Chia sẻ thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu, gồm các đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan của Văn phòng Quốc hội, một số bộ ngành, các tổ chức xã hội và cơ quan báo chí. Ông Nghiêm Vũ Khải, ĐBQH, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chủ trì hội thảo.
Tại Hội thảo, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Mạng lưới VNGOs-FLEGT, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Liên hiệp Hội Việt, chuyên gia Liên minh Châu Âu đã báo cáo quá trình đàm phán, nội dung trọng tâm của Hiệp định VPA/FLEGT (Hiệp định đối tác tự nguyên giữa Việt Nam và EU về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản); trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp… trong quá trình thực thi Hiệp định. Các đại biểu cho rằng việc tổ chức Hội thảo vào đúng dịp Quốc hội sắp thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (Sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 này là rất kịp thời; đồng thời mong muốn rằng những kiến nghị, đề xuất trong Hội thảo là nguồn thông tin cần thiết để các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra dự án Luật tham khảo, nghiên cứu tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Đại diện Mạng lưới VNGOs-FLEGT, bao gồm hàng chục tổ chức trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam do Trung tâm phát triển Nông thôn bền vững (SRD) làm nòng cốt, đã báo cáo về nhiều hoạt động tích cực của Mạng lưới trong tiến trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT cũng như góp ý cho dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã góp nhiều ý kiến về kế hoạch và định hướng hợp tác giữa các tổ chức thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam với Tổng cục Lâm nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức hữu quan trong việc thực thi VPA/FLEGT. Trong đó cần tập trung vào xây dựng, triển khai mô hình, cơ chế giám sát với sự tham gia của nhiều bên liên quan.
Kết thúc hội thảo, TSKH Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh, Hiệp định VPA/FLEGT đặt ra thách thức cho Việt Nam phải đổi mới cơ chế thực thi pháp luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản. Mặt khác, giúp chúng ta tiếp cận và áp dụng tiêu chuẩn, phương thức tiên tiến đạt trình độ quốc tế trong các hoạt động này. Nội dung của Hiệp định cũng phù hợp với chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ và phát triển rừng, gìn giữ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Liên hiệp Hội Việt Nam, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường và Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT cũng như sửa đổi và thông qua Luật bảo vệ và phát triển rừng.