Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 07/10/2020 15:59 (GMT+7)

Cần tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động Hội và Phi chính phủ

Thời gian qua, các tổ chức hội, phi chính phủ Việt Nam (PCPVN) phát triển rất mạnh. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, năm 2009 mới có 380 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, hơn 600 tổ chức hoạt động khoa học công nghệ ngoài công lập, đến năm 2018 con số tương ứng là gần 600 hội và hơn 800 tổ chức. BBT vusta.vn có cuộc trao đổi với ông Vũ Việt Hùng (Bộ Công an) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Một cuộc hội thảo tìm giải pháp hoạt động hội hiệu quả do Vusta tổ chức T9/2020

PV: Ông nói một cách khái quát thực trạng của các tổ chức hội, PCPVN hiện nay?

Ông Vũ Việt Hùng:Các tổ chức hội, PCPVN không chỉ có sự gia tăng về số lượng, các tổ chức hội, PCPVN đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng vào nhiều mặt của đời sống xã hội. Các tổ chức này đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến dân sinh như: phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ phát triển cộng đồng, phát triển sinh kế… hoạt động của các tổ chức hội, PCPVN thời gian qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự.

Nhiều tổ chức hội, PCPVN hoạt động còn hình thức, kém hiệu quả; tính tự nguyện, tự quản lý, tự trạng trải kinh phí chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ; hoạt động của hội chưa đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của hội viên. Điều này dẫn đến tình trạng mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng, đơn thư khiếu nại tố cáo diễn ra phức tạp ở một số hội (Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đắc Nông, Hội văn học nghệ thuật và Dân tộc Tp.HCM, Hội nạn nhân chất đọc da cam, Hội văn học nghệ thuật Bình Định, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang, Ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam) gây hoang mang dư luận xã hội, phức tạp về an ninh trật tự.

Một số hội, tổ chức PCPVN tham gia các hoạt động phản biện chính sách, pháp luật của Nhà nước không mang tính xây dựng, có xu hướng cực đoan, không toàn diện, chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực, hạn chế để phản đối gây hoang mang dư luận, tạo dựng mâu thuẫn trong xã hội làm ảnh hưởng đến việc xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đáng chú ý có tổ chức nhận hợp đồng dịch vụ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thường uyên tổ chức hội nghị, hội thảo về các chủ đề phức tạp, nhạy cảm có cả các đối tượng chống đối Nhà nước tham gia, lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để xuyên tạc, công kích thậm chí chống phá Nhà nước.

Tình trạng tiếp nhận tài trợ nước ngoài để thực hiện dự án hỗ trợ nhân đạo, phát triển nhưng quá trình triển khai đã nảy sinh tiêu cực, bớt xén nhằm tham ô, chiếm đoạt tiền vì mục đích tư lợi.

Tình trạng các hội, nhóm không có tư cách pháp nhân, không đăng ký thành lập nhưng vẫn hoạt động ngày càng phổ biến. Các tổ chức này hoạt động tự phát, theo hướng mở, không có sự quản lý, không có cơ chế rằng buộc, thành phần tham gia đa dạng nên xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp. Đáng chú ý, có nhiều hội, nhóm lôi kéo, tập hợp người dân tham gia khiếu kiện, biểu tình phản đối các chính sách, pháp luật của nhà nước dẫn đến phức tạp về an ninh trật tự.

PV: Ông có thể đưa ra một số dẫn chứng cụ thể?

Ông Vũ Việt Hùng:Một số tổ chức hội, PCPVN lợi dụng danh nghĩa tổ chức để có hoạt động lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền tài trợ hoặc tiền quyền góp. Điển hình như Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa lừa đảo chiếm đoạt 148 tỷ VNĐ của hàng nghìn nông dân nghèo năm 2015. Lợi dụng danh nghĩa Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Trung tâm đã tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam” nhằm quyên góp tiền từ các cá nhân tương tự hình thức huy động vốn đa cấp. Hai đối tượng đưa ra các chính sách, hứa hẹn trả lãi suất cao để lôi kéo người dân nộp tiền rồi chiếm đoạt. Để tạo niềm tin, những đối tượng này đã tổ chức các hội thảo, soạn thảo thư kêu gọi rồi xin chữ ký ủng hộ của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hoạt động vi phạm này đã bị khởi tố điều tra và truy tố, xét xử. Viện Công nghệ chống làm giả và Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và Phát triển thương hiệu tổ chức chương trình Vinh danh và cấp “Giấy chứng nhận thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam” cho Công ty TNHH Vinaca có hành vi sản xuất thuốc điều trị ung thư giả; Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (VINASTAS) công bố hàm lượng asen trong nước mắm truyền thống vượt ngưỡng cho phép không rõ ràng gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống, có dấu hiệu tuyên truyền, quảng cáo cho ngành sản xuất nước mắm công nghiệp.

PV: Theo ông, đâu là giải pháp hữu hiệu khắc phục những bất cập trên?

Ông Vũ Việt Hùng: Cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân, nhân viên các tổ chức hội, PCPVN, về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động của hội, PCPVN; giúp nhân viên các tổ chức hội, PCPVN và quần chúng nhân dân hiểu rõ vai trò của các TCPCP trong đời sống xã hội, đó là những tổ chức hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải, phi lợi nhuận, đoàn kết tương thân tương ái, không phải cơ quan Nhà nước. Các hội, PCPVN vừa chăm lo bảo vệ lợi ích của các hội viên, vừa phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, tham gia xây dựng, thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, là địa chỉ tư vấn tin cậy, với vai trò phản biện, giám định xã hội thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh đối với các hội, PCPVN. Thực tiễn công tác đã cho thấy, chỉ có làm tốt công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc thực hiện quy định của pháp luật mới có thể giảm thiểu khả năng các hội, PCPVN hoạt động vi phạm pháp luật, gây phức tạp về an ninh, trật tự. Trước hết, phải làm tốt công tác quản lý cấp phép thành lập, phê chuẩn điều lệ hoạt động của các hội, PCPVN... Đồng thời để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng vấn đề lập hội để lập ra các tổ chức phản động dưới danh nghĩa là hội, đoàn.

Quản lý chặt chẽ mối quan hệ quốc tế và yếu tố nước ngoài trong các hội, PCPVN, như việc các tổ chức tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế tương ứng, vấn đề tiếp nhận và thực hiện dự án của nước ngoài cho các hội, PCPVN, vấn đề kết nạp hội viên là người nước ngoài để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tác động xấu về ANQG. Thường xuyên rà soát, quản lý dự án do nước ngoài tài trợ cho các hội, PCPVN, kịp thời phát hiện việc sử dụng nguồn tài trợ vào các mục đích xâm phạm ANQG, vi phạm pháp luật.

PV: Như vậy, theo ông để làm tốt, hiệu quả công tác về tổ chức hội và PCPVN phải kịp thời có một hành lang pháp lý?

Ông Vũ Việt Hùng:Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của các hội, PCPVN .Qua khảo sát cho thấy các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực tổ chức và hoạt động của hội, PCPVN hiện đang ở tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, bất cập, khó áp dụng, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và công tác đảm bảo an ninh. Việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này đang là một yêu cầu cấp thiết, giúp tăng cường công cụ pháp lý cho công tác quản lý nhà nước và công tác an ninh trên lĩnh vực này. Điển hình là Dự thảo Luật về Hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến đã nhiều lần, song vẫn chưa được thông qua vì còn nhiều nội dung chưa phù hợp, chưa tạo được sự đồng thuận trong nội bộ nhân dân, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật quan trọng này để thông qua trong một thời điểm thích hợp, đảm bảo yếu tố đoàn kết, thống nhất và tăng cường sức mạnh quần chúng. Ngoài ra, cần đánh giá việc thực hiện các văn bản dưới luật hiện có điều chỉnh hoạt động của hội, PCPVN để kịp thời bổ sung, sửa đổi những vấn đề bất cập liên quan đến hoạt động của hội, PCPVN và công tác quản lý của cơ quan chức năng.

PV :Xin cảm ơn ông !

PV.

Xem Thêm

Đoàn kết, phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam vững mạnh
Ngày 26/1, tại tru sở VUSTA, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động và tổng kết hoạt động của Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2023. Đồng chí Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký VUSTA; Đồng chí Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký, Bí thư Chi bộ Cơ quan VUSTA; Đồng chí Trần Xuân Việt –Chủ tịch Công đoàn Cơ quan VUSTA cùng chủ trì hội nghị.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Giáp Thìn 2024
Ngày 25/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt, chúc Tế cho cán bộ hưu trí nguyên là lãnh đạo, viên chức và nhân viên của Liên hiệp Hội Việt Nam qua các thời kỳ, những người đã cống hiến phần lớn tuổi trẻ, sự nghiệp của mình cho sự phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Phát huy vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam trong tình hình mới
Ngày 22/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ 8 (khóa VIII). Đồng chí Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; Đồng chí Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội; Đồng chí Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch LHHVN; Đồng chí Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký LHHVN đồng chủ trì hội nghị.

Tin mới