Cá bay - Phi cơ bằng... pin
Năm nay kỹ sư chế tạo máy Koni Schafroth mới 41 tuổi, nhưng không VĐV thể thao mạo hiểm nào trên thế giới không biết tên anh. Các phát minh của anh chủ yếu để chinh phục không trung, nhưng với các kỹ thuật mà người thường chắc không nghĩ ra.
Và những "trò chơi" do anh sáng tạo ra cũng rất kén người sử dụng. Felix Baumgartner là một thí dụ, VĐV người Áo này đã dùng dù của Schafroth để nhảy từ tay phải bức tượng Jesus khổng lồ ở Rio de Janeiro xuống đất một cách an toàn, hay thậm chí từ tháp đôi Petronas ở Malaysia. Năm 2003 anh còn dùng một máy lượn bay qua eo biển Manche giữa Pháp và Anh.
Ý tưởng mới nhất của Schafroth là một chiếc phi cơ mini chạy bằng pin, song nhờ cấu hình khí động học và vật liệu siêu nhẹ mà bay không kém bất cứ một chiếc máy bay phản lực nào của quân đội. Schafroth đi gõ cửa khắp nơi để kiếm đối tác và nhà tài trợ cho dự án này, song thoạt tiên bên công nghiệp không tỏ ra tin tưởng.
Đầu năm nay, sau khi nhóm Schafroth cho trình làng con "cá thông minh", (smart fish) - một mô hình chạy pin có thể bay nhanh 200 km/h - thì số phận đã chịu khó mỉm cười với anh. Trung tâm hàng không và vũ trụ Đức DLR ở Stuttgart tuần vừa qua gợi ý sẽ trang bị con "cá thông minh" nọ với động cơ chạy bằng năng lượng xanh, một sản phẩm riêng của DLR. Viện cơ học nhiệt thuộc DLR sẽ cộng tác với công ty SmartFish để đến giữa năm 2006 cho ra đời sản phẩm "HyFish".
Người Đức vốn sính chơi chữ, "Hy" gợi nhớ tới chữ cá mập vì quả thật chiếc phi cơ có dáng thuôn thuôn như cá, song kỳ thực là chữ tắt của nguyên tố hydro, nếu kết hợp với oxy nguyên chất sẽ cho ra một nguồn năng lượng chừng 1 kW, đủ để con cá mập nọ (sải cánh 1,5 m, trọng lượng 5 kg) đạt vận tốc 300 km/h ở độ cao 7 cây số.
Điều đặc biệt là loại pin này chạy lâu hơn tất cả các accu thông dụng trên thị trường, đã thế lại không sinh ra khí thải: sản phẩm đầu ra của phản ứng xảy ra trong luồng điện tử để tạo ra điện và nhiệt chỉ là nước!
Pin "nước" từ lâu đã hình thành trong phòng thí nghiệm, nhưng vẫn chịu số phận hẩm hiu trong ngăn kéo chứa những phát minh đi quá sớm trước thời đại. DLR hy vọng sẽ qua HyFish chứng minh được tính ưu việt thân thiện môi trường của pin hydro, nhưng các nhà khoa học ở đây còn nhắm đến đích xa hơn: máy bay mini không người lái một ngày nào đó sẽ đảm đương một số trọng trách mà hôm nay vẫn phải nhờ đến các vệ tinh nhân tạo rất tốn kém, thí dụ như vệ tinh trắc đạc và nghiên cứu khí quyển tầng cao.
Các máy bay hiện tại không thể dùng để lấy mẫu không khí một cách trung thực, vì bản thân chúng tạo ra khí thải.
Thí nghiệm đầu tiên thành công tốt dẹp. Trong máy bay thử nghiệm chứa hai bình khí hydro và oxy nén, đủ để bay 1 tiếng trên không. Chớ quên rằng Schafroth khi nghĩ ra phi cơ mini này, trước tiên là định chế tạo một kiểu máy bay nhỏ cho 2-20 hành khách, đạt vận tốc trung bình 900 km/h mà tiêu thụ năng lượng không hơn một chiếc ô-tô dưới đất.
Dạng khí động học lý tưởng được học mót từ những con cá, thêm vào đó Schafroth định loại trừ ma sát tối đa nhờ bỏ các chi tiết trên thân máy bay có thể gây ra sức cản hoặc gió xoáy, nhờ đó cũng ít gây tiếng ồn khi bay.
Nguồn: nhandan.com.vn 12/11/2005