Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 31/03/2014 21:18 (GMT+7)

Chính sách chuyển đổi tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang mô hình doanh nghiệp

Mặc dù chính sách chuyển đổi các tổ chức KH&CN đã được thực hiện từ năm 2007, song kết quả chuyển đổi sang mô hình DN của các tổ chức KH&CN công lập còn rất hạn chế. Trong khi đó, mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 là đến năm 2015, hình thành 3.000 DN KH&CN, năm 2020 hình thành 5.000 DN KH&CN. Để đạt được mục tiêu này, cần rất nhiều sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là của chính bản thân các tổ chức KH&CN công lập.

Thực trạng việc chuyển đổi

Chính sách chuyển đổi tổ chức KH&CN sang mô hình DN là kết quả của một quá trình dài cải cách cơ chế hoạt động và cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công với mục tiêu là trao quyền tự chủ thật sự cho cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức công việc, sử dụng lao động, tăng cường huy động và quản lý thống nhất các nguồn thu. Đồng thời, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài chính nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp đảm bảo trang trải kinh phí hoạt động và nâng cao thu nhập của cán bộ, viên chức. 

Theo đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.

Riêng trong lĩnh vực KH&CN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập và Nghị định số 80/2007/ NĐ-CP ngày 19/5/2007 về DN KH&CN (hai Nghị định này được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010).

Hiện nay, các DN KH&CN ở Việt Nam được hình thành theo các cách thức sau: Thành lập mới các DN KH&CN, công nhận các DN hiện đang hoạt động là DN KH&CN nếu các DN này đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định và chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo mô hình DN.

Tuy nhiên, cho đến nay số lượng các DN KH&CN nói chung, số lượng các DN KH&CN được chuyển đổi từ các tổ chức KH&CN nói riêng còn rất hạn chế. Theo báo cáo của Bộ KH&CN, tính đến tháng 11/2010, sau ba năm thực hiện Nghị định số 80/2007/ NĐ-CP ngày 19/5/2007 về DN KH&CN, cả nước mới có bốn DN được chuyển đổi từ tổ chức KH&CN công lập, đó là Công ty TNHH một thành viên - Viện Kinh tế - Kỹ thuật thuốc lá, Công ty TNHH một thành viên Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương) và Viện Cơ khí năng lượng và mỏ (Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam).

Qua nghiên cứu thấy rằng, hầu hết các tổ chức KH&CN công lập sau khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình DN đều vẫn còn đang rất lúng túng và gặp nhiều khó khăn, kết quả đạt được còn rất hạn chế, Nhà nước vẫn phải hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên. Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong số ba DN KH&CN thuộc ngành Công thương chuyển đổi từ tổ chức KH&CN mới có một DN tự chủ hoàn toàn về tài chính là Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp.

Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chuyển đổi

Thuận lợi lớn nhất đối với các DN KH&CN hiện nay là sự ủng hộ và quyết tâm của Nhà nước trong việc ưu tiên phát triển KH&CN. Thể hiện là những năm gần đây, Nhà nước đã dành 2% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm cho KH&CN và ban hành một loạt các chính sách về phát triển KH&CN…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN sang hoạt động theo mô hình DN cũng còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đó là:

Về vốn: Nguồn vốn các DN KH&CN được giao khi chuyển đổi từ tổ chức KH&CN chủ yếu là dưới dạng tài sản cố định, máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trụ sở, nhà xưởng… nên hầu hết các đơn vị không có vốn lưu động cho công tác nghiên cứu, đào tạo và đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Về khấu hao tài sản: Đối với hầu hết các viện nghiên cứu - phát triển, các tài sản được đầu tư trước đây là tài sản dùng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, tuy có giá trị cao nhưng không phát huy được hiệu quả khi sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc đưa toàn bộ tài sản này vào khấu hao cho hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ là một gánh nặng và làm giảm khả năng cạnh tranh của DN KH&CN.

Về xác nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu kết quả KH&CN: Việc đề nghị cấp giấy chứng nhận DN KH&CN cần có xác nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu kết quả KH&CN. Đối với các tổ chức KH&CN công lập, các kết quả KH&CN chủ yếu là kết quả của các đề tài cấp Nhà nước; Cấp Bộ và Tổng công ty cấp trên với mức kinh phí đầu tư. Nếu giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho các đơn vị thì số tiền nộp lại ngân sách cũng rất lớn, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động chung và hiệu quả kinh tế của các đơn vị.

Giải pháp nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi

Đẩy mạnh việc chuyển đổi tổ chức KH&CN sang hoạt động theo hình thức tự trang trải kinh phí theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP.

Thứ nhất, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có các biện pháp quyết liệt trong việc thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP. Bộ KH&CN căn cứ vào các tiêu chí khoa học, cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục các tổ chức KH&CN thuộc diện được Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên; Kiên quyết yêu cầu các tổ chức KH&CN không thuộc diện được Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên phải chuyển đổi hình thức hoạt động hoặc bị buộc sáp nhập, giải thể.

Thứ hai, xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là các định mức mang tính chất chuyên ngành để các tổ chức KH&CN chủ động hơn khi thực hiện cơ chế khoán kinh phí trong thực hiện các đề tài, dự án. Trên cơ sở đó, các tổ chức KH&CN được tính đầy đủ chi phí trực tiếp và gián tiếp, bao gồm cả chi phí tiền lương, tiền công trong giá thành sản phẩm nghiên cứu. Điều này, một mặt tạo cơ chế bình đẳng giữa các tổ chức KH&CN chưa tự trang trải kinh phí và các tổ chức KH&CN đã tự trang trải kinh phí, các DN KH&CN; Mặt khác, buộc các tổ chức chưa tự trang trải kinh phí phải tự chủ dần, giảm sự trông chờ, ỷ lại vào NSNN.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phương thức đấu thầu, đặt hàng trong lĩnh vực KH&CN, tăng dần tỷ trọng chi ngân sách cho hoạt động KH&CN theo phương thức tài trợ dự án, đồng thời giảm dần tỷ lệ chi theo phương thức tài trợ trọn gói. Theo đó, các tổ chức KH&CN sẽ tìm kiếm nguồn thu thông qua việc tham gia đấu thầu các dự án nghiên cứu. Cơ chế này thúc đẩy các tổ chức KH&CN phải đổi mới phương thức hoạt động và năng động hơn nhằm xác định hướng đi trong hoạt động nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Các giải pháp về cơ sở hạ tầng để phát triển DN KH&CN

Như nhiều nước khác trên thế giới, DN KH&CN của Việt Nam được hình thành gắn liền với việc "ươm" tạo công nghệ. Hiện nay, hầu hết các "vườn ươm" DN ở Việt Nam đều là các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, cơ chế hoạt động mang nặng tính hành chính, khó thích ứng được với một môi trường có tốc độ phát triển nhanh, không cung cấp được cho các nhóm khởi nghiệp cái mà họ cần là kỹ năng quản lý và hiểu biết về thị trường. Vì vậy, để mô hình "vườn ươm" công nghệ hoạt động hiệu quả, góp phần hình thành và phát triển hệ thống DN KH&CN, cần đổi mới phương thức hoạt động của các "vườn ươm" này theo hướng DN hóa các đơn vị quản lý "vườn ươm". Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thành lập và phát triển các "vườn ươm" thuộc sở hữu của các thành phần kinh tế khác.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương ưu tiên cho KH&CN, Nhà nước đã đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng có khả năng ứng dụng và phát huy cao trong nghiên cứu khoa học như đã xây dựng 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (trong đó 14 phòng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng) và ba khu công nghệ cao tại Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy hiệu quả sử dụng của các phòng thí nghiệm trọng điểm này còn rất hạn chế do chưa có sự đồng bộ về thiết bị và đội ngũ cán bộ vận hành. Vì vậy, cần có các biện pháp khắc phục những hạn chế này để phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ sự phát triển của KH&CN nói chung, DN KH&CN nói riêng.

Hỗ trợ trong việc tạo lập thị trường

Mặc dù việc phát triển thị trường KH&CN phụ thuộc vào nhu cầu về sản phẩm KH&CN của nền kinh tế và khả năng cung ứng của DN KH&CN hay nói cách khác là quan hệ cung - cầu trên thị trường, vai trò của Nhà nước vẫn vô cùng quan trọng trong việc định hướng thị trường thông qua việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chính sách thương mại. 

Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chính sách để thúc đẩy sự phát triển của thị trường KH&CN như: Ưu tiên các DN Trung Quốc trong việc cung cấp sản phẩm KH&CN cho chính phủ; Giá trị thiết bị sản xuất tại Trung Quốc phải chiếm ít nhất 60% tổng giá trị mua sắm của các dự án trọng điểm do Nhà nước và chính quyền địa phương đầu tư; Sản phẩm và dịch vụ KH&CN do Trung Quốc sản xuất được ưu đãi hơn nếu có giá thành cao hơn sản phẩm nước ngoài… Một yếu tố vô cùng quan trọng nữa là việc xóa bỏ tâm lý sính hàng ngoại, cổ vũ việc tiêu dùng hàng sản xuất trong nước song song với việc khuyến khích, thúc đẩy các DN nghiên cứu, đổi mới chất lượng sản phẩm.

Các giải pháp về vốn

Ở các nước trên thế giới, các quỹ đầu tư mạo hiểm hầu hết là quỹ tư nhân và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển các DN KH&CN ở giai đoạn khởi đầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, khi hoạt động đầu tư mạo hiểm vẫn còn tương đối mới mẻ và hiếm hoi ở Việt Nam, Nhà nước phải đóng vai trò “mồi” và xúc tác cho việc hình thành thị trường đầu tư mạo hiểm thông qua việc hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhà nước.

Đồng thời, nghiên cứu quy định cụ thể về việc hướng dẫn thực hiện phương thức cổ phần hóa đối với các viện nghiên cứu, nhằm huy động các nguồn lực để phát triển hoạt động nghiên cứu, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tham gia đầu tư vào DN để họ gắn bó, cống hiến nhiều hơn cho DN.

Bên cạnh đó, cần xử lý những vấn đề còn vướng mắc đối với các DN KH&CN sau khi chuyển đổi như vấn đề khấu hao tài sản, xác nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu kết quả KH&CN…; Khảo sát và xác định rõ những vướng mắc của từng DN cụ thể để có hướng dẫn phù hợp; Tăng cường quan hệ hợp tác giữa nghiên cứu và sản xuất, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức nghiên cứu và khu vực DN; Có cơ chế minh bạch, bình đẳng trong việc tuyển chọn, đấu thầu các dự án KH&CN để việc chuyển đổi sang mô hình DN không gây thiệt hại/bất lợi trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ cho nghiên cứu của DN KH&CN…

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.