Chế tạo thành công máy in kéo lụa trên giấy carton đầu tiên của Việt Nam
Hiện nay, tại các nhà máy, cơ sở sản xuất bao bì giấy carton trong nước, khâu in ấn đều sử dụng một trong hai phương pháp: máy in Flexo (chưa có máy in lụa trên giấy carton) hoặc in thủ công. Máy in Flexo sử dụng công nghệ hiện đại nhưng chỉ in được hai mầu, nội dung in được khắc trên rulô cao-su, muốn in nhiều mầu thì phải sử dụng máy nhiều rulô. Quá trình chế bản trên rulô rất phức tạp, đòi hỏi trình độ kinh nghiệm của người chế bản.
Giá thành máy in Flexo mầu hiện nay khoảng 30.000 - 50.000 USD, chỉ phù hợp với các đơn vị sản xuất có số lượng bản in rất lớn mới hiệu quả. In thủ công phù hợp với những đơn vị sản xuất giấy carton có số lượng in vừa và nhỏ hoặc không đủ vốn đầu tư máy in Flexo, nhưng phải dùng đến bốn lao động và chất lượng in thường không ổn định.
Do nhu cầu cần có máy in kéo lụa phù hợp với tình hình sản xuất của đơn vị, năm chàng trai tốt nghiệp từ những chuyên ngành và trường đại học khác nhau hiện đang công tác tại Nhà máy TBVTVAG đã tập hợp lại thành một nhóm, đứng đầu là nhóm trưởng Nguyễn Thành Đức, quản đốc xưởng đồng thời cũng là người đứng ra lập kế hoạch làm việc cho nhóm.
Khi bắt tay vào việc chế tạo máy in kéo lụa, họ đã gặp rất nhiều khó khăn vì qua tham khảo, hiện nay trên thị trường chỉ có máy in lụa trên giấy bề mặt phẳng có khổ nhỏ (khổ A3 trở xuống), chưa có máy in lụa trên giấy carton bề mặt dợn sóng, khổ lớn.
Vào năm 2001, họ đã chế tạo thành công máy in kéo lụa trên giấy carton dợn sóng khổ lớn. Nhưng sau một năm đưa vào sử dụng thực tế, máy có một số lỗi kỹ thuật cần sửa chữa. Để khắc phục được những nhược điểm trên quả thật không phải là chuyện đơn giản. Họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thiết kế cụm dao kéo lụa. Phải thiết kế làm sao cho cụm dao kéo đạt được những yêu cầu như: bảo đảm độ nén, độ nghiêng trên bề mặt giấy carton, kể cả những chỗ dợn sóng trên bề mặt giấy. Về cơ cấu truyền động, lúc đầu họ dùng nguyên lý dây cáp kéo cụm dao, sau đó đổi sang nguyên lý chạy liên thanh răng.
Để làm được tất cả những phần việc trên trong suốt một năm, cả nhóm đã đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ, làm việc với tinh thần lao động cao nhất, bằng mọi cách phải khắc phục cho được những lỗi kỹ thuật mà máy in kéo lụa lần 1 đã vấp phải. Trong quá trình làm việc, những khó khăn này tiếp nối những trở ngại khác như là một thách thức đối với cả nhóm, càng làm cho họ quyết tâm phải vượt qua cho bằng được.
Đến tháng 9-2004, việc chế tạo máy in kéo lụa thứ II cũng đã hoàn thành tốt đẹp. Máy hoạt động chính xác, ổn định, giảm từ bốn lao động in thủ công xuống còn hai lao động, chất lượng đẹp và ổn định hơn in thủ công, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh cho đơn vị. Máy được thiết kế và lập trình để người thao tác vận hành đơn giản và dễ dàng.
Nhiệm vụ là nghiên cứu chế tạo phục vụ cho nhu cầu sản xuất của đơn vị cho nên hiện tại máy in kéo lụa chưa được Công ty cổ phần TBVTVAG sản xuất để bán rộng rãi trên thị trường. Nhưng qua một thời gian sử dụng, nhà máy TBVTVAG nhận thấy, máy in kéo lụa này rất phù hợp với nhu cầu của các nhà máy sản xuất bao bì giấy carton trong nước, lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội của nó rất lớn, rất phù hợp với các nhà máy, đơn vị sản xuất có quy mô vừa và nhỏ trên toàn quốc.
Trong tương lai gần, công ty sẽ chế tạo máy in kéo lụa để bán rộng rãi trên thị trường để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng trong cả nước.
Nguồn: www.nhandan.com.vn ngày 12-02-2005