Cần tạo điều kiện và khuyến khích trí thức tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ
Đây là một trong những đề xuất Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đưa ra tại cuộc tọa đàm Góp ý Đề cương Đề án Chiến lược quốc gia Phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021 -2030 do Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào chiều ngày 23/7/2020 tại Hà Nội.
Tọa đàm đã diễn ra dưới sự chủ trì của TS Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Cùng tham gia tọa đàm có đại diện ban soạn thảo Đề án, đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn của Liên hiệp Hội Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Xây dựng “Chiến lược quốc gia Phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030” là nhiệm vụ Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhằm thực hiện Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý I năm 2021. Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bên liên quan để xây dựng Đề cương Đề án để đảm bảo yêu cầu về thời gian hoàn thành Đề án.
Đại diện cho Liên hiệp Hội Việt Nam, ThS. Nguyễn Quyết Chiến - Trưởng ban Tổ chức và Chính sách Hội đã chia sẻ những kết quả Liên hiệp Hội Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo đó, trong hơn 10 năm qua thực hiện Nghị quyết số 27, Liên hiệp Hội Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi đội ngũ trí thức KH&CN ở trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức nhiều hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào việc củng cố, phát triển đội ngũ trí thức và các hội của trí thức, góp phần ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay, toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có hơn 2 triệu người có trình độ từ đại học trở lên. Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho đội ngũ trí thức KH&CN, có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam ở trong và ngoài nước, thông qua các cấp hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc, Liên hiệp Hội Việt Nam trong những năm qua đã tập hợp hàng triệu hội viên từ trung ương tới địa phương, từ cao tuổi đến trẻ tuổi, cả trí thức trong nước và trí thức Việt kiều, tham gia tư vấn, phản biện xã hội, truyền bá tri thức, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã có nhiều ý kiến sôi nổi góp ý trực tiếp cho Đề cương Đề án Chiến lược quốc gia Phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030. Các đại biểu đều cho rằng đây là Chiến lược quan trọng, nếu chiến lược tốt sẽ phát triển đội ngũ trí thức, từ đó có thể có những bước nhảy vọt trong phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và vị thế của đất nước trong khu vực và trường quốc tế trong thời gian tới. Chính vì vậy cần thiết phải nghiên cứu kỹ, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 27 trong thời gian qua và đưa ra những chiến lược phù hợp nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức trong thời gian tới.
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh cho rằng, trước hết cần phải xác định cho rõ định nghĩa về “trí thức” trong Đề án, từ đó mới có thể đưa ra những giải pháp phát triển, phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức Việt Nam. Việc xây dựng Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cũng nên gắn với các yêu cầu mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia giai đoạn 2020-2030 nhằm phát huy tối đa hiệu quả của Chiến lược.
Về định hướng phát triển đội ngũ trí thức, Ông Lê Duy Tiến, Phó tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam nêu quan điểm, Chiến lược cần phải đưa ra các giải pháp phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam, nhưng không phải nặng về số lượng mà là về chất lượng đội ngũ trí thức. Trong tương lai, chúng ta cần những con người đột phá, nắm vai trò dẫn dắt để đưa đất nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu. Cũng theo ông Tiến, Ban soạn thảo Đề án cũng nên tính đến hướng xây dựng chiến lược có tầm nhìn phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2030-2045 để Chiến lược thực sự có sức sống và nhất quán trong quá trình thực hiện.
Bà Dương Thị Nga, trưởng ban Hợp tác quốc tế Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đã đưa ra đề xuất Ban soạn thảo Đề án Chiến lược đưa ra những giải pháp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học/các tổ chức khoa học công nghệ trong nước nhận tài trợ nước ngoài trong phát triển khoa học công nghệ. Bà Nga cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung rõ Liên hiệp Hội Việt Nam trong danh sách các đơn vị tổ chức thực hiện Đề án này.
Kết thúc tọa đàm, TS Nghiêm Vũ Khải đã thay mặt lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam bày tỏ sự sẵn sàng và trách nhiệm tham gia tích cực cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban soạn thảo Đề án nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao cho Liên hiệp Hội Việt Nam là tập hợp, phát huy sức mạnh đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
TS Nghiêm Vũ Khải đã cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp lại ý kiến góp ý chi tiết của các đại biểu và gửi lại cho Ban soạn thảo Đề án.
Tác giả: Bích Hồng