Các nhà khoa học Cần Thơ tham gia xoá đói, giảm nghèo cho nông dân Hậu Giang
Qua điều tra 651 hộ ở ba ấp, diện tích đất nông nghiệp là 738,7 ha, tiềm lực nông hộ còn lớn (bình quân trên 1 ha/nông hộ). Người dân ở đây có truyền thống cách mạng, cần cù lao động và ý chí tự lực, tự cường cao nhưng nghèo là vì chưa biết khai thác đất và mặt nước (khoảng 500 ha mặt nước ở xã chưa được khai thác).
Dự án được chính quyền địa phương thống nhất, lập ban chỉ đạo cùng với cán bộ khoa học thực hiện. Do nông dân thiếu vốn đầu tư làm mô hình nên cán bộ tham gia dự án đã trực tiếp làm việc với ngân hàng, được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chi nhánh huyện) cho vay theo dự án xây dựng mô hình có khả thi. Khi dự án phát triển, có thêm Ngân hàng Chính sách tham gia cho vay phát triển mô hình rộng ra trong xã.
Dự án đã chọn 4 hộ làm mô hình rồi tập huấn cho các hộ này kỹ thuật làm chuồng trại, nuôi heo, nuôi cá sặc rằn đẻ nhân tạo, làm túi ủ biogas, trồng cây ăn trái ... Kết quả đến ngày 28/5/2003, với 6 kg cá sặc rằn bố mẹ ban đầu (30 cá đực, 30 cá cái) đã sinh sản khoảng 200.000 cá con. Như vậy, sau 12 tháng nuôi, 4 hộ này đã bán được 200kg cá giống, 50kg cá thịt và 150kg cá bố mẹ cho dân trong xã và các xã lân cận.
Thành công của dự án là đã đưa vào sử dụng có hiệu quả 500m2 (0,5ha) mặt nước trước đó bỏ không, mang lại thu nhập khoảng 48 triệu đồng cho nông dân trong 18 tháng. Mô hình đã nhân ra 164 hộ, trong đó có 94 hộ tự cho cá đẻ nhân tạo, tạo nguồn giống tự túc nuôi trong mương vườn líp mía. Năm 2005, có khả năng nông dân sẽ tạo ra 5 triệu con cá giống cho phong trào nuôi cá sặc rằn của toàn xã.
Túi ủ biogas tạo nguồn khí đốt cho sinh hoạt, tiết kiệm củi và công lao động, tạo thức ăn cho cá và phân tưới cây, làm sạch môi trường.
Theo bà con ở đây, cá sặc rằn là con cá nuôi của người nghèo, đầu tư ít, nhưng giá trị khá cao. Nếu kết hợp tốt, mô hình VACB có khả năng cho thu nhập phổ biến trên 50 triệu/ha/năm.
Làm ăn có hiệu quả, có lối ra cho sản xuất và đời sống, dân mừng, đồng thuận xã hội phát triển, dân và chính quyền địa phương gắn bó (trên 200 người nộp và thiêu hủy trên 200 dụng cụ xung điện bắt cá). Trình độ cán bộ xã, ấp, hợp tác xã có bước trưởng thành về quan điểm chăm lo sản xuất và đời sống nhân dân, uy tín được nâng lên. Với những kết quả đáng khích lệ đó, đây là mô hình xóa đói, giảm nghèo bền vững ở nông thôn Hậu Giang khi nó không chỉ đem lại thu nhập kinh tế mà còn góp phần nâng được đời sống văn hóa cho nông thôn.
Trần Văn Tư *
-----Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT TP.Cần Thơ
Đánh bắt cá sặc rằn |