Cần thực hiện giải pháp cấp bách giảm phát thải khí nhà kính
Nồng độ KNK tăng nhanh
Báo cáo đánh giá của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) hàng năm cho thấy, sự nóng lên của khí hậu trái đất hiện nay là một thực tế và sẽ tiếp tục diễn ra. Nguyên nhân của vấn đề này là do sự gia tăng nhanh chóng nồng độ khí nhà kính (GHGs) trong khí quyển.
Sự phát thải khí nhà kính (KNK) chủ yếu bắt nguồn từ các hoạt động của con người, đặc biệt là từ nửa cuối thế kỷ 20 cho đến nay. Nồng độ khí nhà kính, trong đó bao gồm lượng khí các bon đi ô xít (CO2), mê tan (CH 4), và ni tơ ô xít (N20) …đang ngày càng gia tăng.
Theo Báo cáo về kết quả Dự án “Tăng cường năng lực kiểm kê quốc gia khí nhà kính tại Việt Nam” giai đoạn 2010 – 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua kiểm kê quốc gia KNK tại Việt Nam đã xác định và phân tích 28 nguồn phát thải, hấp thụ chính trong trường hợp không có lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và 33 nguồn phát thải, hấp thụ chính trong trường hợp có LULUCF.
Báo cáo cũng cho thấy, tổng lượng phát thải KNK tại Việt Nam là 246,8 triệu tấn CO2 tương đương, bao gồm lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và 266 triệu tấn CO2 tương đương không bao gồm LULUCF. Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất là 53,05% tổng lượng phát thải không tính LULUCF, tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp chiếm 33,20%. Phát thải từ các lĩnh vực quá trình công nghiệp và chất thải tương ứng là 7,97% và 5,87%.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sự tăng nhanh về phát thải KNK đã góp phần không nhỏ đến việc làm trầm trọng hơn thời tiết cực đoan của Việt Nam. Thống kê cho thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, úng, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã diễn ra với tần suất nhiều và nghiêm trọng hơn. Ðiều đáng lo ngại, những biến động bất thường của thời tiết, khí hậu đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp do bị thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, cũng như tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng...
Ðồng thời, phát thải KNK cũng khiến tài nguyên nước suy giảm, hạn hán ngày một tăng ở một số vùng, mùa, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến việc cấp nước ở các vùng nông thôn, thành thị, cũng như các nhà máy thủy điện.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cụ thể về giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, giai đoạn 2011 – 2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 – 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 – 1,5% mỗi năm. Đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5% – 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20 – 30% so với phương án phát triển bình thường.
Đây chính là những biện pháp lâu dài để Việt Nam tiến bước trên con đường quản lý hiệu quả khí gây hiệu ứng nhà kính, hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu trên đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực triển khai nhiều biện pháp cấp bách hơn nữa trong thời gian tới.
Thực hiện giải pháp cấp bách giảm phát thải KNK
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá, giảm nhẹ phát thải KNK là vấn đề quan trọng cần được quan tâm. Do vậy, giai đoạn sau năm 2015, các hoạt động xây dựng lộ trình và phương thức tham gia giảm nhẹ phát thải KNK là mục tiêu quan trọng phải thực hiện.
Theo Báo cáo cập nhật lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, dựa trên các ước tính phát thải khí nhà kính đến năm 2030, Việt Nam đã xây dựng các phương án giảm nhẹ phát thải KNK trong từng lĩnh vực cụ thể, bao gồm: 6 phương án giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực năng lượng, tập trung vào việc triển khai công nghệ tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo. Hai phương án giảm nhẹ KNK trong nông nghiệp cũng được xây dựng bao gồm: Áp dụng tưới khô ướt xen kẽ hoặc hệ thống canh tác lúa cải tiến; tái sử dụng phế phụ phẩm lúa làm phân ủ compost.
Cùng với việc triển khai các phương án giảm nhẹ phát thải KNK như trên, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng Hồ sơ đề xuất Hành động Giảm thiểu phù hợp với quốc gia (NAMA) “Quỹ phát triển năng lượng tái tạo - Cơ chế GET FiT Việt Nam ” Để xem xét hỗ trợ thực hiện. Dự án này sẽ hỗ trợ thúc đẩy đầu tư công và tư vào ngành năng lượng tái tạo nhằm đạt được mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Ông Nguyễn Minh Bảo, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết: Tính đến tháng 6/2014, Việt Nam có 253 dự án Cơ chế Phát triển sạch (CDM); 11 Chương trình hoạt động theo CDM (PoA) được đăng ký; 10.068.987 Chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận (CER) được Ban chấp hành quốc tế về CDM (EB) cấp thông qua các hoạt động CDM. Tổng lượng khí nhà kính giảm được của 253 dự án CDM khoảng 137 triệu tấn CO2 tương đương trong thời kỳ tín dụng.
Trên thế giới, Việt Nam được xếp thứ 4 về số lượng dự án CDM được đăng ký và xếp thứ 11 về lượng CER được cấp. Trong số các dự án CDM nói trên, dự án thuộc lĩnh vực năng lượng chiếm 88,19%, xử lý chất thải 9,96%, trồng rừng và tái trồng rừng 0,37% và các loại dự án khác 1,48%.
Đưa ra các giải pháp trong thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng cho biết, giảm nhẹ phát thải KNK được xem là cơ hội để thu hút nguồn lực ứng phó với BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát thải ít các bon. Do đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc giảm phát thải KNK, thúc đẩy xây dựng thị trường các -bon trong nước, đẩy mạnh sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững để thực hiện hiệu quả nội dung, nhiệm vụ ứng phó với BĐKH.