Bình Thuận: Sử dụng thuốc BVTV theo hướng bền vững cho thanh long
Sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững trong bối cảnh hiện nay đang là một trong những tiêu chí quan trọng đảm bảo cho sự phát triển. Nhiều loại cây nông nghiệp trong đó có cây thanh long đã và đang áp dụng các tiêu chuẩn như VietGap, GlobalGap kết hợp với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định và sản xuất cho chất lượng cao.
(PGS.TS Mai Thành Phụng trình bày tham luận)
Tại Bình Thuận, theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có diện tích trồng thanh long là 29.271,9 ha với sản lượng đạt trên 590.000 tấn. Việc áp dụng kỹ thuật như: sử dụng đèn Led thay cho đèn sợi đốt, chăm sóc thanh long trước trong và sau vụ điện, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, trồng trọt đã giúp tiết kiệm điện năng, làm giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị dinh dưỡng, có giá trị cao… góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống người nông dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì cây thanh long của tỉnh cũng đối diện với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất thanh long - là một tiêu chí quan trọng nhất để khẳng định thương hiệu và giá trị sản phẩm. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận hiện nay nhiều bà con nông dân trồng thanh long sử dụng phân bón, thuốc BVTV quá nhiều, quá mức cần thiết như phun phân bón lá, chất kích thích tăng trưởng và thuốc từ 4 – 8 lần/lứa trái; Một số trường hợp sử dụng chưa hiểu biết sâu về kỹ thuật, tùy tiện hỗn hợp sử dụng, pha phân bón lá hoặc thuốc BVTV để phun tăng liều lượng gấp 2 – 3 lần, cá biệt có trường hợp cố tình sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép…dẫn đến dư lượng thuốc BVTV trong trái thanh long làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và tiêu thụ trên thị trường.
Tại hội thảo “Sản xuất thanh long theo hướng an toàn với những quy định mới về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật” được Liên hiệp Hội Bình Thuận tổ chức, PGS.TS Mai Thành Phụng đã nêu lên tồn tại của lối canh tác cây trồng lạm dụng nông dược hóa học, như: sử dụng phân bón thường không cân đối: bón quá nhiều phân vô cơ, rất ít bón phân hữu cơ, sử dụng không đúng và tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Cùng với sự giảm sút hoặc mất hẳn hiệu lực phòng trừ của thuốc BVTV do dùng không đúng cách, thiếu kiểm soát, dùng sai và lạm dụng quá mức,… là nguyên nhân chính gây suy thoái sức khỏe đất và cây trồng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng, môi trường nông thôn và uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam. Vì thế, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sẽ khó mà tồn tại ổn định và bền vững.
Để sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất thanh long theo hướng an toàn thực phẩm và phát triển một cách bền vững, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về sử dụng một cách khoa học phân bón và thuốc BVTV, một số giải pháp có thể áp dụng: tăng tỷ lệ và liều lượng sử dụng các loại phân bón hữu cơ (phân chuồng, các loại phân hữu cơ chế biến, hữu cơ sinh học,…) kết hợp sử dụng các loại phân bón lá và chế phẩm sinh học; Đẩy mạnh việc sử dụng các loại thuốc trừ cỏ và thuốc BVTV có nguồn gốc thảo mộc và sinh học để thay thế dần và tiến tới thay thế 100%; Áp dụng phương pháp BVTV theo hướng “Đa dạng sinh học” và “Cân bằng sinh học” (tăng thành phần và số lượng các loại thiên địch để diệt trừ côn trùng gây hại cho cây trồng); Tổ chức liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Với những giải pháp trên, hi vọng trong thời gian đến sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước phát triển bền vững, chất lượng sản phẩm được nâng lên qua đó góp phần khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong vào ngoài nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.