Cây cóc hành – nguyên liệu chế biến thuốc thảo mộc trừ sâu hại
Một trong các biện pháp được nghiên cứu khảo nghiệm theo hướng nói trên là khai thác các chất lấy từ thảo mộc. Trong đó số những loài thảo mộc như vậy có cây cóc hành.
Đây là loài cây thuộc họ Meliaceae, trông giống như cây xoan, có tên khoa học là Azadirachta indica và cán bộ chuyên môn gọi là cây nim (neem). Cây cóc hành mọc nhiều ở các tỉnh Nam Trung Bộ nhưng không tập trung. Gần đây đã có tới 500ha cây cóc hành được trồng trên các diện tích lớn ở tỉnh Ninh Thuận. Là cây thân gỗ, sống nhiều năm, lá nhỏ, cành khẳng khiu, cây cóc hành có thể mọc ở nhiều loại đất và thích nghi những nơi khô cằn, sỏi đá, nơi có nhiệt độ cao. Vì vậy cây cóc hành thường gặp nhiều ở phương Nam , vùng nhiệt đới hoang mạc. Cóc hành ra hoa, kết quả từ đầu mùa hè cho tới mùa thu. Quả dạng hạch, hạt không có phôi nhũ và chứa một hàm lượng dầu nhất định. Trước kia, cây cóc hành mọc tự nhiên, hoang dại, chủ yếu thân cành được dùng làm củi.
Tuy nhiên từ những năm 60 thế kỷ vừa qua, các nhà khoa học phương Tây như Đức, Mỹ, Ấn Độ…đã tìm thấy trong các bộ phận của cây cóc hành, nhất là hạt có chứa những chất như Azadira – chtin và salanin. Những chất này được đem khảo nghiệm cho tác động vào côn trùng gây hại cây cối thì thấy có hiệu quả đáng kể.
Một số tác dụng chủ yếu của các chất có trong cây cóc hành, sau khi khảo sát trên 34 loại cây trồng khác nhau, để hạn chế tác hại của 180 loài côn trùng, ba loài nhện và 12 loài tuyến trùng thì thấy các chất đó có tác dụng như:
- Gây bất dục, ức chế sinh trưởng. Khi dùng các chất của cây cóc hành phun vào sâu hoặc sâu ăn phải thì sâu non không lột xác, không lột thành nhộng, không lớn được và chết; sâu trưởng thành đẻ ít hoặc không đẻ trứng.
Làm cho sâu ngán ăn hoặc xua đuổi sâu. Khi bắt gặp dịch chiết từ cây cóc hành, côn trùng tìm cách tránh né và bỏ đi, còn nếu bị dính bám thì sâu bỏ ăn, sức phá hại kém đi. Tuy nhiên, cũng phát hiện đặc tính hấp dẫn đối với một vài loài côn trùng và lợi dụng đặc tính này người ta làm bẫy dụ sâu để tiêu diệt.
Ở nước ta, các cán bộ khoa học thuộc Viện Bảo vệ thực vật đã khảo sát những chế phẩm được sản xuất từ cây cóc hành đối với sâu tơ, sâu khoang, sâu xanh, bướm trắng…đều đạt hiệu quả tốt. Ví dụ hoạt chất Azadirachtin gây ngán ăn cho sâu tơ 57% và cho sâu khoang 62%; hoặc sâu tơ không hoá nhộng hoặc vũ hoá, nếu gặp dịch chiết bằng nước với nồng độ 4% từ hạt cây cóc hành hoặc hiệu quả tương tự đối với sâu xanh, bướm trắng khi dùng 0,5 đến 1% chế phẩm hạt cóc hành. Đồng thời có nhận xét các chế phẩm từ cây cóc hành hầu như vô hại đối với các loài sâu có ích (thiên địch).
Các chế phẩm thường gặp hiện nay là: bột khô, dùng lá, hạt cóc hành phơi khô, nghiền thành bột mịn; bột thấm nước, dùng bột khô hoặc bột còn tươi ngâm với nước, lọc sạch để phun; dịch chiết, dùng các dung môi như acetol, ethanol…hoặc nước để chiết tách hoạt chất từ hạt, lá cây cóc hành để tạo chế phẩm trừ sâu.
Cây xoan ở nước ta (Melia azedarach) cũng được nhân dân dùng để hạn chế sâu bọ, như dùng cành lá phơi khô, rồi phủ lên hạt đậu lạc được bảo quản trong chum vại, xua đuổi sâu mọt xâm nhập gây hại, hoặc dùng lá xoan khô ngâm với nước vôi trong 24 giờ, cứ 10ml nước vôi ngâm 1kg lá xoan khô. Sau đó vò kỹ rồi lọc lấy nước và pha thêm 0,1% xà phòng để phun trừ sâu; hoặc thu quả xoan chín, phơi khô nghiền thành bột mịn để pha với nước cộng thêm chất phụ gia như xà phòng rồi phun trừ sâu. Được biết hàm lượng hoạt chất trừ sâu ở cây xoan ta thấp, vì thế nước ta đã có chủ trương phát triển cây cóc hành lấy nguyên liệu chế biến thuốc sâu.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 82(1800)