Chuyện kể về tướng Vương Thừa Vũ - vị Chủ tịch Uỷ ban Quân chính thành phố Hà Nội ngày đầu giải phóng
Một cuộc đời dữ dội
Chúng tôi lần theo địa chỉ trên một cuốn sách để tìm về quê hương và tuổi thơ của tướng Vương Thừa Vũ. Qua Văn Điển là làng Tó, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, nhưng đến nơi hỏi gia đình ông Vương Thừa Vũ, không ai biết. Mãi đến cuối làng Tó có bà cụ dáng lịch lãm bảo: Hỏi ông Vương Thừa Vũ mấy ai biết. May là trước tôi làm việc xã, tôi biết bà vợ ông ấy làm Bí thư xã Vĩnh Quỳnh thường sang đây xin nước tưới những năm hạn lớn. Hãy sang bên Vĩnh Ninh mà hỏi thăm...
Làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh thuộc huyện Thanh Trì. Ngôi làng cổ kính, ngõ ngách ngoằn ngoèo, hỏi mãi tôi mới tìm được ngôi nhà cũ của vị tướng họ Vương. Ngôi nhà nhỏ lợp ngói, cổng kín tường cao.
Bên trong giàn trầu xanh ngăn ngắt, mấy bụi mẫu đơn hoa đỏ tưng bừng một góc vườn. Hỏi thăm mới biết ngôi nhà ấy bây giờ không ai ở. Chìa khoá do một cô cháu gái của cụ Vũ, hiện bán trầu cau chợ Đình giữ.
Kể về tướng Vương Thừa Vũ, người cháu họ tên là Nguyễn Văn Bí bảo: Ông sinh tại Vĩnh Ninh nhưng từ nhỏ, ông theo cha sang tận Vân Nam bên Trung Quốc sinh sống. Khi đang làm thợ hoả xa Vân Nam thì đăng lính, sau được vào học trường võ bị Hoàng Phố thời 1937, rồi giác ngộ cách mạng về nước tham gia hoạt động, gia nhập quân đội và được Bác Hồ ra quyết định thăng hàm cấp tướng sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.
Bà Lê Thị Hợi, phu nhân của tướng Vương Thừa Vũ năm nay đã ngoài 90 tuổi. Hiện bà đang sống cùng cô con gái út tại phố Liễu Giai, Hà Nội.
Ông bà có với nhau sáu người con, ba trai ba gái đều lấy họ Vương và hầu hết đều nối nghiệp cha, trong đó có hai người con trai là liệt sĩ. Bà Lê Thị Hợi kể rằng, làm vợ tướng đấy nhưng một tay bà lo nuôi dạy các con.
Suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến ít khi ông có mặt ở nhà. Người con cả là Vương Minh Tường, đại tá quân đội hiện nghỉ hưu. Người con trai thứ sinh ra khi ông đang bị đày ở căng Bá Vân trên Thái Nguyên nên được đặt tên là... Căng – Vương Văn Căng - hy sinh ở chiến trường chống Mỹ. Còn người con trai út Vương Văn Bình, phi công hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ...
Hai người con sinh sau 1954 được ông bà đặt tên là Hoà và Bình để ghi nhớ ngày đất nước hoà bình... Hoà bình lập lại trên miền Bắc, tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch Uỷ ban quân chính đầu tiên của Hà Nội, sau đó là Tư lệnh Quân khu Hữu ngạn, Tư lệnh Quân khu IV, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân VN... Bà Hợi lúc này công tác ở địa phương, được bầu làm Bí thư Đảng uỷ đầu tiên của xã Vĩnh Quỳnh. Lúc ông về làm việc ở Bộ Quốc phòng, bà được điều về phục vụ bên cạnh ông với hàm sĩ quan cấp uý...
Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi (1910-1980), Năm 1937 học trường Võ bị Hoàng Phố, năm 1941 về nước bị Pháp bắt giam. Đảng viên Đảng CS VN năm 1943. Tháng 3.1945 tham gia bạo động giành chính quyền ở Nghĩa Lộ. Ông là Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội 1946, Chỉ huy chiến dịch Sông Lô 1949, chiến dịch đường số 4 tháng 10.1949, tham gia các chiến dịch Biên giới 1950, Trung du 1950, Đông Bắc 1951, Hà Nam Ninh 1951, Hoà Bình 1951, Tây Bắc 1952, Thượng Lào 1953, Điện Biên Phủ 1954..., Đại đoàn trưởng đầu tiên đại đoàn 308, đơn vị chủ lực đầu tiên của QĐND VN, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội 1954. Ông nguyên là Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND VN, Giám đốc đầu tiên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Tư lệnh QK IV 1971, Trung tướng 1974. Ông là tác giả một số tác phẩm quân sự, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh đợt I, nhiều Huân chương cao quý khác của Nhà nước. Tên của ông đã được đặt cho một đường phố ở Hà Nội.
Ký ức về ngày hoà bình đầu tiên
Nữ sinh trường Trưng Vương (Hà Nội) đón Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trong ngày tiếp quản Thủ đô |
Trong hồi ức của mình, tướng Vương Thừa Vũ nhớ lại những ngày hoà bình đầu tiên ở Hà Nội với không khí tưng bừng và cả những công việc bộn bề cho một Thủ đô vừa giải phóng.
“ Tối 8.10:quân Pháp chuyển các đơn vị trang bị nặng như pháo binh, xe tăng sang Gia Lâm, chỉ để lại thành nội vài tiểu đoàn và một số xe vận tải. Hà Nội náo nức mong chờ đoàn quân chiến thắng trở về.
Ngày 9.10:không khí khải hoàn bắt đầu bừng lên ở vùng ngoại thành, bên ngoài các cửa ô. Bộ đội tấp nập kéo về, người xe xếp thành đội ngũ dọc các đường lớn vào Thủ đô. Đúng 16 giờ 30 phút, khi những toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên cùng đại tá Đắc- Giăng-xơ sang Gia Lâm thì Hà Nội bừng lên tràn ngập cờ hoa, sắc áo. Cổng chào biểu ngữ mọc lên san sát khắp các phố lớn, phố nhỏ...
Hà Nội bừng dậy, hồi sinh, sôi động, náo nhiệt. Đêm đầu tiên Hà Nội sạch bóng quân xâm lược, ai cũng muốn thức thật khuya để hưởng không khí thanh bình...
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng đang làm lễ chào cờ tại sân Cột cờ trong thành Hoàng Diệu |
Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội...”. Tướng Vương Thừa Vũ viết: “Trong buổi lễ chào cờ lịch sử này, tôi được vinh dự đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô: Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do quân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể...”.
Lời Bác thân mật thiết tha, nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng. Hồ Chủ tịch muôn năm! Tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút, vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô.
Thư Bác đọc vừa chấm dứt, tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” lại vang động trong sân vận động, qua loa truyền thanh mang lại trong lòng mỗi người dân Thủ đô một luồng gió mới, một không khí mới thanh thản, vui tươi, tin tưởng, ấm áp tình người để ngày mai bắt tay vào xây dựng lại Thủ đô to đẹp...”.