Cây Tiết dê thuốc tan máu bầm
Tiết dê là một cây dây leo, thân và cành có ít nhiều lông mịn. Lá hình tim, mép hơi khía tai bèo, mềm dài 2 - 5cm; rộng 3 - 6cm, có 5 gân chính, hai mặt đều có lông mịn. Hoa đơn tính, cùng gốc. Hoa đực mọc thành ngù phân đôi có cuống, mọc đơn độc hoặc thành đôi ở các kẽ lá bắc hình lá. Hoa cái mọc thành xim phân đôi, gần như không cuống ở kẽ các lá bắc hình thận, hình tròn, nhỏ. Quả hình cầu dẹp đường kính 5mm, có sẹo của vòi, màu đỏ có lông.
Nhân dân thường dùng lá tươi quanh năm, giã vò nát vắt lấy nước để một thời gian sẽ đông như thạch (đông sương) để uống cho mát mắt và để giải nhiệt.
Công dụng
Lá Tiết dê là loại thuốc quý, dân gian đã điều trị có kết quả với những bệnh: tiểu tiện khó khăn, cảm sốt chưa rõ nguyên nhân, kiết lỵ… Họ xem tác dụng của lá cây Tiết dê là vị thuốc “mát”, chữa trị nóng, sốt, táo bón, tiểu tiện khó, đau buốt khi tiểu tiện ra máu, vấp ngã có khối máu tụ, bầm tím…
Tại Ấn Độ, nhân dân còn dùng lá Tiết dê chữa viêm đường tiết niệu do sỏi… sỏi thận, bàng quang cấp tính, sỏi mật, chữa đầy hơi, trướng bụng. Rễ, lá Tiết dê còn giã nhỏ đắp lên nơi loét lở ở da.
Liều thường dùng từ 5 - 10g lá tươi dưới dạng thuốc sắc.
Tại một khu vực ở Quy Nhơn, một số bệnh nhân bị các chấn thương nhẹ cơ xương đã dùng từ 70 - 100g lá Tiết dê khô, sao vàng, sắc 4 bát nước, còn lại một bát hào với đường đen, để nguội uống 1 - 2 ấm.
Theo bệnh nhân, sau khi uống, lượng nước tiểu ra nhiều, đại tiện tốt dễ chịu.
Bài thuốc có lá và rễ Tiết dê chữa tiểu tiện khó khăn, sốt: lá Tiết dê tươi 50g, vò nát hay giã nhỏ, cho nước chín nguội, vắt lấy nước, để thời gian sẽ đông lại, phải có đường để uống (vì lá Tiết dê rất đắng).