Cần thay đổi tư duy đầu tư hơn nữa cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Chính phủ luôn yêu cầu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới và chủ trương này đang nhận được sự đồng thuận rất lớn từ phía các cơ quan khác nhau, từ cộng đồng doanh nghiệp và của các nhà khoa học trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được xử lý.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người đứng đầu cơ quan được coi là “Tổng tham mưu trưởng” trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đã nhiều lần khẳng định về dài hạn, Việt Nam quyết tâm thực hiện các chủ trương đổi mới, cải cách và phát triển, chủ động và tích cực cơ cấu lại nền kinh tế hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đổi mới, sáng tạo là một động lực quan trọng, là chìa khóa của tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các doanh nghiệp cần nhận thức vai trò của đổi mới sáng tạo và phải chuyển đổi số sớm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng chương trình với tham vọng để 800.000 doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng được chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, dù doanh nghiệp lớn, nhỏ hay vừa.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, người từng đứng đầu Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel, cho rằng chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng là sự phát triển mang tính đột phá.
“Nó thay đổi cách chúng ta vận hành công việc và cuộc sống, đột phá ở chỗ càng dùng thì càng rẻ, càng dùng thì càng giỏi và công nghệ phát triển, dám thay đổi và phát triển mô hình mới, các nước đi sau sẽ ứng dụng mạnh mẽ hơn, nhanh hơn những nước đi trước, nơi nào khó khăn thì ứng dụng sẽ hiệu quả hơn, nó làm cho những nơi nghèo nhất có thể tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất nhưng với giá rất rẻ, mỗi người, mỗi hộ dân, mỗi doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn quốc, toàn cầu, thúc đẩy mọi người có thể kinh doanh và làm giàu…”, Bộ trưởng phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2020.
Khuyến nghị các bộ, ngành và địa phương trong nhiệm kỳ tới chọn đột phá là công nghệ, nhất là công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của kinh tế, xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2020 đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chiến lược “Make in Viet Nam”. Số doanh nghiệp công nghệ số tăng 28%, đạt gần 60.000 doanh nghiệp và lực lượng này đã sẵn sàng tham gia các chương trình chuyển đổi số.
"Nói đến chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đầu tiên là ‘đụng chạm’ đến chính sách. Việc chúng ta làm đều là việc mới, tức là chưa có thể chế. Việc đầu tiên Nhà nước làm là chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh mới", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu vấn đề và cho biết hiện Chính phủ đã có chủ trương về sandbox (cơ chế thử nghiệm chính sách mới) các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: Kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh,... đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhiều lần phát biểu tại nhiều diễn đàn về vai trò của đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin…
“Nếu tất cả người dân Việt Nam đều có điện thoại thông minh, được cài đặt những dịch vụ công cơ bản, cùng với thúc đẩy thanh toán di động, trực tuyến thì cả xã hội sẽ chuyển mình. Đây là thời cơ và cũng là sự thôi thúc có tính lịch sử đối với ngành công nghệ thông tin, viễn thông”, Phó Thủ tướng phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
“Với quy mô dân số 100 triệu dân, chúng ta đủ sức ‘ươm mầm’ cho những công nghệ, giải pháp của người Việt trước khi ra thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Mô hình đại bàng cất cánh của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Hà Nội khởi công 9/01/2021 sẽ góp phần đưa Việt Nam ra thế giới
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng vẫn còn không ít rào cản cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam, cả khu vực Nhà nước và tư nhân chỉ khoảng 0,44% GDP, mức rất thấp so với mức bình quân của thế giới là 2,23% GDP. Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
“Vì chúng ta chưa thực sự có chính sách tốt, cơ chế tốt hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia. Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ”, Thủ tướng nói.
Vì thế, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số là sự chuyển dịch tích cực cho kinh tế và xã hội Việt Nam. Đây cũng là lý do mà “Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh” vừa được VCCI công bố dành một chương riêng về khung khổ pháp lý cho kinh tế số.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó, một số vấn đề nảy sinh và cần có sự can thiệp của Nhà nước để nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn và giảm các tác động tiêu cực đến xã hội.
“Vai trò của Nhà nước lúc này trong việc xây dựng và bảo đảm thực thi có hiệu quả các hành lang pháp lý cho kinh tế số là vô cùng quan trọng. Các quy định pháp luật hợp lý, khả thi và công bằng sẽ giúp tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển nhanh, bền vững và lành mạnh. Ngược lại, nếu các quy định được thiết kế một cách bất hợp lý, không khả thi hoặc không công bằng có thể sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam không bắt kịp tốc độ chuyển đổi số của khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN và thế giới”, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 nhận định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trẻ và tài năng đang gia tăng hiện nay của Việt Nam cần có môi trường để thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo và phát triển sản phẩm tại thị trường trong nước, từ đó dần mở rộng ra thị trường khu vực và toàn cầu.
Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Minh Đức từ Ban Pháp chế của VCCI, hiện còn rất nhiều vấn đề cần xử lý để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho kinh tế số, như vấn đề đầu tư và giấy phép cung cấp dịch vụ trên môi trường số, bảo hộ tài sản trí tuệ để phát triển kinh tế số, vấn đề kiểm duyệt nội dung thông tin trên môi trường mạng, bảo vệ dữ liệu người dùng, thuế, cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính…
“Những lĩnh vực doanh nghiệp cần đầu tư lớn, thu hồi vốn lâu thì có những chính sách lại thay đổi quá nhanh. Nhưng có những lĩnh vực doanh nghiệp muốn sáng tạo, đưa ra ý tưởng mới thì chính sách lại đứng yên tại chỗ. Tư duy làm luật cần được thay đổi mạnh mẽ hơn, vì nếu cứ dùng công cụ cấm đoán, giấy phép và áp đặt mệnh lệnh hành chính thì sẽ không thể giúp chúng ta phát triển ở trình độ cao hơn”, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Chẳng hạn, câu chuyện bảo vệ dữ liệu người dùng đặt ra vấn đề cân bằng giữa quyền riêng tư và nhu cầu phòng chống các vi phạm pháp luật; trong khi câu chuyện đấu giá sử dụng tần số cần bảo đảm cạnh tranh trên thị trường… “Về kiểm duyệt nội dung trên mạng, nếu kiểm duyệt thái quá sẽ làm mất khách hàng, trong khi không kiểm duyệt thì thông tin xấu độc tràn lan. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ gặp khó trong việc phát triển bộ lọc”, ông Đức lấy ví dụ.
TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, muốn đổi mới mô hình tăng trưởng thì không thể bằng lời nói, bằng tuyên ngôn mà phải thực chất bằng đổi mới tư duy và đổi mới thể chế. Nếu không làm được như thế thì 10 năm sau chúng ta vẫn không thể bứt phá nhanh hơn và thậm chí thập kỷ tới đây cũng không đạt được tốc độ tăng trưởng như giai đoạn vừa qua.
Từ sự kiện khởi công tòa nhà Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia vừa qua, ông Cung cho rằng Trung tâm này phải hoạt động thực sự có hiệu quả và lan tỏa mạnh mẽ trong việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối với các chủ thể khác của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam và kết nối với cả nước ngoài. “Đổi mới sáng tạo là ở tư duy, ở chính sách. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không nằm trong một tòa nhà”, vị chuyên gia lưu ý.
Nhắc lại cảnh báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sự kiện nói trên là “nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta”, ông Cung cho rằng còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số để đưa nền kinh tế bước sang một giai đoạn phát triển mới cao hơn về chất.
PV.