Bình Thuận: Phản biện xã hội đề án “Quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”
Đây là Đề án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện. Để thực hiện công tác phản biện xã hội đề án này, Liên hiệp hội Bình Thuận đã thành lập Hội đồng phản biện gồm 16 chuyên gia thuộc các lĩnh vực có liên quan tham gia thực hiện. Ông Lê Văn Tuấn Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh làm Chủ tịch hội đồng phản biện đề án.
Theo đánh giá chung của Hội đồng phản biện xã hội, các nội dung của đề án đã bám sát theo nội dung đề cương được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nêu lên được điều kiện khí hậu, đất đai cho việc phát triển cây thanh long, khái quát và đánh giá về thực trạng phát triển thanh long tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn vừa qua. Đề án cũng đã dự báo các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất thanh long trong thời gian tới của tỉnh; đề ra quan điểm, mục tiêu, phương án và lựa chọn phương án phát triển thanh long, các dự án ưu tiên, giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, đề án chưa đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tình hình phát triển và thực hiện quy hoạch phát triển thanh long của tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua, nhằm làm cơ sở cho định hướng quy hoạch trong thời kỳ tới; chưa nêu được nguyên nhân (chủ quan, khách quan), đánh giá những tồn tại bất cập trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành các cấp, cơ chế xử lý, chế tài; kết quả phân hạng đất thích nghi cho phát triển cây thanh long chưa thật thuyết phục..;
Đại diện đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã tiếp thu các ý kiến phản biện xã của Liên hiệp hội tỉnh và sớm chỉnh sửa, hoàn chỉnh trước khi trìnhh các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đề án Quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được các cấp, các ngành rất quan tâm. Hiện nay, giá thanh long không ổn định, diện tích tăng nhanh, đầu tư các cơ sở hạ tầng để phục vụ như hệ thống điện, thủy lợi, nước tưới, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn. Theo báo cáo quy hoạch, hiện nay, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 26.106 ha. Quy hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm phát triển ngành hàng thanh long theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về chất lượng hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ trồng thanh long; tăng giá trị xuất khẩu và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Thuận.