Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 24/11/2023 17:16 (GMT+7)

Bình Định: Nâng cao năng lực xây dựng các dự án bảo tồn

Từ 19-21/11, tại tỉnh Đồng Tháp, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam của Quỹ Môi trường toàn cầu (thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc – viết tắt: UNDP-GEF/SGP) phối hợp với Liên hiệp Hội Bình Định tổ chức “Hội thảo Nâng cao năng lực xây dựng các dự án bảo tồn – phát triển”.

Tham dự chương trình gồm có: Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia GEF/SGP và hơn 60 đại biểu là các chuyên gia, đại diện các cơ quan, đơn vị, ban điều hành các dự án thuộc 13 tỉnh/thành trong cả nước: Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau.

tm-img-alt

Quang cảnhhội thảo

Đây là hội thảo trong khuôn khổ dự án "Nâng cao năng lực xây dựng, tổ chức, quản lý, điều hành dự án cho các tổ chức NGOs và đối tác địa phương để phát triển, nhân rộng hiệu quả các dự án GEF” (VNM/SGP/OP7/Y2/CORE/2022/08) do GEF/SGP tài trợ hơn 1 tỉ đồng, Liên hiệp các Hội KH&KT Bình Định chủ trì thực hiện trong thời gian 24 tháng (kể từ tháng 6/2022). Trước đó, GEF/SGP và Liên hiệp Hội Bình Định cũng đã tổ chức 2 Hội thảo tương tự tại TP. Hà Giang (12/2022) và TP. Quy Nhơn (7/2023).

tm-img-alt

Thảo luận theo nhóm

Chương trình lần này diễn ra sôi nổi, tích cực thông qua Hội thảo tại hội trường và hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm tại Vườn hoa Sa Đéc (Tp. Sa Đéc) và Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông).

Các đại biểu chia làm 3 nhóm: Nông nghiệp, Thủy sản, Du lịch cộng đồng và môi trường với nhịp độ làm việc nghiêm túc, khẩn trương, quy định thời gian hoàn thành, phân công cụ thể từng thành viên đảm nhiệm các công việc như tiếp cận người dân, đặt câu hỏi, lắng nghe, quan sát, ghi chép, ghi hình… Mỗi thành viên phải tìm kiếm và nói chuyện được với ít nhất 3 người dân địa phương hoặc du khách tại các điểm tham quan.

Sau buổi tham vấn, các nhóm tập trung thảo luận những thông tin đã thu thập; cùng phân tích các yếu tố phát triển cộng đồng dựa vào nguồn lực địa phương, các vấn đề tồn tại, lợi thế và những rủi ro gặp phải khi xây dựng các ý tưởng dự án phát triển cộng đồng. Tiếp đến, các nhóm trình bày kết quả khai thác được từ cộng đồng dưới sự hướng dẫn, gợi mở của các chuyên gia; được các chuyên gia và Điều phối viên GEF/SGP góp ý, bổ sung, định hướng…

 “Phương pháp vừa đi thực địa vừa làm việc nhóm và báo cáo kết quả dựa trên tinh thần tập thể sẽ giúp các thành viên có sự gắn kết, có dịp trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên, lắng nghe tiếng nói người dân, có sự tương tác với cộng đồng. Điều đó tập huấn cho các thành viên kỹ năng nghiên cứu, phát hiện và hình thành ý tưởng xây dựng các dự án phát triển cộng đồng một cách hiệu quả” – TS. Chu Mạnh Trinh, Chuyên gia về bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết.

Bên cạnh đó, đại biểu các tỉnh cũng mang đến hội thảo những câu chuyện về các dự án đã, đang thực hiện trên quê hương mình: Bảo vệ hệ sinh thái san hô Hòn Yến (Phú Yên); bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận); mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng)…

Đặc biệt, còn có những ý tưởng xây dựng dự án hướng đến cộng đồng cũng được các đại biểu chia sẻ để cùng nhau trao đổi, tìm kiếm phương thức phù hợp nhất đối với mỗi địa phương. Đại biểu các tỉnh cũng đã có những chia sẻ sau khi tham gia Hội thảo lần này, họ có cơ hội rèn luyện kĩ năng làm việc tập thể; học hỏi được cách thức tiếp cận cộng đồng, các phương pháp trình bày đề xuất ý tưởng dự án phù hợp với yêu cầu của GEF/SGP.

tm-img-alt

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia GEF/SGP góp ý trình bày của các nhóm

“Chúng tôi rất chú trọng đến những dự án bắt nguồn từ thực tế đời sống mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, những đối tượng yếu thế trong xã hội. Cá nhân, tổ chức đề xuất dự án phải thật sự tâm huyết cho vấn đề đó. Mong rằng sau hội thảo này, mỗi thành viên rút ra những bài học về công tác bảo tồn tài nguyên, phát triển cộng đồng, giữ kết nối với nhau để tiếp tục giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong thời gian tới. GEF/SGP kỳ vọng sẽ tiếp nhận nhiều đề xuất ý tưởng dự án hơn nữa để đồng hành cùng các địa phương trong hành trình vì sự phát triển bền vững của cộng đồng ” – Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên quốc gia GEF/SGP chia sẻ.

Xem Thêm

Tin mới

Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Trong hai ngày 7-8/5, TSKH Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận (đơn vị bầu cử số 2) đã có buổi tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Công đoàn VUSTA hướng về Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “Dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Mảnh đất cuối trời Tây Bắc – nơi ghi dấu ấn của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là nơi là người dân cả nước những ngày này luôn hướng về với niềm tự hào và tri ân sâu sắc.
Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).