Chế bê tông... từ rác thải!
Trước thực trạng phần lớn rác thải sinh hoạt ở Việt Nam được chôn lấp, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm, TS Châu nảy ra ý tưởng tận dụng CTR vô cơ (chủ yếu là cát, sỏi, đá, gạch vụn) để sản xuất... vật liệu xây dựng. Tìm tới Nhà máy Xử lý rác Cầu Diễn (công suất 150 tấn/ngày) năm 2003, được biết xung quanh nhà máy đổ đầy CTR vô cơ loại này. Ông đã bàn bạc với Ban Giám đốc nhà máy sàng lọc tiếp để chọn ra loại CTR vô cơ thích hợp (có kích thước 1,5-20mm).
Có nguyên liệu rồi, khó khăn lớn nhất là tìm kiếm chất kết dính cho CTR vô cơ. Sau khi làm đi làm lại nhiều mẫu thí nghiệm với keo chống thấm, nhựa đường, xi măng, nhũ tương... TS Châu đã quyết định chọn xi măng pooclăng PCB 30 vì tính dính kết cao và rẻ tiền hơn cả. Sau hai năm miệt mài nghiên cứu, hỗn hợp bê tông CTR vô cơ ra đời, gồm cát, đá dăm, nước, xi măng và CTR vô cơ từ rác thải sinh hoạt. Trong đó, CTR vô cơ chiếm tỷ lệ vượt trội các thành phần khác.
Theo TS Châu, có thể sử dụng loại bê tông trên làm móng đường giao thông trong thành phố. Trên thực tế, ông đã phối hợp với Nhà máy Xử lý rác Cầu Diễn xây dựng một con đường dài vài chục mét tại đó. Bê tông còn được dùng để đúc gạch lát vỉa hè đường phố. Sản phẩm đã được chứng nhận là có khả năng chịu lực theo tiêu chuẩn nhà nước, không còn mùi vị, do vậy không ảnh hưởng tới môi trường đất, nước. Giá thành 1m 3bê tông CTR vô cơ khoảng 270.000-300.000 đồng, trong khi giá bê tông thương phẩm (không thép) hiện là 600.000 đồng. Giá gạch bê tông CTR vô cơ là 800-1.000 đồng/viên so với 1.100-1.600 đồng/viên đối với gạch thương phẩm.
Ngoài ra, có thể dùng bêtông CTR vô cơ đúc thành khối nặng vài tấn đắp đê, tạo ra mặt bằng mới cho nông dân nuôi trồng thuỷ sản. TS Châu nói: ""Xây dựng làng kinh tế sinh thái trên biển theo mô hình này có thể xoá đói nghèo nhanh hơn cho nông dân vùng ven biển. Đồng thời đê còn chống được gió bão, là nơi để tàu thuyền neo đậu và chống sạt lở dọc bờ biển một số tỉnh miền Trung. Tôi mong muốn Nhà nước xây dựng một số tuyến đê biển như thế để làm thí điểm cho các địa phương học tập. Cũng mong là tôi có thể chuyển giao công nghệ tái chế này cho các công ty môi trường đô thị có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt"".
Theo TS Châu, Việt Nam nên thành lập ngành công nghiệp tái chế chất thải sinh hoạt ngay từ bây giờ. Nếu có nhiều dây chuyền tái chế rác thì nhân dân vùng ngoại thành của các đô thị không còn lo ngại việc vận chuyển rác đến đổ bên cạnh nhà họ. Về lâu dài, Việt Nam cần phân loại rác sinh hoạt ngay từ hộ gia đình để giảm chi phí xử lý như hiện nay. Với tiềm năng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cụ thể là giảm lượng rác thải sinh hoạt được chôn lấp, cuối tháng 12/2004, Hội đồng khoa học của Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam đã cho nghiệm thu đề tài nghiên cứu của TS Châu và đánh giá là xuất sắc.
Nguồn: Minh Sơn, VietNamNet ngày28/02/2005