Cho muỗi nhiễm vi khuẩn để chặn sốt xuất huyết
Muỗi truyền virus sốt xuất huyết (Dengue) sang người. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO thì mỗi năm trên thế giới có hàng triệu người bị nhiễm căn bệnh này, khoảng nửa triệu người phải đến bệnh viện điều trị và ít nhất mỗi năm có khoảng 12.000 người chết vì sốt xuất huyết. Hiện chưa có thuốc tiêm phòng thậm chí còn thiếu cả liệu pháp điều trị hữu hiệu.
Trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này các nhà nghiên cứu ở Brazil đã áp dụng một biện pháp trị bệnh đó là làm lây nhiễm vi khuẩn đối với loại muỗi gây bệnh sốt vàng da có tên khoa học là Aedes aegypti, loại vi khuẩn này giúp vô hiệu hoá khả năng truyền virus Dengue của muỗi. Trong một thí nghiệm ngoài tự nhiên trong khuôn khổ chương trình "Eliminate Dengue" người ta đã thả ra ngoài tự nhiên khoảng 10.000 con muỗi đã bị nhiễm virus.
Vi khuẩn Wolbachia không phải là sinh vật được nuôi cấy trong các phòng thí nghiệm gen. Chúng là sản phẩm trong tự nhiên và hiện diện trong hơn 60% các loài côn trùng. Muỗi gây sốt vàng da là loài muỗi lây lan bệnh sốt xuất huyết Dengue, tuy nhiên chúng không phải là ký chủ của loại vi khuẩn này. Ít ra cho đến nay là như vậy. Tuy nhiên cách đây ít lâu các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc cấy vi khuẩn Wolbachia vào phôi của muỗi. Loại muỗi được cấy vi khuẩn mất khả năng lây lan virus. Tại sao lại như vậy? Cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Những con muỗi cái của loài muỗi này đặc biệt quan trọng đối với thử nghiệm này – chúng truyền vi khuẩn cho các thế hệ sau ngay cả khi chúng giao phối với những con muỗi đực không chứa loại vi khuẩn này trong cơ thể. Và cứ như vậy loài vi khuẩn này sinh sôi nẩy nở trong toàn bộ quần thể muỗi và cản trở sự lây lan bệnh.
Biện pháp phòng trừ sinh học
Một thí nghiệm tương tự diễn ra ở Australia năm 2011 cho thấy khi loại muỗi này được cấy vi khuẩn và giao cấu với một loại muỗi khác chúng tiếp tục phát triển và nhân rộng. "Liệu việc định cư loại muỗi nhiễm virus Wolbachia có tác động đến việc lây lan bệnh sốt xuất huyết hay không, điều này chỉ có thể sáng tỏ thông qua những thí nghiệm dài hơi", phát biểu của bà Stefanie Becker, giám đốc Viện Y học truyền nhiễm Friedrich-Löffler trên đảo Riems. "Thời gian từ lúc thả loài muỗi này vào năm 2011 cho đến nay còn quá ngắn để có thể có một đánh giá thoả đáng."
Cuộc thí nghiệm trên diện rộng ở Brazil sẽ giúp làm sáng tỏ hiệu quả của biện pháp phòng trừ sinh học này. Giám đốc nghiên cứu Luciano Moreira tỏ ra lạc quan: "Tôi dự đoán sau hai đến năm năm chúng tôi sẽ giảm được số ca sốt xuất huyết. Và sau năm đến mười năm chúng tôi có thể kiểm tra cụ thể về việc lây lan bệnh sốt xuất huyết trên cả nước Brazil."
Cho dù các nhà nghiên cứu chưa biết chắc chắn liệu những con muỗi này có tồn tại lâu dài trong tư nhiên hay không, nhưng giới chuyên môn tỏ ra tin tưởng vào phương pháp này: "Đây là một hướng tiếp cận rất tốt trong cuộc đấu tranh chống bệnh sốt xuất huyết Dengue", Jonas Schmidt-Chanasit, người phụ trách về chẩn đoán virus học thuộc Viện Bernhard-Nocht về Bệnh nhiệt đới ở Hamburg nhận định. "Đặc biệt đây là một kỹ thuật hoàn toàn tự nhiên đối với việc diệt trừ căn bệnh này – so với phương pháp công nghệ gen thì phương pháp này tốt hơn nhiều."
Bệnh sốt xuất huyết đe dọa tính mạng người dân ở châu Phi, châu Á, vùng Caribe và khu vực Trung, Nam Mỹ. Năm 2013 ở Đức 800 ca sốt xuất huyết. Loại muỗi vằn châu Á từ lâu đã có mặt ở Italia, Pháp, Tây Ban Nha và vài năm gần đây ở cả miền nam nước Đức. Tuy nhiên ở Đức chưa phát hiện muỗi vằn mang virus Dengue.