Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 05/10/2021 19:41 (GMT+7)

Chuyển dịch cấu trúc xã hội trong bối cảnh Cách mạng 4.0

Nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người. Mỗi cuộc cách mạng đánh dấu một giai đoạn phát triển sâu sắc toàn diện về kinh tế, văn hoá và xã hội theo những hình thức rất khác nhau. Điều đáng quan tâm là về mặt xã hội, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ thay đổi mạnh mẽ về phương thức sản xuất, mà còn đang tạo ra sự thay đổi diện mạo của cấu trúc xã hội mới.

Theo Pgs. Ts Nguyễn Đức Chiện - Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, về mặt xã hội, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm chuyển đổi cơ cấu việc làm và nguồn nhân lực trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và nhóm xã hội. Chẳng hạn, đối với dịch vụ giao thông, thế hệ xe không người lái ra đời, hay dịch vụ Grab, Uber; trong lĩnh vực y tế, việc quản lý bệnh án điện tử được thực hiện một cách hiệu quả nhờ khả năng lưu trữ và tổng hợp dữ liệu khổng lồ, cùng tốc độ xử lý mạnh mẽ đường truyền thông tin. Thực tế, nhiều ý tưởng ứng dụng công nghệ thông minh vào đời sống đang tác động đến cơ cấu việc làm, nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống ở khắp mọi nơi trên thế giới. Sự hiện diện của công nghệ dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc xã hội. Không ít chuyên gia khẳng định, một bộ phận không nhỏ nhân lực trong các doanh nghiệp sẽ bị thay thế bởi tự động hoá, các máy móc và thiết bị hiện đại. Trong hai thập kỷ tới, với sự tự động hoá, tất yếu dẫn tới không ít ngành nghề truyền thống sẽ biến mất khi xã hội phổ dụng công nghệ mới. Chẳng hạn, nếu như năm 1998, hãng máy ảnh Kodak tuyển dụng 170.000 người lao động, chiếm 85% thị trường giấy ảnh trên thế giới, thì gần đây, lĩnh vực kinh doanh này đã không còn hoạt động...

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những ngành nghề, các loại hình kinh doanh mới như các việc làm kỹ thuật số và số hóa... Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đánh giá là tạo ra ít việc làm hơn trong các ngành công nghiệp mới so với các cuộc cách mạng trước đó. Theo ước tính của Chương trình Công nghệ và Việc làm Oxford Martin, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chỉ tạo ra khoảng 0,5% việc làm mới, thấp hơn nhiều so với cách mạng tự động hoá trước đây (12,5% việc làm mới đã được tạo ra trong giai đoạn 1980 -1990)(1). Nhiều việc làm mất đi đồng nghĩa với việc một bộ phận người lao động sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp do không tìm được việc làm trong khu vực đòi hỏi trình độ và công nghệ cao, dẫn đến sự xuất hiện của “những người lao động bấp bênh” - là những người làm việc bán thời gian, người nhận lương tối thiểu, lao động phổ thông, người cao niên... Một tầng lớp những người lao động chuyển từ việc này sang việc khác để kiếm sống trong khi không có quyền thương lượng và an toàn nghề nghiệp. Hệ quả là sự chia tách, cô lập và loại trừ trong xã hội giữa những người bắt nhịp được với dòng chảy công nghệ và những người yếu thế hơn. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể sẽ dẫn đến nhiều “mặt tối” trong lĩnh vực việc làm ở tương lai.

Do tốc độ thay đổi công nghệ chóng mặt, đòi hỏi người lao động phải có năng lực, kỹ năng, tay nghề để thích ứng nhanh với sự phát triển của các công nghệ đó. Những kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, kỹ năng xã hội và kỹ năng hệ thống sẽ được yêu cầu nhiều hơn so với các kỹ năng liên quan đến thể chất và kỹ thuật. Nói cách khác, xu hướng việc làm trong kỷ nguyên số là sự đề cao lợi suất của kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng thúc đẩy và bổ trợ cho tự động hoá và số hoá. Các kỹ năng truyền thống như thể chất, quản lý nguồn lực từng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn trước đây đang bị máy móc thay thế nên lợi suất sẽ giảm mạnh(2) .

Đối với Việt Nam, Pgs. Ts Nguyễn Đức Chiện cho rằng, thách thức lớn nhất là khoảng cách phát triển không đồng đều giữa các lĩnh vực và còn cách khá xa so với mặt bằng ở các quốc gia phát triển, khi chúng ta vẫn là một quốc gia đang phát triển, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và nền sản xuất chưa phát triển, khi hình thức sản xuất người điều khiển máy đơn giản là phổ biến, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo hạn chế. Làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra sự phát triển không đồng đều, một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế tạo có thể sẽ bị tụt lại xa hơn so với các ngành như công nghệ thông tin hay viễn thông. Trong bối cảnh đó, yêu cầu về nâng cao kỹ năng lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là hết sức gay gắt. Những kỹ năng giúp người lao động làm việc được trong các dây chuyền tự động hoá, các nhà máy thông minh là yêu cầu bắt buộc, trong khi đây lại là điểm hạn chế của lực lượng lao động Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể lấy đi nhiều việc làm, nhưng cũng sẽ tạo thêm nhiều việc làm và đội ngũ nhân lực mới tham gia vao thị trường lao động toàn cầu. Theo phân tích của một số chuyên gia, việc làm trong các nhóm ngành năng lượng, công nghiệp chế tạo, dịch vụ và nông nghiệp sẽ chứng kiến nhiều biến động mạnh(3). Thực tế hiện nay, nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang ứng dụng mạnh công nghệ như giáo dục, y tế, dịch vụ kinh doanh…, tạo ra nguồn nhân lực mới thích ứng với bối cảnh công nghệ số. Những ngành nghề công nghiệp điện tử, dệt may vốn là thế mạnh của Việt Nam và tạo ra nhiều việc làm trong vài thập kỷ qua có thể đứng trước nguy cơ phải cắt giảm nhân lực và việc làm trong quy trình sản xuất. Những tiến bộ về tự động hoá, số hoá giúp giảm chi phí sản xuất cộng với nền tảng công nghiệp phát triển có thể tăng khả năng các nhà máy điện tử và dệt may quay trở lại các nước phát triển để gần hơn với thị trường tiêu thụ lớn. Viễn cảnh cắt giảm việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có thể xảy ra do đại bộ phận người làm nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn ở trong tình trạng chưa cơ giới hoá sản xuất và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ số trong một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mở ra nhiều cơ hội làm giàu hơn cho nhóm nhân lực sở hữu và khai thác tốt được công nghệ mới. Trong đó, nhóm nhân lực trẻ, có trình độ chuyên môn cao sẽ có nhiều lợi thế hơn các nhóm nhân lực trung và cao niên, học vấn thấp, ít có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới, công nghệ số hóa. Điều này vô hình trung làm cho khoảng cách thu nhập và tích lũy tài sản giữa các nhóm xã hội ngày càng doãng ra mạnh hơn, giữa một bên là nhóm nhân lực thất thế do ít kỹ năng, chậm thích ứng với công nghệ, dễ bị người máy và tự động hoá thay thế và một bên là những người kiếm được tiền nhờ các ý tưởng và sử dụng thành thạo công nghệ mới. Diễn biến trên tất yếu khiến cho khoảng cách bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội, thậm chí giữa các quốc gia có xu hướng tăng(4). Hơn nữa, bất bình đẳng về thu nhập trong hầu hết các nước đang tăng lên, thậm chí ở cả các quốc gia đạt nhiều thành tựu lớn về giảm nghèo. Điều này đặt ra bài toán đối với các quốc gia trong quản lý phát triển, hướng đến khai thác hiệu quả các cơ hội mới về thành tựu khoa học - kỹ thuật, giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm xã hội trong quá trình phát triển.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nhằm làm thay đổi cơ cấu việc làm và giảm nghèo cho các cộng đồng, hộ gia đình nghèo. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị, nhất là vùng sâu, vùng xa về việc tiếp cận các dịch vụ xã hội vẫn tiếp tục tăng trong thời gian qua(5). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể tăng cơ hội cho mọi người nhưng không phải ai cũng có kỹ năng và năng lực cần thiết để khai thác triệt để cơ hội này. Những người nghèo ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thường thiệt thòi trong tiếp cận thông tin, kỹ năng và công nghệ mới, vì vậy sẽ có nguy cơ tụt hậu xa hơn so với người dân ở khu vực thành thị.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng có thể dẫn đến việc nữ giới thua thiệt hơn nam giới về cơ hội phát triển trên phạm vi toàn cầu. Trong thực tế, nam giới ngày càng có ưu thế hơn so với nữ giới ở các nghề liên quan đến khoa học máy tính, toán học, kỹ thuật sản xuất và tự động hoá. Nam giới có khả năng tìm được việc làm cao hơn nữ giới trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và điều này có thể tiếp tục đẩy một bộ phận nhân lực nữ rơi vào tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp, nhất là nhóm nữ đang sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hệ quả là các hộ gia đình có nguồn thu nhập duy nhất từ nhân lực phụ nữ sẽ gặp khó khăn và có thể ngày càng nới rộng khoảng cách bất bình đẳng về giới trong gia đình và bên ngoài xã hội. Điều đáng quan tâm là thực tế này có thế dẫn đến phụ nữ khó cải thiện các cơ hội tham gia chính trị, tiếp cận các nguồn lực kinh tế, xã hội, đặc biệt là giảm tiềm năng đóng góp của phụ nữ vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ở mỗi địa phương, quốc gia.

Thực tiễn ở Việt Nam, bất bình đẳng giới vẫn đang là vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển xã hội. Người phụ nữ vẫn bị quy chiếu bởi hệ chuẩn mực xã hội truyền thống và trong định hướng lựa chọn việc làm, phụ nữ thường được hướng vào các công việc truyền thống trả lương thấp để dành thời gian cho hoạt động chăm sóc gia đình. Thực trạng này có thể dẫn đến mất đi các cơ hội về việc làm, thăng tiến của phụ nữ, rơi vào nguy cơ thất nghiệp cao, đặt ra nhiều thách thức mới về bình đẳng giới, đòi hỏi các chính sách liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0 phải hướng đến thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nam giới và nữ giới trong quá trình phát triển.

Trong cuộc sống thường ngày, các cá nhân tham gia vào các nhóm mạng lưới xã hội như gia đình, trường học, cơ quan, phường, hội cùng các nhóm sở thích, nhóm bạn bè… Hình thức tương tác truyền thống này thường bị giới hạn trong một không gian xã hội nhất định do khó khăn về khoảng cách địa lý, khả năng di chuyển và các chuẩn mực nhóm.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ thông minh ngày càng phổ biến; các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đang kết nối con người với nhau theo những cách hoàn toàn mới, các tương tác gián tiếp qua phương tiện, công nghệ và không gian mạng. Trong một thời điểm, dù ở không gian và vùng địa lý rất xa, nhưng con người có thể gia nhập các nhóm mạng lưới để tương tác và không cần phải gặp gỡ trực tiếp. Các thiết bị như điện thoại di động thông minh, máy tính có kết nối internet cho phép con người xây dựng và tham gia vào mạng lưới, thực hiện các tương tác xã hội mà ít phụ thuộc hơn vào khoảng cách không gian, chênh lệch thời gian. Có thể nói, các công nghệ hiện đại đã và đang tạo điều kiện cho con người thay đổi hình thức, cách thức tương tác và mở rộng các mạng lưới xã hội với quy mô vô cùng lớn, vượt qua các rào cản văn hóa, xã hội, kinh tế, tôn giáo...

Từ khi các phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến xuất hiện cho đến nay, kênh tương tác này đã nhanh chóng trở thành một phương tiện giao tiếp chính của con người, mang lại nhiều lợi ích, mở ra cơ hội học tập, tương tác, phát triển không giới hạn. Tuy nhiên, mặt trái là không ít người, nhất là giới trẻ, đắm chìm vào thế giới ảo, “cô lập với xã hội thực tại”, sao lãng các quan hệ trong đời sống hiện thực vô cùng quan trọng như các quan hệ trong gia đình, trường học và cộng đồng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân, người thân trong gia đình và cộng đồng(6). Thực tế xã hội thời gian qua cho thấy không ít thanh, thiếu niên có hành vi lệch chuẩn xã hội, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tình trạng này nếu không có sự điều chỉnh phù hợp sẽ khiến sự cố kết xã hội ngày càng bị rạn nứt sâu sắc, đặt ra nhiều khó khăn và thách thức trong hoạt động quản lý các phương tiện truyền thông xã hội và việc xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

Như vậy, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu và có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Sự hiện diện của công nghệ hiện đại như tự động hoá, điện toán, số hoá đang dần chiếm ưu thế trong cuộc sống tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ của đời sống xã hội. Cuộc cách mạng này mang đến nhiều cơ hội cho sự đột phá trong phát triển của mỗi quốc gia, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thu nhập quốc dân và đời sống người lao động, nhưng cũng tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh được xem là thế mạnh của quốc gia đó, dẫn đến hiện tượng thất nghiệp và khủng hoảng kinh tế.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động mạnh đến cấu trúc xã hội, quá trình tái cơ cấu ngành nghề, việc làm và hình thành nhóm nhân lực mới ở mỗi quốc gia và địa phương. Song hệ quả của quá trình này có khả năng nối dài sự gia tăng khoảng cách thu nhập, khác biệt và bất bình đẳng giữa các nhóm trong xã hội. Nhóm nhân lực trẻ, có học vấn, chuyên môn cao, nhóm người giàu, nhân lực sống ở các thành phố, nam giới có thể hưởng lợi nhiều hơn từ thành quả của công nghệ số khi tham gia thị trường lao động. Trong khi đó nhóm người nghèo, phụ nữ, người dân sống ở vùng sâu, xa sẽ gặp nhiều bất lợi và nhân lên gấp bội những khó khăn trong việc thích ứng với công nghệ số.

Cuộc cách mạng cộng nghiệp lần thứ tư cũng đang tác động đến sự tương tác, tham gia của các cá nhân vào mạng lưới xã hội và sự chia sẻ các giá trị xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều mạng lưới xã hội trực tuyến và hệ giá trị, chuẩn mực đang được cá nhân tiếp nhận và thực hành đóng vai trò phù hợp với mong đợi xã hội trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, không ít hiện tượng cá nhân tham gia mạng lưới ảo, thể hiện hành vi sai lệnh ảnh hưởng đến sức khỏe thể, tâm, trí lực của cá nhân, hơn thế làm phương hại đến sự lành mạnh của môi trường văn hóa nói chung và tính cố kết xã hội.

Có thể nói, bên cạnh những tác động tích cực thì Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cá nhân và các cộng đồng, từ cộng đồng nhỏ nhất là gia đình cho đến cộng đồng lớn là thôn, bản và cả mỗi quốc gia. Điều đáng quan tâm là chính cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những động năng mới phá vỡ các định chế kinh tế, chính trị và hệ giá trị, chuẩn mực xã hội truyền thống, đòi hỏi mỗi quốc gia phải sớm định hình lại những định chế và thông lệ mới thích ứng với thời đại mới.

Cũng theo Pgs. Ts Nguyễn Đức Chiện, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu là quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, đạt thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo nhiều cơ hội để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu này, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, nhóm xã hội và giải quyết các vấn đề nan giải như thiếu việc làm và nghèo đói, phát triển con người, hướng đến một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc. Để hiện thực hóa các mục tiêu và khát vọng này, Việt Nam cần có một lộ trình chính sách phù hợp để tiếp tục giải quyết các vấn đề xã hội đang bức thiết đặt ra hiện nay, đồng thời khai thác triệt để các cơ hội và vượt lên các thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng xây dựng xã hội học tập để mỗi cá nhân, thành viên trong gia đình, cộng đồng không ngừng học tập tiếp thu công nghệ mới; có những hình thức học tập phù hợp để các nhóm yếu thế trong xã hội tham gia học tập và thích ứng với xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển./.

PV.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.