Hà Nội, 2007;

5.     Phan Văn Kha (chủ nhiệm) (2008), Đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, Nhiệm vụ khoa học cấp Bộ trọng điểm, Viện KHGDVN, 2008;

6.     Mạc Văn Trang (2012), Mấy khía cạnh sinh học, tâm lý, xã hội góp phần xác định cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông. Báo cáo chuyên đề tại Hội thảo về hệ thống giáo dục phổ thông, Viện KHGDVN.

7.     Đỗ Đình Hoan (2012), khái quán lịch sử phát triển hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam, Báo cáo chuyên đề tại Hội thảo về hệ thống giáo dục phổ thông, Viện KHGDVN.

8.     Nguyễn Tiến Hùng (2012), Xu thế phát triển giáo dục phổ thông, Báo cáo chuyên đề tại Hội thảo về hệ thống giáo dục phổ thông, Viện KHGDVN.

9.     Đỗ Ngọc Thống (2012), So sánh cấu trúc bậc học và thời lượng giáo dục trong nhà trường phổ thông, Báo cáo chuyên đề tại Hội thảo về hệ thống giáo dục phổ thông, Viện KHGDVN.

10.Đỗ Thị Bích Loan (2012), Phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục, Báo cáo chuyên đề tại Hội thảo về hệ thống giáo dục phổ thông, Viện KHGDVN.

Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Hà Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm
Ngày 13/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hộivà các chuyên gia TVPB.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tin mới

Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.
Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.