Bọ xít đen hại lúa
Hình dạng và triệu chứng phá hại
Bọ xít đen có tên khoa học Scotinophora lurida, họ Bọ xít, bộ Cánh nửa cứng, phân bố rộng rãi ở nước ta, có những năm đã phát sinh thành dịch và phá hại nặng ở nhiều nơi. Đặc biệt những năm gần đây nó hây gại nặng ở nhiều nơi trong vùng Đồng Tháp Mười (Thạnh Hoá, Mộc Hoá, Vĩnh Hưng, Tháp Mười, Tam Nông…) nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (Vĩnh Long, Cần Thơ…) nói chung làm ảnh hưởng đáng kể tới năng suất và phẩm chất lúa trong khu vực.
Bọ xít trưởng thành và bọ xít non chích hút nhựa lá, thân, đòng cây lúa để lại điểm đốm màu vàng sau đó thâm đen cây lúa. Bị bọ xít hại nhẹ, cây sinh trưởng phát triển kém, nếu bị nặng toàn cây khô héo và chết. Nếu bị nặng ở thời kỳ làm đòng, lúa không trổ được, ở thời kỳ trổ bông lúa bị lép hay bạc trắng ảnh hưởng lớn đến năng suất, phẩm chất lúa.
Thành trùng có hình bầu dục dài 0,8 – 1cm màu đen có phiến mai cứng dài tới cuối bụng, chân và râu có màu nâu, nửa cánh phía trong thân cứng, còn nửa cánh phía ngoài là màng mỏng mềm. Thành trùng đẻ trứng thành hàng trên bẹ (cách mặt đất khoảng 10cm) và trên phiến lá, ổ trứng có hình dạng giống như cái ly (nếu bị ngâm nước trên 1 ngày sẽ không nở) lúc sắp nở có màu nâu xám hoặc nâu đỏ, khi lớn có màu xám nâu. Cả bọ xít non và thành trùng đều có mùi hôi đặc biệt và sợ ánh nắng, nhưng lại thích ánh sáng đèn (hay vào đèn ban đêm).
Vòng đời của bọ xít đen rất dài ( từ 50-55 ngày) nên ruộng nào bị bọ xít mà phát hiện không kịp sẽ bị hại rất nặng (do bị chích hút quá nhiều và quá lâu): Trứng 3 – 8 ngày, bọ xít non 35 – 50 ngày, bọ xít trưởng thành từ 1 tháng – 10 tháng (sau 8 – 10 ngày thì đẻ trứng khoảng 200 trứng/con).
Phòng trị
Yêu cầu sạ thưa (90 – 100kg/ha: nên gieo sạ bằng máy sạ hàng là tốt nhất) là biện pháp hữu hiệu, rẻ tiền, dễ làm, không ô nhiễm môi trường để loại trừ bọ xít vì tập quán của bọ xít đen là rất sợ ánh sáng.
Bón phân đợt 1 đúng quy định (7–12 ngày sau sạ) và bón phân đợt 2 thật sớm (18-20 ngày sau sạ), không chờ cấy dặm xong mới bón (chỗ nào cấy dặm, chừa phân bón sau) với mục đích đến ngày 30 sau sạ, lúa hết phân, hạn chế đẻ nhánh vô hiệu (lá ủ, lá chân quá nhiều, rậm rạp là nơi trú ẩn của bọ xít ). Nếu không có lá ủ, dưới gốc lúa thông thoáng cũng góp phần hạn chế sự phát triển của bọ xít rất đáng kể.
Sau khi thu hoạch, dọn sạch bờ cỏ hay đắp đất bờ. Gieo trồng đúng thời vụ (không quá lệch so với đại trà).
Khi bọ xít nhiều có thể dùng dầu phủ xuống nước dùng cây gạt bọ xít rơi xuống (cũng như đối với trừ rầy nâu). Vì bọ xít lặn rất giỏi, nếu có lớp dầu thì sẽ diệt bọ xít rất hữu hiệu.
Thời gian bọ xít đẻ trứng có thể hạ mực nước ruộng cho bọ xít đẻ trứng dưới thấp sau đó lấy nước vào làm cho trứng bị ngập thối.
Dùng thuốc:Fenbis 25EC, Bi58 (Dimenate) 40EC, Netoxim 90WP, Saliphos 35EC, Bassa (bascide) 50EC, Mipcin (Mipcide) 20EC…và một số thuốc trừ bọ rầy khác liều lượng như trên nhãn thuốc. Lưu ý nhớ vẹt lúa và đưa vòi phun sát dưới gốc lúa. Nên xịt thuốc vào giai đoạn bọ xít non, xịt buổi chiều mát (từ 3 giờ chiều). Đừng quên lượng nước dùng để pha thuốc tối thiểu 320 lít/ha tức cần xịt ít nhất 20 bình gạt cho 1 ha (xịt 2 bình/công) mới đảm bảo hiệu lực của thuốc.
Nguồn: Khoa học phổ thông, số 40(1163)