Cần sớm hành động để loại trừ amiăng ra khỏi đời sống
Kế hoạch do Bộ Y tế xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đồng ý đưa amiăng trắng vào phụ lục 3 Công ước Rotterdam về lộ trình hành động tiên quyết có liên quan đến các hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu trong thương mại quốc tế tại Hội nghị Công ước Rotterdam năm 2017 diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ từ ngày 23/4 đến ngày 05/05/2017.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là giảm tỷ suất mới mắc các bệnh do amiăng gây ra thông qua việc dừng sử dụng amiăng vào năm 2020; góp phần tăng cường sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Để đạt được mục tiêu chung này, Kế hoạch đề ra 5 mục tiêu cụ thể kèm theo đó là các dự án, hoạt động sẽ được triển khai, gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng về tác hại của amiăng và phòng, chống các bệnh liên quan đến amiăng;Rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách hỗ trợ liên quan đến quản lý và dừng sử dụng amiăng nhằm loại trừ các bệnh do amiăng gây ra;Giám sát việc chấm dứt sử dụng amiăng trong cơ sở sản xuất tấm lợp đến năm 2020 và thực thi các quy định về an toàn vệ sinh lao động;Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về amiăng và tăng cường năng lực trong giám sát, phát hiện, chẩn đoán và quản lý bệnh liên quan đến amiăng;Tăng cường nghiên cứu khoa học về mức độ ảnh hưởng lâu dài của amiăng trắng đối với sức khỏe và môi trường; các công nghệ sản xuất vật liệu thay thế phù hợp; công nghệ và quy trình xử lý rác thải có chứa amiăng.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, Dự thảo chưa nêu rõ các chỉ tiêu để đạt được các mục tiêu trên cũng như cơ chế giám sát việc triển khai các hoạt động.Kế hoạch hoạt động nên được thiết kế theo trình tự:Mục tiêu, Chỉ tiêu, Hoạt động, Cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, Cơ chế giám sát, đánh giá.
Các ý kiến cũng cho rằng tên Quyết định phê duyệt và Kế hoạch nên bỏ phần “định hướng đến năm 2030” vì nội dung ít và không được nhắc tới ở phần sau của Kế hoạch. Hơn nữa, định hướng (tầm nhìn) thường dành cho xây dựng chiến lược.
Bên cạnh đó, trong Cơ sở xây dựng kế hoạch, cần cập nhật các tài liệu tham khảo là các bài báo về khoa học mới về các bệnh liên quan đến amiăng, các chương trình quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng của một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ… Việc cập nhật tài liệu về amiăng góp phần làm tăng tính thuyết phục về sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch.
Về các cơ quan, ban, ngành tham gia thực hiện Kế hoạch, nhiều ý kiến cho rằng nên bổ sung Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc miền núi vì đây là những bộ, ngành quản lý hoạt động về nông nghiệp, nông thôn và nông dân (đối tượng sử dụng nhiều tấm lợp có amiăng trắng), cũng như không nên bỏ qua vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vì cần có sự tham gia của các doanh nghiệp trong dừng sử dụng amiăng trắng và phát triển các vật liệu thay thế amiăng trắng, hay vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên vì cần có sự tham gia của các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc tuyên truyền về tác hại của amiăng trắng trong toàn xã hội, giám sát thực hiện Kế hoạch.
Ngoài những góp ý cụ thể cho dự thảo Quyết định phê duyệt và Kế hoạch, GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội KHKT An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam, đã đề xuất một số sản phẩm để Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung như: Lập báo cáo quốc gia về việc loại bỏ các bệnh có liên quan tới amiăng để báo cáo cho Chính phủ và Quốc hội. Đề xuất những cơ chế tài chính để giảm thiểu đến cấm hẳn việc sử dụng amiăng trắng, như thuế nhập khẩu, cấp khoản vay ưu đãi cho việc chuyển đổi sang các công nghệ không sử dụng amiăng, thiết lập các quỹ quốc gia cho việc loại bỏ các căn bệnh có liên quan tới amiăng với việc đóng góp từ các cơ quan có trách nhiệm, Bảo hiểm xã hội và nguồn xã hội hóa. Đề xuất thắt chặt các tiêu chuẩn giới hạn tiếp xúc trong công việc của amiăng trắng, như định lại giới hạn tiếp xúc theo chuẩn đã được đặt ra trong Thông cáo an toàn hóa chất đối với Chrysolite của IPCS (Có thể học tập Mỹ quy định nồng độ bụi amiăng chrysotile là 0,1 sợi/cm3 không khí, Các nước EU là từ 0,15 sợi/cm3 đến 0,5 sợi/cm3; Việt Nam là 0,5 sợi/cm3/h). Xây dựng phòng thí nghiệm chuẩn để xác định dạng khoáng vật học của amiăng và cho đo lường giám sát mật độ của chúng trong không khí, đưa ra các công cụ thực tế để đánh giá và quản lý các nguy cơ tiềm ẩn từ việc tiếp xúc trực tiếp (hiện nay chúng ta có rất ít phòng thí nghiệm có thể xác định được bụi amiăng và độ chính xác của các phòng thí nghiệm này chưa được kiểm định). Lập hoặc giao một cơ quan đầu mối quản lý mọi mặt về sản xuất, sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng.
Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới, trung bình mỗi năm khoảng 60.000 tấn. Có khoảng 6.000 người lao động có tiếp xúc với amiăng.
Amiăng được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực của sản xuất và đời sống nhưng ở Việt Nam có thể chia làm 2 loại: loại thứ nhất là amiăng sợi, được dùng trong sản xuất tấm lợp amiăng-ximăng, má phanh ô tô- xe máy, cách nhiệt vỏ lò nồi hơi, lò nung và đường ống dẫn nhiệt; loại thứ 2 là sản phẩm chứa amiăng chủ yếu nhập từ nước ngoài, bao gồm rất nhiều sản phẩm như: vải amiăng, tấm đệm, gioăng đệm, dây thừng, quần áo chống cháy…Trong đó, amiăng sợi dùng để sản xuất tấm lợp AC chiếm đến 95% lượng amiăng sợi tiêu thụ ở Việt Nam.
Mặc dù các kết quả điều tra về các bệnh liên quan đến amiăng ở Việt Nam chưa đưa ra các con số báo động về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết do amiăng vì nhiều lý do khác nhau nhưng các nghiên cứu của các nước tiên tiến trên thế giới đã chỉ ra tính nguy hiểm của amiăng cũng như tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết ngày càng tăng cao của những người tiếp xúc với amiăng. Do đó, theo các nhà khoa học, chuyên gia, Việt Nam nên cấm và cần có lộ trình cấm sử dụng amiăng trong sản xuất và đời sống nhằm ngăn chặn hiểm hoạ sau này cho con cháu chúng ta.