Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 22/03/2006 15:08 (GMT+7)

Cách mạng khoa học – công nghệ và nền kinh tế tri thức

Mọi công cụ sản xuất đều có ba bộ phận: động lực, truyền lực và công tác.

- Bộ phận công tác (còn gọi là bộ phận chấp hành hay tác động) trực tiếp tác động lên đối tượng lao động để làm ra sản phẩm.

- Bộ phận truyền lực truyền năng lượng từ nguồn động lực đến bộ phận công tác. Ở công cụ sản xuất thủ công, nguồn động lực là do sức cơ bắp của người lao động, còn bàn tay trực tiếp làm bộ phận công tác chuyển động (thí dụ: cái kim khâu tay). Nếu bộ phận công tác giao cho máy thực hiện - gọi là máy công tác, thì ta có công cụ nửa cơ khí (thí dụ: cái máy khâu đạp chân).

- Khi nguồn động lực cũng do máy cung cấp thì đó là công cụ cơ khí (thí dụ: cái máy khâu chạy bằng điện). Trong công cụ thủ công và cơ khí, việc điều khiển công cụ sản xuất hoạt động đều do bộ óc con người đảm nhận.

Trong bộ "Tư bản", C.Mác đã phân tích rất cụ thể vai trò của từng bộ phận nói trên trong công cụ sản xuất và chứng minh rằng, cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ XVIII đã bắt đầu khi bộ phận công tác, vốn đã bàn tay người thao tác trong công cụ thủ công, giao cho máy thực hiện, nhờ đó mà năng suất lao động tăng vọt, mặc dù nguồn động lực vẫn là sức người (công cụ loại này lần đầu tiên xuất hiện ở máy kéo sợi vào năm 1735). Còn máy hơi nước, tuy được phát minh từ cuối thế kỷ XVII nhưng sau gần một thế kỷ vẫn không dẫn đến cuộc cách mạng nào trong công nghiệp. Tuy vậy, sau khi có máy công tác, máy hơi nước đã phát huy tác dụng rất to lớn, thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp phát triển mạnh mẽ, thông qua việc cung cấp nguồn động lực cho các công xưởng tư bản chủ nghĩa cơ khí hoá. (Vì lý do này, nhiều người đã cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp được bắt đầu là nhờ có máy hơi nước. Điều này không thật chính xác).

Như vậy, đặc trưng cơ bản của nền kinh tế nông nghiệp và nền kinh tế công nghiệp trước công xưởng là công cụ sản xuất thủ công, còn của nền kinh tế công nghiệp công xưởng - sau này nói gọn là kinh tế công nghiệp - là công cụ sản xuất cơ khí hay thường gọi là máy móc.

Từ khi ra đời cho đến khoảng giữa thế kỷ XX, sau gần 200 năm, công cụ cơ khí không ngừng được cải tiến và hoàn thiện, được nâng lên trình độ tự động dựa trên các thành tựu chủ yếu của vật lý học cổ điển. Việc điều khiển nhiều khâu trong công cụ cơ khí đã được tự động hóa ở mức thấp đưa vào những cơ cấu kỹ thuật cơ - điện vĩ mô. Sự tự động hoá này được gọi là tự động hoá cứng vì nó kém tính linh hoạt và khó thực hiện trong toàn bộ một dây chuyền sản xuất. Hơn nữa, khi một dây chuyền đã được thiết kế cho việc sản xuất một loại sản phẩm nào đó, nếu muốn thay đổi kích cỡ, mẫu mã, kiểu dáng ... thì rất khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian. Vì vậy, việc tự động hoá này tuy có đem lại sự tăng năng suất lao động, nhưng chưa đưa đến một cuộc cách mạng trong sản xuất công nghiệp và do đó, nó chỉ được coi là bộ phận phát triển của cơ khí hóa.

Trong những năm 1939-1945, trước nhu cầu cấp bách trên nhiều mặt của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong đó có việc điều khiển từ xa và tự động các đạn pháo cao xạ, các tên lửa..., các nhà khoa học ở cả hai phía đã phải đi sâu khai thác vật lý học hiện đại để đáp ứng nhu cầu đó. Vật lý học hiện đại là ngành khoa học được hình thành trong 30 năm đầu của thế kỷ XX, khi nghiên cứu thế giới vi mô - nguyên tử, đã tạo ra một cuộc cách mạng trong các ngành khoa học tự nhiên, và trong nhiều năm tiếp theo là cuộc cách mạng trong các công nghệ ứng dụng những thành tựu của các khoa học ấy (công nghệ năng lượng hạt nhân, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hoá, công nghệ sinh học...) , đem lại những biến đổi to lớn, sâu sắc trong sản xuất và đời sống con người. Đó là cuộc cách mạng khoa học - công nghệ của thế kỷ XX tạo ra cơ sở vật chất - kỹ thuật của một nền kinh tế phát triển cao hơn hẳn nền kinh tế công nghiệp, được gọi với những tên khác nhau: kinh tế sau công nghiệp, kinh tế số hóa, kinh tế thông tin, kinh tế tri thức. Ở nước ta, tên gọi sau cùng được dùng phổ biến trên các sách báo (trong bài viết này, chúng tôi chưa bình luận về tên gọi đó). Khó có thể kể hết mọi thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhưng thành tựu vừa có tính cơ bản, vừa có tính tổng hợp của nó là máy điều khiển tự động có khả năng làm những công việc trí óc trong chức năng điều khiển của con người.

Các máy điều khiển tự động đã mở ra hai công nghệ mới, có quan hệ mật thiết với nhau, xâm nhập lẫn nhau, ứng dụng rộng rãi không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà hầu hết trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là công nghệ tự động hoá và công nghệ thông tin.

Trong lĩnh vực sản xuất, với các máy điều khiển tự động, người ta có thể thực hiện tự động hoá ở từng máy và cả dây chuyền sản xuất, với tính linh hoạt, độ chính xác và năng suất lao động rất cao, nhờ dựa vào các cơ cấu kỹ thuật điện tử (vi mô). Sự tự động hoá này được gọi là tự động hoá mềm, cho phép tạo ra những dây chuyền, trên đó có thể thay đổi dễ dàng các sản phẩm khi cần, có kích cỡ, mẫu mã, hình dáng... khác nhau. Ngoài ra, còn có các hệ thống chuyên gia - một hình thức đơn giản của trí tuệ nhân tạo - được sử dụng để chẩn đoán nhanh chóng, chuẩn xác và sửa chữa kịp thời các sự cố kỹ thuật phức tạp xuất hiện trong quá trình sản xuất. Nói chung, với máy điều khiển tự động, người ta còn có thể thực hiện tự động hoá đối với rất nhiều công việc khác nhau trong tổ chức và quản lý sản xuất, góp phần làm cho việc tự động hoá sản xuất đem lại một bước nhảy vọt về năng suất lao động. Việc tự động hoá sản xuất phải được thực hiện trên cơ sở của nền kinh tế công nghiệp cơ khí hoá phát triển cao. Nếu công nghệ tự động hoá đem lại năng suất lao động cao trong lĩnh vực sản xuất vật chất, thì công nghệ thông tin, trong đó máy điều khiển tự động quan trọng nhất là máy tính điện tử nối mạng quốc gia và quốc tế, có thể đem lại năng suất và chất lượng lao động cao trong các quá trình sản xuất phi vật chất, nói chung là trong công tác quản lý mọi hoạt động của xã hội; ngoài ra nó còn có tác dụng trong việc nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống. (Cần lưu ý là công nghệ thông tin, thông qua các máy tính điện tử và công nghệ vi xử lý, là một trong những cơ sở để tạo ra các máy công cụ điều khiển số, cao hơn là các hệ thống tự động thiết kế, chế tạo CAD - CAM đã góp phần làm cho công nghệ tự động hoá ngày càng hoàn thiện). Tuy có vai trò cũng rất to lớn, nhưng công nghệ thông tin không đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn như khi thực hiện cơ khí hoá và nhất là tự động hoá mềm nền kinh tế. Chính vì có đặc điểm này, nên công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi ở mọi nền kinh tế nông nghiệp cũng như công nghiệp, chậm phát triển cũng như phát triển; tất nhiên, nền kinh tế càng phát triển, hiệu quả càng cao.
Nguồn: Tạp chí Triết học

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.