Chẩn đoán bệnh qua nước bọt
Cũng giống như máu, nước bọt có chứa nhiều phân tử và protein, do đó mà trong tương lai con người có thể sử dụng nước bọt để phát hiện ung thư hoặc xác định những người sử dụng ma túy. “Nước bọt có nhiều nét tương đồng giống máu, do vậy mà chúng ta có thể lợi dụng nó để tìm bệnh giống như máu”, Edward Cone, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu phát triển phương pháp chẩn đoán bệnh mới và tham gia hội nghị thường niên của Hiệp hội Tiến bộ khoa học Mỹ,cho biết.
Theo Edward Cone thì, sử dụng mẫu nước bọt để phát hiện chất gây mê, chất kích thích, sẽ cho kết quả chính xác hơn nhiều so với thử nghiệm bằng nước tiểu. Nguyên nhân là do mẫu nước bọt ít nhạy cảm với sự xáo trộn của cơ thể so với khi thử nghiệm bằng nước tiểu. Trước khi thử nghiệm bằng nước tiểu hoặc máu, bệnh nhân cũng phải kiêng khem nhiều thứ. Hơn nữa, một số loại thuốc phiện như cocain có thể xuất hiện ở nước bọt trong một thời gian dài trước khi chúng xuất hiện trong nước tiểu. Trong khi đó, lấy mẫu nước bọt lại không gây đau đớn, nhanh hơn và dễ dàng hơn so với lấy mẫu vật bằng máu và nước tiểu.
Nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Pennsylvalia, do Daniel Malamud dẫn đầu đang cố gắng chế tạo ra loại băng cátxét với kích cỡ bằng chiếc thẻ tín dụng, thiết bị này ghi lại các yếu tố trong nước bọt của bệnh nhân để phát hiện ra ADN hay các virút và vi khuẩn độc hại ở nhiều vùng khác nhau trong cơ thể. Chiếc băng cátxét sau đó được cài vào một thiết bị điện tử mà thông tin có thể được truyền bằng vô tuyến điện tới một máy tính để phân tích.
Malamud cho biết: “Dữ liệu về tình trạng bệnh nhân có thể được thu thập ngay trong một xe cứu thương hoặc một chiếc xe hơi của cảnh sát và có thể truyền tới bất kỳ nơi nào”. Các cuộc thử nghiệm của Malamud trong phòng thí nghiệm cho thấy, kỹ thuật này đã thành công trong việc phát hiện sự hiện diện của virút HIV và các loại virút khác tương tự như virút gây bệnh than. Malamud tin rằng, băng cátxét có thể được sản xuất để thử nghiệm các nhóm virút và vi khuẩn đặc biệt.
Trong khi đó, Giáo sư David Wong, ở Khoa Nha sĩ, thuộc Trường Đại học Nam California, Mỹ cũng có những phát hiện về tác dụng của nước bọt. Ông nói rằng, trong tương lai gần nước bọt sẽ được sử dụng như là một công cụ chẩn đoán cho một số bệnh, điển hình như ung thư.
Cho đến nay, con người đã xác định đựơc khoảng 3.000 loại protein trong nước bọt, trong số này có 200 loại protein quan trọng mà mọi người đều có, và bốn loại protein có liên quan đến ung thư miệng. Wong lạc quan nói: “Những gì chúng tôi hy vọng đang tiến gần tới hiện thực. Một ngày tới đây, thay vì bảo bệnh nhân vào phòng vệ sinh và lấy mẫu nước tiểu hoặc vạch tay áo để lấy máu, các bác sĩ sẽ lấy nước bọt vào ống xét nghiệm, và một lúc sau bạn sẽ có kết quả bệnh lý của mình”.
Nguồn: cand.com.vn 25/10/2005