Bức xúc dự thảo Luật về hội
Luật về hội là một bản quy định mang tính pháp lý về quyền tự dolập hội, được xác định trong Hiến pháp nước ta (Điều 69). Giải quyết vấn đề này có nghĩa giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và hội. Nếu nội dung quản lý càng ít thì tính tự do càng cao. Luật phải giải quyết vấn đề này sao cho bảo đảm sự hài hoà giữa quản lý và tự do hoạt động của hội. Đó là nội dung cơ bản của Luật. Theo tôi, quan điểm xây dựng Luật về hội cần bảo đảm các vấn đề sau:
1. Bảo đảm tính bình đẳng giữa các hội cùng có chung tính chất.
- Liên hiệp các hội KH & KT (Liên hiệp hội) là tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Liên đoàn lao động …. nên các tổ chức này cần được đối xử bình đẳng như nhau. Hơn nữa, Đảng ta đã xác định liên minh công - nông - trí là nền tảng của cách mạng nước ta, nên Luật về hội không thể đối xử thiếu công bằng đối với tổ chức đại diện cho trí thức.
- Do còn có những vướng mắc, tôi đề nghị Luật này chưa nên chi phối các tổ chức hội có tính chất chính trị - xã hội.
2. Nhà nước cần bảo đảm quyền tự do cao (hay cao nhất) cho lập hội và giải thể hội của công dân
- Thủ tục lập hội, giải thể hội cần đơn giản tới mức tối đa. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần biết ban đầu các nội dung: Ban vận động thành lập hội (tối thiểu 3 người) đủ năng lực hành vi dân sự, lĩnh vực hội hoạt động không trùng hoàn toàn với hội đã có, là cho phép tổ chức Đại hội thành lập hội (điều này chỉ cần trong 10 ngày). Cơ quan quản lý Nhà nước cần yêu cầu hội báo cáo sau Đại hội: Điều lệ hội, Ban lãnh đạo, trụ sở chính, đăng ký tài sản và tài chính. Sau khi kiểm tra, không có gì vi phạm pháp luật (trong vòng 45 ngày), cơ quan quản lý Nhà nước cấp giấy đăng ký hội hoạt động.
Đối với việc giải thể hội, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần quan tâm tới hai việc: vi phạm pháp luật tới mức buộc phải giải thể và việc phân chia tài sản. Việc phân chia tài sản giao cho toà án hành chính. Nếu theo Điều lệ hội mà không thể chia tài sản được thì khi giải thể hội, tài sản đó được sung vào công quỹ.
Luật không nên can thiệp quá sâu vào tổ chức nội bộ hội (đại hội nhiệm kỳ, nội dung của đại hội, nguyên tắc biểu quyết, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban lãnh đạo….) làm mất tính tự chủ, tự quản, năng động trong hoạt động hội.
Những điều đó dành cho cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho hội trong việc xây dựng Điều lệ, điều hành khi hoạt động mà không nên đưa vào Luật. Với cách suy nghĩ vậy thì chúng ta có thể bỏ hàng chục Điều quy định trong Dự thảo thứ 8 Luật về hội.
3. Hội là một tổ chức cần được bình đẳng như mọi tổ chức khác của xã hội trong cùng lĩnh vực hoạt động, do đó cần có chương riêng về quyền và nghĩa vụ của hội trong xã hội.
Theo tôi, hội cần có các quyền cơ bản sau (không thể chỉ có một số quyền có tính chất nội bộ như trong Điều 38 của Dự thảo lần 8):
- Quyền tham gia hoạch định chính sách, pháp luật trong lĩnh vực hoạt động có liên quan vì hội là 1 tổ chức nhân dân, mà chính quyền là của dân.
- Quyền bình đẳng tham gia các lĩnh vực hoạt động đã đăng ký như các tổ chức khác (kể cả tổ chức của Nhà nước) như: nghiên cứu, dịch vụ khoa học và kỹ thuật, các chương trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…..
- Quyền giám sát (như một tổ chức của dân) các hoạt động của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực đăng ký.
- Quyền hoạt động kinh doanh theo đúng pháp luật để tạo nguồn thu cho hội; quyền nhận tài trợ từ trong nước và nước ngoài và quyền tài trợ cho các tổ chức khác vì mục đích từ thiện, nhân đạo và hỗ trợ trong cùng lĩnh vực hoạt động.
- Quyền quan hệ quốc tế theo đúng pháp luật.
- Quyền thực hiện các nhiệm vụ do Điều lệ hội quy định.
Hội thực hiện các nghĩa vụ cơ bản sau:
- Thực hiện đúng pháp luật và các quy định của Nhà nước
- Không vi phạm lợi ích dân tộc và an ninh quốc gia.
- Không vi phạm lợi ích của các tổ chức xã hội khác.
4. Quản lý Nhà nước đối với hội là nhằm mục đích tạo điều kiện cho hội hoạt động theo đúng hành lang pháp luật trên phương châm minh bạch và thuận tiện.
- Nhà nước quản lý hội chỉ theo 1 cửa. Chính phủ không có điều kiện thì chỉ giao cho 1 Bộ hoặc UBND. Nội dung quản lý chỉ trong phạm vi cần thiết đối với 1 tổ chức đăng ký hoạt động (báo cáo hàng năm để biết họ hoạt động ra sao, sự biến động về nhân sự, tài sản, tài chính cần đăng ký lại; xem xét họ có vi phạm pháp luật không). Nhà nước không can thiệp vào nội bộ hội. Hội tự nguyện nhận sự lãnh đạo của tổ chức nào là quyền của họ.
- Nhà nước tháo gỡ những cơ chế để tạo điều kiện cho hội hoạt động. Nhà nước có quyền hỗ trợ các mặt cho một hội nào đó nếu hoạt động của hội đó có lợi ích nhiều cho xã hội. Nhà nước có thể tặng thưởng vật chất cho một hội vì một hoạt động nào đó có hiệu quả lớn.
- Nhà nước nên sớm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của hội hơn là để hội vi phạm rồi xử lý. Điều đó thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước vì dân.
Với những quan điểm như vậy, tôi tin rằng luật về hội sẽ thông thoáng, bảo đảm quyền tự do lập hội (mà là một điều không thể thiếu được trong xã hội hiện đại), góp phần tiến tới một xã hội văn minh, hội nhập quốc tế.
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng*
-----
* Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp hội