Các nhà vật lý đề xuất sự tồn tại của các vũ trụ song song, thách thức khoa học lượng tử
Các học giả của Đại học Griffith đang thách thức các nền tảng của khoa học lượng tử bằng một lý thuyết hoàn toàn mới dựa trên sự tồn tại của các vũ trụ song song và sự tương tác giữa các vũ trụ này.
Trong một bài báo được công bố trên tạp chí Physical Review X, GS. Howard Wiseman và TS. Michael Hall từ Trung tâm Động lực học quang tử, Đại học Griffith và TS. Dirk-Andre Deckert từ Đại học California, đã đưa hai thế giới song song tương tác với nhau ra khỏi địa hạt của khoa học viễn tưởng và đưa chúng vào địa hạt của khoa học cứng (hard science).
Nhóm nghiên cứu đề xuất rằng các vũ trụ song song thực sự tồn tại và chúng tương tác với nhau. Đó là, thay vì phát triển một cách độc lập, các thế giới lân cận ảnh hưởng lẫn nhau bởi một lực đẩy tinh tế. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng một sự tương tác như vậy có thể giải thích cho tất cả các hiện tượng kỳ lạ về cơ học lượng tử.
Lý thuyết lượng tử là cần thiết để giải thích vũ trụ hoạt động như thế nào ở quy mô hiển vi và được cho là để áp dụng cho tất cả các vấn đề. Nhưng rất khó để hiểu được những hiện tượng kỳ lạ dường như vi phạm các luật nhân quả.
Như nhà vật lý lý thuyết xuất chúng người Mỹ Richard Feynman có lần lưu ý: “Tôi nghĩ tôi có thể chắc chắn nói rằng không ai hiểu được cơ học lượng tử”.
Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận ‘Thế giới đa tương tác’ (Many-Interacting Worlds) được Đại học Griffith phát triển đã đưa đến một cái nhìn mới và táo bạo về lĩnh vực khó hiểu này.
“Ý tưởng về các vũ trụ song song trong cơ học lượng tử đã được đưa ra vào khoảng năm 1957”, GS.Wiseman cho biết. “Trong phương pháp tiếp cận nổi tiếng ‘Diễn giải đa thế giới’ (Many-Worlds Interpretation), mỗi vũ trụ phân nhánh thành một cụm các vũ trụ mới và với mỗi lần như vậy, một phép đo lượng tử được thực hiện. Nhưng các nhà phê bình nghi ngờ về tính xác thực của những vũ trụ khác này, do chúng hoàn toàn không ảnh hưởng đến vũ trụ của chúng ta. Về điểm này, phương pháp tiếp cận ‘Thế giới đa tương tác’ hoàn toàn khác, như hàm ý tên gọi của nó”.
GS. Wiseman và các đồng nghiệp của ông đề xuất rằng:
- Vũ trụ mà chúng ta trải nghiệm chỉ là một trong một số lượng khổng lồ các thế giới. Một số gần như giống hệt vũ trụ của chúng ta trong khi hầu hết các thế giới khác rất khác biệt;
- Tất cả những thế giới này thực sự bình đẳng, tồn tại liên tục qua thời gian và có các tính chất được xác định chính xác;
- Tất cả các hiện tượng lượng tử phát sinh từ lực đẩy vũ trụ giữa các thế giới “gần kề” (nghĩa là tương tự) có xu hướng làm cho chúng khác nhau hơn.
TS. Hall cho biết lý thuyết ‘Thế giới đa tương tác’ thậm chí có thể tạo ra khả năng thử nghiệm phi thường sự tồn tại của thế giới khác.
“Ưu điểm của phương pháp tiếp cận của chúng tôi là nếu chỉ có một thế giới, lý thuyết của chúng tôi hạn chế Lý thuyết Cơ học của Newton, trong khi nếu có một số lượng khổng lồ các thế giới, nó tái lập Thuyết Cơ học lượng tử”, ông nói.
“Ở giữa hai lý thuyết này, nó tiên đoán một cái gì đó mới mẻ mà không phải là lý thuyết của Newton hay thuyết lượng tử. Chúng tôi cũng tin rằng, về phương diện cung cấp một hình ảnh mới mẻ của hiệu ứng lượng tử, nó sẽ hữu ích trong việc lập kế hoạch các thí nghiệm để kiểm tra và khai thác hiện tượng lượng tử”.