Chế tạo thành công lò đốt rác y tế rất nhỏ
Chất thải rắn y tế bao gồm các ống tiêm, kim, băng thấm dịch hoặc máu, các loại thuốc quá hạn, mô và cơ quan người... Rác y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vì chứa không chỉ hóa chất nguy hại mà gần như toàn bộ các loại vi trùng độc hại. Để khắc phục tình trạng này, phương pháp xử lý hiệu quả là phương pháp đốt. Các lò đốt rác y tế ở Việt Nam hiện nay thường có công suất trên 30 kg/h. Tuy nhiên, loại lò này chỉ thích hợp cho các bệnh viện lớn như Bệnh viện đa khoa; Trung tâm y tế quận, huyện... Còn các trạm y tế xã, công ty, phòng khám tư nhân... chỉ có từ 2 đến 3 kg rác mỗi ngày. Với nhóm này, nhu cầu thực sự là các lò đốt rác nhỏ.
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Hoá học (TP HCM), thuộc Viện khoa học công nghệ Việt Nam đã thiết kế và chế tạo lò đốt chất thải y tế với hai loại công suất: Công suất nhỏ (3 kg/h và 8 kg/h) phục vụ các đơn vị y tế cấp huyện; Công suất rất nhỏ (loại 0,3 kg/h và 0,7 kg/h) nhằm phục vụ trạm y tế xã và các cơ sở có nhu cầu tương đương.
Để nâng cao hiệu quả xử lý, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những điểm mới như: Công nghệ nhiệt phân cục bộ (chỉ đạt trên 1.000 độ C ở ngay vị trí đốt, làm phân hủy triệt để chất thải, trong khi nhiệt độ chung của cả buồng không cao mà chỉ vào khoảng 300 độ C). Nhờ quá trình trao đổi nhiệt và chất trực tiếp nên quá trình nhiệt phân xảy ra nhanh và triệt để mặc dù nhiệt độ của không khí trong buồng có thể không cao, dẫn đến chi phí năng lượng thấp.
Kết cấu lò đốt cũng được cải tiến. Kết cấu lò đốt thông dụng ở Việt nam thường bao gồm 2 buồng sơ cấp và thứ cấp rời nhau hình trụ. Với kích thước lớn, kết cấu kiểu này cho phép chế tạo và bảo trì dễ dàng. Tuy nhiên kết cấu này không phù hợp với công suất nhỏ do chi phí chế tạo cao, tổn thất nhiệt ra môi trường lớn. Nhóm nghiên cứu đã khắc phục nhược điểm trên bằng cách thiết kế lò đốt gồm 2 buồng sơ cấp và thứ cấp dạng hình chữ nhật chồng lên nhau, giúp giảm chi phí vật tư và công chế tạo, đồng thời công nghệ chế tạo đơn giản.
Cũng có thể thay đổi thiết kế lò để phù hợp với từng loại rác của các bệnh viện khác nhau. Mặc khác, do được chế tạo tại Việt Nam nên công tác bảo trì cũng thuận lợi hơn nhiều so với máy nhập ngoại.
Thử nghiệm thực tế cho thấy chất thải rắn được xử lý triệt để và an toàn, tro còn lại sau khi xử lý không còn “sống” (lượng hữu cơ dưới 0,5%), khí thải ra từ hệ thống sau khi xử lý đạt TCVN 6560:1999. Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định kinh phí đầu tư cho loại lò nhỏ này thấp, có thể sử dụng lâu dài, phù hợp với trình độ người sử dụng không có chuyên môn cao.
Đến nay, Viện đã lắp đặt loại lò công suất 0,3 kg/h cho Trung tâm cai nghiện số V tại Sơn Tây của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, Trường cao đẳng Thực phẩm (TP HCM), lắp đặt lò công suất 3kg/h cho Trường giáo dục & giải quyết việc làm số 6 (Lực lượng thanh niên xung phong TP HCM ở Dắkrlấp - Đắc Lắc), Trung tâm y tế huyện Dắkrlấp - Đắc Lắc...
Liên hệ: Viện Công nghệ hoá học, số 1 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP HCM. ĐT: 08 8237536; email:dte@hcm.vnn.vn
Nguồn: vnexpress.net 20/6/2005