Các tổ chức xã hội được tăng cường năng lực về giải pháp tiết kiệm năng lượng
Ngày 30/7/2021, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – Trung tâm GreenID đã tổ chức hội thảo Tổng kết dự án “Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và địa phương về các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo và truyền thông nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh tại Việt Nam”.
Dự án đượ triển khai trong 4 năm, từ năm 2017, với nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại từ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phê duyệt theo Quyết định số 696/QĐ-LHHVN ký ngày 08/9/2017. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, với điểm cầu chính tại VUSTA và nhiều đầu cầu khác nhau tại các tỉnh, các trường học. Hội thảo có sự tham dự của Đại diện Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu độc lập các vấn đề môi trường của Đức và hơn 100 đại biểu đến từ các tổ chức xã hội, các trường học, các địa phương khác nhau. PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA đã phát biểu chào mừng và đồng chủ trì hội thảo tổng kết.
Phó Chủ tịch Phạm Quang Thao phát biểu chào mừng Hội thảo
Với 4 hợp phần, trong đó hợp phần 1 về “Truyền đạt kiến thức về chủ đề năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tới các tổ chức xã hội nghề nghiệp tại Việt Nam”, dự án đã lựa chọn và đào tạo được 07 giảng viên nguồn chuyên sâu từ 05 khóa tập huấn cơ bản cho 200 thành viên về chủ đề năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được tổ chức.
Tai hợp phần 2 với nội dung “Truyền thông về tầm quan trọng của năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan truyền thông”, dự án đã phối hợp với 03 mạng lưới về năng lượng bền vững như Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, Liên minh hành động vì khí hậu Việt Nam và mạng lưới Kết nối cộng đồng Xanh nhằm tiếp tục chia sẻ thông tin qua các kênh mạng xã hội và vận động, thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững ở cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Đối với hợp phần 3 “Thúc đẩy ứng dụng các giải pháp năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong đời sống cho người dân”, dự án đã nỗ lực thúc đẩy và lắp đặt 08 giải pháp xanh cho 10 cộng đồng tại 06 tỉnh thành trải dài trên cả nước như Lào Cai, Hà Nội, Quảng Nam, Dak Lak, Trà Vinh và Cà Mau.
Hợp phần 4 của dự án về “Tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong trường học thông qua việc thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi của học sinh” đã kế thừa mô hình 50/50 của châu Âu để thiết kế mô hình Trường học Công dân Xanh. Chương trình đã thu hút được 14 trường tham gia với 14 câu lạc bộ Sao Xanh được thành lập, 30 giáo viên phụ trách và 520 thành viên đến từ nhiều tỉnh trên cả nước như Lào Cai, Hà Nội, Cà Mau, Quảng Trị.
Các đại biểu tham gia hội thảo trực tuyến tại nhiều đầu cầu khác nhau
Trong thời gian 4 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả rất cụ thể và đáng ghi nhận. Dự án đã đào tạo về phát triển năng lượng bền vững cho 60 tổ chức khoa học, xã hội ở Việt Nam và lựa chọn được 07 Giảng viên nguồn cộng đồng; 10 trường học với 520 học sinh và giáo viên tham gia trực tiếp chương trình Trường học Công dân Xanh; 09 cộng đồng tại 07 tỉnh trên cả nước với khoảng 10.000 người hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp; 08 mô hình năng lượng bền vững được ứng dụng tại các cộng đồng,…góp phần nâng cao nhận thức về năng lượng bền vững và tiếp cận năng lượng cho các cộng đồng nghèo, cộng đồng chưa có điện lưới, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững – không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận để đưa ra những đề xuất cho giai đoạn tiếp theo của dự án, tập trung vào việc triển khai và nhân rộng những giải pháp cụ thể về sử dụng năng lượng tái tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; cũng như các chương trình công dân Xanh nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên tại nhiều trường học và địa phương hơn nữa.
Hội thảo tổng kết dự án cũng trao tặng Thư ghi nhận đối với 6 trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội và Đà Nẵng và 7 giáo viên nguồn, đã có sự tham gia và đóng góp hiệu quả, tích cực cho thành công của dự án.
Các đối tác được trao tặng Thư ghi nhận của Trung tâm GreenID
Tin bài và ảnh: Nguyễn Thị Thanh Huyền