Cách mới tạo nhanh virus 'vô hại' để làm văcxin
Thông thường, virus cúm lợi dụng bộ máy phân bào của tế bào chủ để tạo ra các mảnh virus mới. Các nhà sản xuất văcxin lâu nay vẫn theo phương pháp truyền thống là dùng tế bào thận khỉ để nuôi cấy virus ít độc làm nguyên liệu cho sản xuất văcxin, vì tế bào thận khỉ không mang bất kỳ tác nhân truyền nhiễm lạ hoặc nguy cơ gây ung thư nào. Virus "lành" với bộ gien biến đổi sẽ ít độc lực hơn và được "gieo" vào trứng gà để tạo văcxin, giúp hệ miễn dịch của con người dễ dàng nhận dạng virus "hoang" cùng loại. Quá trình tạo virus "lành" này có một số trở ngại, đáng kể là phải cần tới 8 mảnh gien có tên là plasmid để tổng hợp thành virus trong tế bào thận khỉ. Việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.
Trước tình hình trên, hai chuyên gia vi sinh Yoshihiro Kawaoka và Gabriele Neumann có sáng kiến tạo ra một kỹ thuật gọi là "di truyền học nghịch đảo", trong đó chỉ sử dụng 1 plasmid cũng có thể tạo nên virus trong tế bào thận khỉ. "Bằng cách làm giảm số lượng plasmid, chúng ta có thể tăng năng suất văcxin. Việc ứng dụng kỹ thật mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cúm gà hiện nay", Kawaoka cho biết.
Khi một chủng virus cúm gà mới xuất hiện với khả năng lây nhiễm từ người sang người, các nhà sản xuất văcxin sẽ phải điều chỉnh sản phẩm của mình cho phù hợp, bởi mỗi chủng virus cúm có hệ gien khác nhau. Quá trình điều chỉnh này thực sự là một cuộc chiến với thời gian và phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ nhận dạng chủng mới, vô hiệu hóa chúng và nuôi cấy hàng loạt trong phòng thí nghiệm.
Nguồn: vnexpress.net 2/11/2005