Cần ngăn chặn triệt để nước thải chảy vào Hồ Tây
Trao đổi với vusta.vn, GS.TSKh.NGND Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, thực tế đã xảy ra tình trạng có những ngày đứng gần mép nước Hồ Tây đã cảm thấy mùi tanh nông vì cá chết do nước hồ bị ô nhiễm. Nhìn trên mặt hồ, dễ thấy đủ loại rác thải, phổ biến nhất là túi ni-lông và vỏ đồ hộp nổi lềnh bềnh trên mặt hồ.
“Nhưng hẳn mọi người sẽ không ngạc nhiên về tình trạng ô nhiễm nước Hồ tây, khi biết rằng trong những năm trước Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, mỗi ngày Hồ Tây phải tiếp nhận khoảng 4.000 m 3 nước thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp của vùng xung quanh Hồ đổ ra. Các khách sạn, nhà hàng ăn uống, các công trình dịch vụ vui chơi đã phát triển và hoạt động rầm rộ ở xung quanh Hồ Tây, đặc biệt là ở khu bờ phía đường Thanh Niên. Tất cả lượng nước thải phát sinh từ các công trình này đều chưa được xử lý và thải trực tiếp xuống hồ. Đó là nguyên nhân cơ bản và chủ yếu gây ra ô nhiễm môi trường nước Hồ Tây”, GS Đăng chia sẻ.
Khi chúng tôi hỏi: “GS có thể cho biết, đã có giải pháp để ngăn chặn việc ô nhiễm nước ở Hồ Tây chưa?”, GS Đăng trả lời: “Năm 2002, khi thực hiện đề tài khoa học độc lập do Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường giao cho về “Đánh giá diễn biến và dự báo môi trường 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường”, có đưa ra một giải pháp xây cống vòng quanh hồ để thu gom và ngăn chặn không cho nước thải chảy vào hồ, đồng thời đưa ra dự báo mức độ ô nhiễm nước Hồ Tây sẽ tiếp tục tăng cho đến khi thực hiện xong giải pháp xây cống vòng quang Hồ và sau khi xây cống ngăn chặn nước thải này, ô nhiễm nước Hồ sẽ suy giảm dần theo phương trình đường công nước mặt tự làm sạch và khoảng 20 năm sau thì chất lượng Hồ Tây sẽ được phục hồi lại như chất lượng nước loại A của các năm 60 của thế kỷ trước”.
Nếu như chúng ta ngăn ngừa được 100% nước thải ô nhiễm thải vào hồ thì chắc chắn là chất lượng nước Hồ Tây ở gần bờ và ở giữa hồ sẽ xấp xỉ nhau và chất lượng nước Hồ Tây sẽ được phục hội với tốc độ nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo GS Đăng, trong khoảng 10-15 năm trở lại đây, Hà Nội đã đầu tư một khoản kinh phí rất lớn để tiến hành xây kè bờ gần hầu hết các sông hồ chính ở nội thành bằng đá hộc dốc thoải 45 0 với mong muốn cải thiện môi trường cho các sông hồ.
Nhưng thực tế thì ngược lại, giải pháp kỹ thuật bờ kè này lại có nhiều tác động tiêu cực đã gây ra nhiều bất lợi đối với môi trường nước mặt Hà Nội, như làm giảm đáng kể thể tích chưa nước mưa của sông, hồ làm giảm khoảng 20-20% tiết diện dòng chảy thoát nước mưa của sông, làm giảm khả năng thẩm thấu nước của sông hồ và diện tích mặt bùn đất đáy sông hồ bị thu hẹp đáng kể, tất cả các hậu quả này sẽ làm cho nạn úng ngập của nội thành Hà Nội càng tăng thêm. Đồng thời còn làm giảm điều kiện môi sinh đối với các loài thủy sinh vật, các loài sinh vật đáy và các loài vi khuẩn có khả năng tiêu hủy các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước so với phương án xây kè bờ theo phương án thẳng đứng, như vậy kè bờ đá thoải 45 0 này sẽ làm cho môi trường nước sông, hồ bị ô nhiễm hơn. Vì vậy, theo tôi Hà Nội dần dần nên dỡ bỏ tất cả các kè bờ bằng đá thoải 45 0 này và thay nó bằng tường chắn thẳng đứng.
Theo GS Đăng, thì Hồ Tây hiện vẫn còn tồn tại nhiều nguồn thải nước ô nhiễm từ các cửa hàng ăn uống, các khách sạn và các công trình dịch vụ nằm ở khu vực sát bờ hồ, o trong khu bán đảo Tây Hồ và ở ngay trên mặt nước hồ, chưa được xử lý triệt để, nên môi trường nước gần bờ Hồ Tây đang bị ô nhiễm nặng, hàm lượng các chất ô nhiễm nước gần bờ gấp khoảng 2 lần so với nước ở giữa hồ.
Như vậy, đối với Hồ Tây cũng như các hồ khác của nội thành Hà Nội cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống cống vòng xung quanh hồ để thu gom và ngăn ngừa 100% nước thải không cho chảy vào hồ thì nước hồ mới nhanh chóng phục hồi thành môi trường trong sạch như những năm 60 của thế kỷ trước.
Hiện ô nhiễm nước Hồ Tây đã làm giảm giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường và ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Hồ Tây. Vì vậy, để Hồ Tây thực sự trở thành Danh thắng Quốc gia thì trước tiên phải xử lý ô nhiễm, phục vụ chất lượng nước hồ trong sạch.