Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 10/10/2014 15:22 (GMT+7)

Chủ soái Tự lực văn đoàn

  Từ cuối những năm 1920, Nguyễn Tường Tam đã sớm nuôi dưỡng ý nguyện làm báo, viết văn, trong tư cách một trí thức tự do. Tốt nghiệp bậc Trung học, ông tạm xin làm ở Sở Tài chính Đông Dương. Tại đó, ông gặp Tú Mỡ, người sau này có tình bạn tin cậy và chung thủy. Phải một thời gian ngắn chờ đợi, Nhất Linh mới nhận được học bổng du học Pháp. Trở về nước với tấm bằng Cử nhân khoa học nhưng ông từ chối ghế Giáo sư trường Trung học Khải Định Huế để xin ra tờ báo lấy tên là Tiếng cười. Tên báo được chọn không phải ngẫu nhiên, vì suốt những năm 1920, bầu không khí văn đàn không lúc nào không chan chứa những “khối sầu” và “bể thảm” - từ “khối sầu” của Tản Đà đến “bể thảm” của Đoàn Như Khuê; và cũng lâm ly không kém là Giọt lệ thu khóc chồng của Tương Phố và Linh Phượng ký khóc vợ của Đông Hồ; không kể tiếng khóc của cặp tình nhân Tố Tâm, Đạm Thủy... Một Tiếng cười thật cần thiết để xua tan hoặc làm loãng bầu không khí sầu buồn đó. Thế nhưng, Tiếng cười không xin được giấy phép.

Một dịp may kịp đến. Đó là số phận chết dở sống dở của tờ  Phong hóa của Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai. Nhất Linh đã khôn khéo mua được sự chuyển nhượng tờ này; và thế là  Phong hóa trở thành tờ báo khởi nghiệp của Tự lực văn đoàn, ra số đầu tháng 7.1932. Chúng ta nhớ là, năm 1932 cũng là năm trình làng bài thơ Tình già của Phan Khôi trên  Phụ nữ tân văn số 122 (10.3.1932).  Phong hóa ra đời đã thổi ngọn gió mới vào không khí u sầu vẫn còn tiếp tục đầu những năm 1930, sau các cuộc khủng bố trắng của chính quyền thực dân đối với cuộc khởi nghĩa Yên Bái và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Phong hóa ra 8 trang cỡ lớn, sau ra 16 trang cỡ vừa. Trong tôn chỉ gồm 6 điều của  Phong hóa, có điều: “Hăng hái theo con đường mới, tìm lý tưởng mới... Không chịu khuất phục thành kiến... Lấy trào phúng làm phương pháp, tiếng cười làm vũ khí”. Để nuôi sống và phát triển tờ báo, Nhất Linh tính kế hợp tác với nhà tư sản Luyện mở An Nam xuất bản cục. Nhưng thấy làm ăn với tư sản Luyện không có lãi, vì lãi chia theo số vốn, Nhất Linh bỏ Luyện và chủ trương thành lập Tự lực văn đoàn, theo nguyên tắc kinh doanh làm ăn dựa vào sức mình.

Tự lực văn đoàn có tôn chỉ gồm 10 điểm, nêu rõ mục tiêu và phương thức hoạt động của các thành viên trong nhóm, ban đầu gồm 6 người là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ, Thạch Lam; sau bổ sung Trần Tiêu, Xuân Diệu, để đủ “bát tú”. Trong tôn chỉ 10 điểm, có 5 điểm quan trọng như sau:

- Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ Nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.

- Ca tụng những nét hay, vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả, quý phái.

- Trọng tự do cá nhân.
- Làm cho người ta biết rằng Đạo Khổng không hợp thời nữa.
- Đem phương pháp khoa học Thái Tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam. 
                    ( Phong hóa số 101; 8.6.1934)

Tự lực văn đoàn gọi góp cổ phần, mỗi cổ phần 500 đồng Đông Dương, để có vốn ra báo và lập nhà xuất bản Đời nay, chuyên đảm đương việc in ấn, xuất bản sách báo của các thành viên trong đoàn. Đón trước các tình huống bất trắc nên khi  Phong hóa còn thịnh, Nhất Linh đã kịp xin ra thêm tờ  Ngày nay. Cả hai cùng tồn tại đến 1936, khi  Phong hóa bị đóng cửa vì phóng sự  Hậu Tây du thì  Ngày nay đã có sẵn để thế chỗ.

Nhà xuất bản Đời nay hoạt động trong suốt thời gian tồn tại của Tự lực văn đoàn. Kinh doanh in ấn từng có lúc rất phát đạt. Giám đốc xuất bản Hoàng Đạo là người có đầu óc tổ chức và sớm biết trang bị máy móc để có cơ sở in riêng. Ngày có máy in, báo  Ngày nay ra vế đối:  Ngày nay ngày nay in nhà in nhà. Sự nghiệp sáng tác của 8 thành viên trong nhóm cùng một số cộng sự thân cận và những người được giải Tự lực văn đoàn đều được in ở nhà xuất bản này. Suốt những năm 1930, đây là nhà xuất bản được xem là sáng giá nhất, khiến nhiều người viết mơ ước.

Xét về giá trị văn chương, Tự lực văn đoàn cùng những người cộng tác gần gũi với họ, đã đem lại được cho đời sống văn học những năm 1930 những giá trị có ý nghĩa khẳng định và thúc đẩy quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Đóng góp của Tự lực văn đoàn thuộc về 8 thành viên của nhóm, trong đó nổi bật là hai nhà Thơ mới, người khởi đầu tài hoa Thế Lữ và người đạt đỉnh cao mới nhất trong các nhà Thơ mới Xuân Diệu. Một cây trào phúng xuất sắc, muốn là học trò Tú Xương nên chọn tên Tú Mỡ. Một cây truyện ngắn với giá trị bền vững là Thạch Lam. Một người viết truyện nông thôn phong tục sớm nhất là Trần Tiêu. Và ở vai trò chủ chốt, đem lại những cách tân quan trọng cho văn xuôi và tiểu thuyết, đó là Khái Hưng và Nhất Linh, với những tác phẩm làm sáng danh Tự lực văn đoàn như:  Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Tiêu sơn tráng sĩ... của Khái Hưng;  Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn… của Nhất Linh. Cả hai còn viết chung  Anh phải sống,  Đời mưa gió, Gánh hàng hoa. Ba tác phẩm với cấu trúc và văn phong nhất quán, rất khó nhận dạng đâu là của ai.

Nhất Linh, ngoài vai trò người sáng lập và là linh hồn của nhóm, còn là một nghệ sỹ dồi dào năng lực sáng tạo trên nhiều lĩnh vực như làm báo, viết các loại văn, hội họa và âm nhạc.

Đóng góp của Tự lực văn đoàn còn cần được mở rộng thêm, qua các giải thưởng được họ chọn trao như  Ba của Đỗ Đức Thu,  Bóng mây chiều của Hàn Thế Du (giải năm 1935);  Kim tiền của Vi Huyền Đắc,  Bỉ vỏ của Nguyên Hồng,  Nỗi lòng của Nguyễn Khắc Mẫn,  Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính (giải năm 1937);  Làm lẽ của Mạnh Phú Tư,  Cái nhà gạch của Kim Hà, Bức tranh quê của Anh Thơ,  Nghẹn ngào (tức  Hoa niên) của Tế Hanh (giải năm 1939). Điều đáng lưu ý là giải nhất  Cái nhà gạch của Kim Hà không thấy in, và tên tác giả này rồi mất tăm trong im lặng (1). Bên các giải thưởng còn phải kể đến những tác giả gần gũi với phong cách sáng tác của họ, như Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Đỗ Tốn, Huyền Kiêu trong văn; Đoàn Phú Tứ trong kịch; Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân trong họa.

Trong bối cảnh xã hội thuộc địa, sự cạnh tranh để giành ưu thế trên thị trường văn chương là điều tự nhiên. Nói vậy để thấy, có nhiều cuộc bút chiến đã diễn ra, trong đó Tự lực văn đoàn cũng từng là người gây chuyện hoặc góp chuyện. Ngôn ngữ đả kích của họ, và cách họ tạo uy thế nhằm hạ giá đồng nghiệp và tôn vinh giá trị của mình cũng nhiều khi “ác khẩu” lắm.

Từ sau 1940, vai trò của Tự lực văn đoàn mờ nhạt dần. Cũng không phải chờ đến sau 1940 mà ngay từ thời Mặt trận Dân chủ, Tự lực văn đoàn đã phải nhường dần vị trí cho văn học hiện thực, mà số lớn cây bút tiêu biểu đều viết cho ông chủ Tân Dân Vũ Đình Long. Tự lực văn đoàn chính thức tan rã khi ông chủ Nhất Linh cùng em trai là Hoàng Đạo tham gia các đảng phái chính trị để tranh giành ảnh hưởng với Việt Minh, trong bối cảnh thời cuộc trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.

x
x    x

Sau 1945 ở miền Nam, Nhất Linh hình như có nuôi ý định tái lập Tự lực văn đoàn. Nhưng tổ chức nhóm đã không còn, người cũ đã hết, thời cuộc đã khác, và tư tưởng nghệ thuật của Nhất Linh không còn thích hợp với thời đại, nên không gây được ảnh hưởng gì đáng kể. Do bị ghép vào tội mưu toan đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 11.11.1960 nên Nhất Linh bị theo dõi và o ép rất ngặt, phải uống thuốc ngủ để chết, đúng vào ngày 7.7.1963, trước hôm bị đòi ra tòa, như là một phản ứng quyết liệt với chính quyền Diệm. Chút dư âm Tự lực văn đoàn nơi ông chủ và người sáng lập ra nó đến lúc này tắt hẳn.

Ở miền Bắc, ngay từ trước 1945, sau cái chết của Thạch Lam, các thành viên của Tự lực văn đoàn như Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu đã cắt hẳn quan hệ với các ông chủ Nhất Linh, Hoàng Đạo. Những năm cách mạng và kháng chiến chống Pháp, Tự lực văn đoàn cũng có lúc được nhắc đến trong chút ít ánh hào quang cũ; nhưng từ năm 1953, khi diễn ra cải cách ruộng đất và chỉnh huấn cán bộ, Tự lực văn đoàn hoàn toàn bị phủ nhận đi kèm với sự tự phê phán quyết liệt của các thành viên. Riêng Tú Mỡ, năm 1968 có gửi đến tòa soạn  Tạp chí Văn học của Viện Văn học bài  Trong bếp núc Tự lực văn đoàn. Bài này 20 năm sau, tức 12 năm sau ngày Tú Mỡ qua đời, mới được đưa in trên  Tạp chí Văn học số 5, 6.1988. Đây là bài viết kỹ lưỡng của một người vốn chịu ơn Tự lực văn đoàn, trước hết là chịu ơn Nhất Linh, giúp soi sáng được nhiều điều “trong bếp núc” của một văn đoàn vàng son rực rỡ một thời, bỗng tắt lặng vì những người thủ xướng lao vào con đường hoạt động chính trị.

Đôi điều bình luận, nếu có vấn đề công và tội

Từ Nguyễn Văn Vĩnh - chủ  Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn và Tủ sách Âu Tây tư tưởng, rồi Phạm Quỳnh - chủ  Nam Phong tạp chí, qua Vũ Đình Long - ông chủ Tân Dân, với  Tiểu thuyết thứ Bảy cùng nhiều loại ấn phẩm định kỳ hàng tháng, hàng tuần, hoặc không định kỳ, đến kết thúc Tự lực văn đoàn, với Nhất Linh - chủ báo  Phong hóa, Ngày nayvà nhà xuất bản Đời nay trong bối cảnh nhộn nhịp của đời sống báo chí - xuất bản trước 1945, văn học Việt Nam hiện đại đã đi chặng đường 30 năm. 30 năm, đối với lịch sử không thể gọi là dài, thậm chí rất ngắn, thế nhưng thông qua hoạt động báo chí, xuất bản, một nền văn học hiện đại đã hình thành và hoàn thiện trên tất cả khu vực thơ, văn xuôi, kịch nói, khảo cứu - nghị luận - phê bình. Đây là thời kỳ những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, chủ yếu là văn học Pháp, trên một số phạm vi nhất định, phụ thuộc vào chủ trương của chính quyền thực dân, nhu cầu của tầng lớp trí thức và công chúng thành thị, đã thâm nhập vào đời sống văn hóa, văn chương học thuật Việt Nam. Sự thâm nhập đó được thực hiện qua vài thế hệ trí thức, gồm những người vừa có vốn Hán học và Tây học chuyển qua những người thuần Tây học hoặc có vốn liếng cơ bản về Tây học, kể từ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Tử Siêu, Nguyễn Trọng Thuật, Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn, Đông Hồ, Trần Tuấn Khải, Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Tích Chu, Vũ Đình Long đến các tác gia Tự lực văn đoàn, nhiều chục tên tuổi tiêu biểu của phong trào Thơ mới và các chủ tướng trong trào lưu hiện thực.

Vậy là thành tựu trên tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam là kết quả nỗ lực của nhiều thế hệ viết. Thế nhưng sẽ không có thành tựu đó nếu không có vai trò tổ chức của những nhà kinh doanh, trong tư cách ông chủ báo, chủ xuất bản, vốn là sản phẩm tự nhiên và tất yếu của một nền kinh tế hướng vào thị trường, hướng vào người đọc, dẫu là trong xã hội thuộc địa. Chính họ, con số ít ỏi những tên tuổi ấy đã góp phần quan trọng, một mặt tạo nên cơ sở vật chất - kỹ thuật cho công việc in ấn; mặt khác khơi động và thúc đẩy nhu cầu đọc của người tiêu dùng - chính là động lực cho sự hình thành và phát triển một nền văn học mới theo mô hình và xu thế hiện đại. Do vậy, không thể quên hoặc phủ nhận công của họ. Còn tội, nếu có, đó có thể do hạn chế lịch sử - chữ dùng của Marx - hạn chế mang tính thời điểm, tính lịch sử cụ thể. Vì vậy, với độ lùi tương đối, có thể thấy những con người ấy, những nhân vật ấy là tác nhân để có một diện mạo văn chương hiện đại, và xa hơn, văn hóa Việt hôm nay.

________________

(1). Gần đây tôi được biết  Cái nhà gạch đã được in năm 1940, 115 trang, dưới cái tên Tiếng còi nhà máy ở NXB Tân Việt. Còn Kim Hà thì đã chết sớm vì bệnh tật sau khi sách ra.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.