Bình Thuận: Kết nối tiêu thụ sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Sáng ngày 15/7/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Trường Đại học Phan Thiết tổ chức hội thảo “Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bình Thuận”.
(Chủ trì hội thảo)
Đồng chủ trì hội thảo có TS. Lương Thanh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, PGS. TS Đinh Phi Hổ - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết; đại diện lãnh đạo Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các báo cáo tham luận tại hội thảo phân tích làm rõ tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh; kết quả công tác xúc tiến, giới thiệu, quãng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh; công tác hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm OCOP của tỉnh; công tác tuyên truyền triển khai cho các đơn vị, tổ chức tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh; các giải pháp phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới. Ngoài các báo cáo tham luận được trình bày, hội thảo trao đổi làm rõ thêm những tồn tại khó khăn trong việc triển khai thực hiện OCOP đồng thời đề xuất các giải pháp tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh trong giai đoạn tới.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Trong đó trọng tâm của chương trình là phát triển lợi thế của các địa phương theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị trong các sản phẩm, khả năng cạnh tranh, từ đó làm tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đây là chương trình quan trọng nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Đối với tỉnh Bình Thuận mặc dù, triển khai muộn hơn so với các địa phương khác trong cả nước, song sau 2 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực; trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay tỉnh có 70 sản phẩm OCOP, trong đó có 02 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao, 08 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 14 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên./.