Cần bổ sung, sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004
Theo TS Phương cho biết, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng với 8 chương và 88 điều quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Luật đã bộc lộ một số hạn chế cơ bản, đó là Luật vẫn mang tính chất khung, thiếu cụ thể. Điều này dẫn đến việc phải ban hành khoảng gần 100 văn bản dưới luật để quy định chi tiết, tạo ra một lĩnh vực pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đa tầng, cồng kềnh, có không ít mâu thuẫn và chồng chéo.
Ngoài ra, tính minh bạch, tính khả thi của Luật chưa cao, thể hiện ở việc chưa làm rõ cơ chế thực hiện các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu rừng tự nhiên và cơ chế thực hiện những quyền của chủ rừng.
Tiếp đến là có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, một số luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, đặc biệt có một số điểm chưa phù hợp, thiếu cụ thể khi đối chiếu với một số công ước quốc tế liên quan.
Luật còn chưa tạo được hệ thống quản lý phù hợp và hiệu quả cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong hoạt động bảo vệ rừng.
TS Phương cho biết, để phù hợp với tình hình hiện nay, Luật cần bổ sung sửa đổi như về tên Luật và phạm vi điều chỉnh, cần bổ sung sửa đổi lấy tên là Luật Lâm nghiệp và Luật này sẽ điều chỉnh các hoạt động lâm nghiệp như một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù.
Về kết cấu Luật, cần cấu trúc lại theo các hoạt động chủ yếu trong lâm nghiệp như: quản lý rừng; bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển rừng, sử dụng rừng; đầu tư, tài chính về rừng; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; chế biến, thương mại lâm sản và hợp tác quốc tế; quản lý nhà nước về lâm nghiệp; điều khoản thi hành.
Trong phần nội dung, theo TS Phương cần bổ sung sửa đổi về định nghĩa rừng; phân loại rừng; quy hoạch; giao, cho thuê rừng; bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng.
Về định nghĩa rừng cần chỉnh sửa theo hướng phù hợp với điều kiện Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, đồng thời bổ sung các tiêu chí xác định rừng trồng cho các loại rừng khác nhau.
Về phân loại rừng, nên chia thành hai loại: Rừng sản xuất hay rừng kinh tế, gồm toàn bộ diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ xung yếu và ít xung yếu hiện nay; và rừng bảo vệ, bảo tồn, bao gồm toàn bộ diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ rất xung yếu hiện nay. Việc phân loại này tương đối phù hợp với cách phân loại rừng của quốc tế, tạo thuận lợi cho tổ chức quản lý và tạo điều kiện mở rộng rừng kinh tế. Đặc biệt, cần điều chỉnh phân loại rừng đặc dụng để thống nhất với Luật Đa dạng sinh học và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Về quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, cần bãi bỏ quy định trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của UBND cấp xã để phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về vai trò của cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp trong việc lập, quyết định quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, xác lập các khu rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đồng thời, nhấn mạnh sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và ngành tài nguyên và môi trường trong việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, kiểm kê, thống kê rừng và đất lâm nghiệp.
Về quy định giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, cần thực hiện theo nguyên tắc tiến hành đồng thời tương ứng với việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, thể chế hóa quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng để liên doanh, liên kết trong bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời bổ sung một số quy định như: sự tham gia của cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp khi chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển đổi đất có rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác phải có kế hoạch trồng rừng mới cùng loại với rừng bị chuyển đổi hoặc phải đảm bảo các tiêu chí đối với rừng trồng mới.
Về thống kê, kiểm kê rừng, cần quy định thực hiện kiểm kê rừng 10 năm một lần, đồng thời quy định cơ quan công bố kết quả thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; xem xét lại quy định cấp xã báo cáo theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các chủ rừng thực hiện thống kê, kiểm kê rừng.
Về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, cần quy định trách nhiệm của chủ rừng trong xây dựng và thực hiện phương án, biện pháp bảo vệ hệ sinh thái rừng; phòng, chống chặt phá rừng; phòng, chống săn, bắt, bẫy động vật rừng trái phép; phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng. Thêm vào đó, cần bổ sung quy định bảo tồn đa dạng sinh học ở rừng phòng hộ, các khu rừng có giá trị bảo tồn cao trong các khu rừng sản xuất, xây dựng và bảo tồn các hành lang đa dạng sinh học.
Về phát triển rừng, sử dụng rừng, cần bổ sung một số quy định, như: cơ cấu cây trồng rừng hoặc nguyên tắc chọn loài cây trồng cho phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; phương thức, quy trình kỹ thuật khi tiến hành cải tạo rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, kiểm tra giám sát việc cải tạo rừng. Quy định về chứng chỉ rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên là rừng sản xuất theo phương án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, cần bổ sung quyền và nghĩa vụ của chủ rừng theo hướng minh bạch hóa quyền quản lý, quyền kinh doanh, quyền hưởng lợi và trách nhiệm của chủ rừng; bổ sung nội dung chế biến và thương mại lâm sản theo hướng đưa chế biến và thương mại lâm sản trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành lâm nghiệp; bổ sung quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp từ trung ương đến địa phương theo hướng tập trung về một đầu mối nhưng phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo tồn rừng, phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản; quy định thống nhất hệ thống tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư, tài chính, cần quy định rõ các hạng mục được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư; mức đầu tư trồng rừng được xây dựng theo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật; phân biệt rõ hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích.
Nhà nước cần có chính sách miễn giảm thuế, tiền thuê đất cho người kinh doanh rừng trồng, đặc biệt đối với trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn; sửa đổi chính sách thuế tài nguyên rừng theo hướng nguồn thu từ thuế tài nguyên rừng chủ yếu để bảo vệ, tái tạo lại rừng; bổ sung các quy định về chi trả dịch vụ môi trường rừng như: dịch vụ bảo vệ đất, bảo vệ và duy trì nguồn nước, kinh doanh du lịch sinh thái, hấp thụ và lưu giữ các bon.