Các nhà khoa học Việt Nam đang tiếp cận những nghiên cứu trọng điểm thế giới
- Giáo sư có thể cho biết thực trạng về các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại Pháp?
- Người Việt Nam đang công tác và làm việc tại Pháp có thể chia làm hai thế hệ: những người sang Pháp trước giải phóng (1975) và thế hệ sau đó. Thế hệ thứ nhất hiện nay tuổi vào khoảng 60 hoặc ngoài 60, có nhiều người thành đạt, trở thành giáo sư hay giám đốc nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu khoa học, quốc gia Pháp (CNRS). Ở Việt Nam chắc nhiều người biết tên anh Trần Thanh Vân, một trong những người rất có uy tín trong giới khoa học Pháp. Hiện nay, ở Trường đại học Địa Trung Hải có một hiệu phó là người gốc Việt Nam. Trong thế hệ trẻ sang Pháp sau năm 1975, số lượng người Việt làm khoa học còn ít.
- Qua tiếp xúc, Giáo sư đánh giá như thế nào về tiềm năng của các nhà khoa học trẻ Việt Nam ở trong nước? Họ cần phải làm gì để vươn lên trình độ của thế giới.
- Nếu như xem qua những tạp chí khoa học lớn ở Mỹ hay châu Âu thì có thể nhận thấy số lượng những công trình nghiên cứu ở Việt Nam đang tăng lên rất nhiều. Điều này chứng tỏ các nhà khoa học ở Việt Nam không những có tiềm năng rất lớn mà còn đang ngày càng tiếp cận được những đề tài nghiên cứu trọng điểm, có tính thời sự trên thế giới.
Trong nghiên cứu khoa học, người Việt Nam vừa cần cù vừa sáng tạo. Để nhanh chóng có uy tín hoặc vươn lên trình độ thế giới thì với điều kiện hiện tại ở Việt Nam, các nhà khoa học Việt Nam phải cùng nhau định ra một số ngành, hướng nghiên cứu có tính trọng, điểm, tập trung đầu tư thiết bị cũng như cán bộ nghiên cứu vào những hướng trọng điểm này. Những hướng đó vừa phải có tính chất thúc đẩy, phù hợp với điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam, vừa phải có tính thời sự "tầm cỡ quốc tế".
Xin đưa một thí dụ là nghiên cứu về ống siêu dẫn carbon đang được triển khai ở Viện khoa học vật liệu cũng như Trường đại học Bách khoa. Theo tôi, đây là một hướng nghiên cứu rất phù hợp với tình hình hiện tại ở Việt Nam: vật liệu này có nhiều ứng dụng thực tế như tăng độ bền vật liệu composite, vật liệu polymer, làm màn hình có độ phân giải cao, ứng dụng trong y học... lại là một chủ đề nghiên cứu về khoa học nano, đang là thời sự trên thế giới. Tôi chỉ đưa ra một thí dụ tôi được biết qua một số đồng nghiệp ở Việt Nam. Tôi chắc là còn nhiều đề tài khác, ở những ngành khác như công nghệ sinh học, hóa học...
- Là một người làm công tác khoa học ở xa Tổ quốc, Giáo sư nghĩ như thế nào về vai trò đóng góp của những người Việt Nam ở nước ngoài đối với nền khoa học trong nước?
- Nói đúng ra, sự đóng góp của người Việt ở nước ngoài đối với nền khoa học trong nước còn ít và lẻ tẻ, chỉ dừng lại ở mức tiếp đón và trao đổi một số thực tập sinh, đào tạo một số cán bộ nghiên cứu khoa học. Một số nhà khoa học người Việt có uy tín như Giáo sư Trần Thanh Vân ở Đại học Paris 11 đã cùng với Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu tổ chức một số hội nghị quốc tế ở Việt Nam, tạo điều kiện cho những nhà khoa học trên thế giới hiểu biết về tình hình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và cũng tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam tiếp xúc với nghiên cứu khoa học trên thế giới. Một số nhà khoa học người Việt khác đang tham gia vào dự án xây dựng Trường đại học Pháp ở Việt Nam (tôi cũng tham gia dự án này). Tuy nhiên, những đóng góp đó chưa có tính đồng bộ.
Để cho hiệu quả hơn thì theo tôi, người Việt làm khoa học ở nước ngoài phải tập hợp thành một cộng đồng nhỏ, bao gồm nhiều ngành nghề như khoa học vật liệu, hóa học, sinh học, môi trường, công nghệ... Sau đó tổ chức hội thảo, trao đổi cùng các nhà nghiên cứu ở Việt Nam để định ra một số hướng nghiên cứu trọng điểm mà nền khoa học Việt Nam đang có nhu cầu phát triển, tự xây dựng nên những dự án lớn, có thể xin kinh phí của Cộng đồng châu Âu, của nhà nước Pháp và Việt Nam để thực hiện.
Hội Việt kiều tại Pháp tương đối mạnh nhưng chưa quy tụ đông đảo những người làm công tác khoa học. Theo tôi, đây cũng là điều cần phải cải thiện trong những năm tới.
- Hiện nay, Giáo sư đang có những chương trình cụ thể gì hợp tác với các nhà khoa học trong nước?
- Sự đóng góp của tôi chủ yếu dừng ở mức nhận và tạo điều kiện cho cán bộ trẻ Việt Nam sang Pháp thực tập, hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ. Khi còn ở Trường đại học Paris 11, tôi có cùng một nhà khoa học Pháp làm một dự án hợp tác với Viện khoa học vật liệu và Trường đại học Bách khoa. Với kinh phí nhận từ Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, chúng tôi đã tạo điều kiện cho 5-6 cán bộ Việt Nam sang nghiên cứu tại Viện nghiên cứu điện tử (LEF) thuộc Trường đại học Paris 11. Ngoài ra, tôi cũng đã hướng dẫn hai sinh viên Việt Nam bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Hiện nay, tôi đang tham gia xây dựng dự án hợp tác giữa trường tôi (trường đào tạo kỹ sư ESIL thuộc Trường đại học Địa Trung Hải ở Marseille) với Trường đại học Công nghệ và Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Mục đích là vừa tổ chức những lớp học hoặc bài giảng bằng tiếng Pháp, do Giáo sư Pháp sang Việt Nam giảng dạy, vừa tổ chức để có thể hằng năm đưa một số sinh viên Việt Nam xuất sắc đã học xong 2 năm cơ bản sang Marseille tiếp tục học chuyên ngành (khoa học vật liệu, quản lý kinh tế, tin học, công nghệ sinh học). Nếu dự án thành công, có thể đào tạo được cán bộ trẻ Việt Nam có trình độ cao, tương đương với kỹ sư ở Pháp.
- Theo ý kiến Giáo sư, những người làm công tác quản lý khoa học ở Việt Nam cần làm những gì để khơi dòng chảy đóng góp của các nhà khoa học nước ngoài đối với khoa học Việt Nam?
- Theo tôi được biết, những năm gần đây, mặc dù đất nước còn khó khăn nhưng Chính phủ Việt Nam đã đầu tư và dành ưu tiên rất nhiều cho khoa học. Nếu như các nhà quản lý và khoa học Việt Nam định ra được một hướng đi phù hợp thì sự đầu tư này sẽ có tác dụng như một "điểm bật" để đẩy mạnh nền khoa học Việt Nam.
Tôi xin kể một kinh nghiệm ở Pháp. Những năm 1970-1980, các phòng thí nghiệm cũng như các trường đại học ở Pháp đầu tư rất nhiều vào thiết bị đo đạc, ít quan tâm đầu tư cho nghiên cứu và chế tạo vật liệu. Kết quả là rất nhiều phòng thí nghiệm có thiết bị đo đạc rất hiện đại nhưng không có "mẫu", không có vật liệu hoặc "đối tác" để đo đạc. Như tại các Trường đại học Paris 6 và Paris 7 chẳng hạn, trong thập kỷ 1980 là cái nôi về nghiên cứu vật lý, tập trung nhiều nhà khoa học xuất sắc của Pháp. Nhưng do chỉ đầu tư vào thiết bị đo đạc, trong khi đối tác nghiên cứu lại phụ thuộc vào trung tâm CNET (bưu điện của Pháp) nên khi CNET cải tổ, dừng toàn bộ nghiên cứu về vật liệu thì đã gây ra khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều năm, vì họ không định hướng được là dùng những thiết bị đó để nghiên cứu vật liệu nào...
Để cho chương trình đào tạo ở các trường đại học của Việt Nam đạt được hiệu quả thì học lý thuyết không đủ. Các sinh viên, đặc biệt là ở trình độ học viên cao học, phải được về các cơ sở nghiên cứu, các viện, trường đại học để làm việc, thực tập. Quá trình thực tập này sẽ giúp cho các sinh viên áp dụng kiến thức mình đã được học, phát triển cá tính sáng tạo của mình. Nghiên cứu khoa học sẽ giúp các ngành công nghiệp chuẩn định xem hướng phát triển có thực hiện được không, hiệu quả thế nào, tầm phát triển đài hạn ra sao. Đối với Việt Nam, hiện đại hóa công nghiệp là một hướng đi bắt buộc để trở thành một nước lớn trong khu vực. Nhìn sang các nước láng giềng Đông Nam Á như Thái-lan, Indonesia, không phải trải qua chiến tranh nhưng khoa học cũng như công nghiệp không được chú trọng nên tốc độ phát triển hiện nay cũng như trong tương lai sẽ hạn chế. Trong khi đó thì Hàn Quốc hay vùng lãnh thổ Đài Loan có tốc độ phát triển cao vì được sự hỗ trợ rất mạnh của công nghiệp và nghiên cứu khoa học.
- Xin cảm ơn Giáo sư.
Giáo sư Lê Thành Vinh, sinh năm 1960, nhà khoa học trẻ người Việt nổi bật ở Pháp hiện nay, một trong những người tiên phong ở Pháp về lĩnh vực vật liệu siêu cấu trúc trên silic (silicon). Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, Lê Thành Vinh tốt nghiệp khoa Toán-lý Trường đại học Bách khoa Hà Nội rồi về công tác tại Viện khoa học Việt Nam trong thời gian 5 năm, trước khi sang Pháp bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ tại Trường đại học Marseille. Sau khi kết thúc hai năm nghiên cứu sau tiến sĩ tại trường Pierre và Mari curie, trong một lần gặp gỡ, Giáo sư-viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã khuyên Lê Thành Vinh thi vào làm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Năm 2002, Lê Thành Vinh bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học mà không có thầy hướng dẫn và cũng trong năm này, được Trường đại học Marseille phong hàm Giáo sư. |
Nguồn: Quân đội nhân dân