Biên tập viên làm gì để phát triển ý tưởng
Phóng viên, nhất là những cây viết trẻ, không được cứu giúp lúc nan nguy thường quay sang chỉ trích các biên tập viên. "Đồ ích kỷ!" có thể có người đã nói vậy. Đúng là có những người ích kỷ, chẳng thích giúp ai bao giờ, nhưng biết đâu các biên tập viên này cũng đang cắn bút.
Cần phải coi phóng viên và biên tập viên là những đối tác trong việc phát triển ý tưởng cho các bài viết. Phóng viên nên trình bày với biên tập viên những đề xuất chi tiết nhưng đừng hy vọng các biên tập viên sẽ hỉ hả chộp lấy miếng bánh nướng dở của mình. Trong khi đó, biên tập viên cần giúp đỡ phóng viên phát triển, giúp họ đi vào trọng tâm phù hợp và có được bài viết tốt. Có những bài viết kinh tế, đặc biệt là về những dự án dài hạn, đòi hỏi phải tìm hiểu thông tin và viết rất nhiều, thậm chí trước khi quyết định là nên đi theo chiều hướng nào.
Dưới đây là những nguyên tắc cần thiết đối với các biên tập viên mà Steve Buttry nêu ra trên website của Poynter để phát triển ý tưởng trước khi họ quyết định cùng với phóng viên đầu tư nhiều thời gian và sức lực cho bài viết.
Trả lời nhanh chóng. Phóng viên muốn nhanh chóng nhận được trả lời cho đề xuất của họ. Im lặng là câu trả lời không chuyên nghiệp và không thể chấp nhận được trước một đề xuất công việc của phóng viên. Nếu biên tập viên quá bận rộn và thấy rằng cần nghiên cứu đề xuất kỹ hơn thì phải nói rõ điều đó và hẹn thời gian thảo luận với phóng viên. Nếu lại phải trì hoãn thì không nên kéo dài và phải thông báo ngay cho phóng viên lý do trì hoãn.
Tỏ ra quan tâm. Ngay cả khi phóng viên đưa ra một đề xuất kém thì cũng cần bày tỏ đánh giá cao về thái độ tích cực trong công việc. Việc đưa ra những ý tưởng tồi cho bài viết không phải là điều xấu mà là bước đi đầu tiên theo hướng đúng. Trong khi giải thích những cái chưa được của đề xuất đó vẫn cần khen ngợi phóng viên về sự năng động của họ. Cũng có thể đó là một ý tưởng hay nhưng được phát triển tồi. Trong trường hợp đó, hãy chứng tỏ sự quan tâm đến đề xuất và giúp phóng viên phát triển một đề xuất hấp dẫn hơn. Và nếu phóng viên đưa ra một ý tưởng hay đã được phát triển tốt thì chắc chắn càng phải tỏ ra nhiệt tình tuy có thể không giúp phóng viên thực hiện được bài viết ngay lập tức.
Đừng nói không. Hãy đặt câu hỏi. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, thông thường biên tập viên chưa thể hiểu hết đề xuất của phóng viên để bác bỏ ngay. Hãy đặt ra những câu hỏi để có thể có quyết định đúng đắn. Để thực hiện bài viết có tốn kém quá không? Liệu đó có phải là cách duy nhất để thu thập thông tin? Liệu nó có vượt quá khả năng của phóng viên? Liệu sẽ có những trở ngại gì? Đề xuất có đúng thời điểm không?
Đừng nói có. Hãy đặt câu hỏi. Nếu phóng viên có một đề nghị hay mà ngay lập tức biên tập viên thấy hấp dẫn thì vẫn nên giúp phóng viên phát triển kế hoạch thực hiện. Hãy xác định những khó khăn có thể vấp phải và đặt câu hỏi phóng viên đó sẽ làm cách nào để vượt qua. Hỏi xem phóng viên lấy thông tin từ những nguồn tin nào, cần phải bổ sung những thông tin gì. Hỏi xem liệu có bị trùng vấn đề với các phóng viên khác trong tờ báo không.
Hãy trung thực. Nói rõ lý do tại sao không chấp nhận ý tưởng của phóng viên. Có thể biên tập viên có chủ đề quan trọng hơn cho phóng viên đó. Có thể biên tập viên thích một ý tưởng khác hoặc cho rằng phóng viên chưa sẵn sàng cho thử thách đó và để phóng viên khác đảm đương thì phù hợp hơn. Hãy nói với phóng viên một cách trung thực. Nỗ lực của phóng viên xứng đáng nhận một câu trả lời thành thật tuy nó có thể dẫn đến một cuộc trao đổi không thoải mái. Nhưng đó là một phần việc của biên tập viên. Hãy cố gắng biến cuộc trao đổi không thoải mái đó thành một thách thức có thể giúp cho phóng viên chuẩn bị được những bài viết tốt hơn trong tương lai.
Cân nhắc mức độ, quy mô. Có thể ý tưởng của phóng viên hay nhưng không thể dành nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc để theo đuổi ở quy mô mà phóng viên yêu cầu. Cũng có thể ý tưởng này đòi hỏi phải quan tâm ở mức độ cao hơn. Thảo luận với phóng viên xem liệu có thể triển khai ý tưởng một cách nhanh hơn hoặc với quy mô nhỏ hơn. Hoặc nếu biên tập viên nghĩ rằng đề xuất của phóng viên chưa "tới", hãy đặt thêm các câu hỏi.
Đừng đương nhiên cho rằng nó quá tốn kém. Một phóng viên giỏi thường đưa ra những đề xuất có vẻ tốn kém đối với một biên tập viên giỏi. Nếu bạn không phải người ra quyết định về chi phí thì đừng giả định rằng nó quá tốn kém. Hãy giúp phóng viên phát triển và hoàn thiện ý tưởng rồi đưa ra bàn với những biên tập viên có quyền quyết định về chi phí. Nếu bạn là người chịu trách nhiệm về chi phí thì hãy thảo luận thẳng thắn những vấn đề này với phóng viên. Phải đảm bảo rằng bạn đã được nghe giải trình phương án tốt nhất. Nếu không có kinh phí hoặc thấy rằng bài viết không đáng để chi phí tới mức như vậy thì hãy thảo luận xem có thể triển khai bài viết theo hướng khác hay không. Nếu bạn thấy sẽ phải hy sinh chất lượng bài viết khi thực hiện với chi phí thấp thì trao đổi thẳng xem liệu có thể tạm gác lại bài viết cho tới khi ngân sách rộng rãi hơn hay không. Nếu câu chuyện có nhiều thông tin đáng giá thì có thể cách khôn khéo hơn là làm ngay một bài với quy mô nhỏ rồi sau đó viết sâu hơn với chi phí cao hơn.
Đừng trì hoãn vô hạn định. Nếu câu trả lời của bạn là "chưa phải bây giờ" thì cố đưa ra thời hạn cụ thể. Nếu thấy rằng phóng viên chưa đủ "chín" để viết bài này thì nên cho phóng viên biết trước hết nên làm gì. Nếu bạn thấy nguồn tin yếu thì hãy nói thẳng như vậy và đề xuất thời điểm phù hợp hơn cho bài viết. Nếu thấy phóng viên không thể thực hiện bài viết thì nói rõ lý do. Câu trả lời "không bao giờ" có thể gây bực bội nhưng còn đỡ hơn là "chưa phải bây giờ" nhưng lại có nghĩa là "không bao giờ."
Hãy đòi hỏi cao đối với phóng viên. Nếu chưa tin tưởng vào khả năng của phóng viên thì nên nói thẳng sự e ngại của mình. Chỉ ra cho phóng viên thấy trong đề xuất có những nhiệm vụ mà trước đó phóng viên chưa từng làm hoặc có những điểm giống như trong các dự án khác mà phóng viên từng làm chưa tốt. Hãy nêu những kỹ năng cụ thể mà việc thực hiện bài viết đòi hỏi nhưng phóng viên chưa chứng tỏ được. Thảo luận với phóng viên cách thực hiện bài viết: có thể là phối hợp với một phóng viên khác có kinh nghiệm hoặc những kỹ năng cần thiết, hay một sự giám sát chặt chẽ hơn bình thường trong quá trình viết, hay giảm quy mô bài viết. Cần phải tạo ra sự cân đối: Bạn muốn tạo cho phóng viên một thách thức nhưng bạn cũng muốn phóng viên đó thành công. Đừng cắt giảm quy mô của đề xuất xuống mức khả năng hiện tại của phóng viên nhưng đừng để ở mức cao quá mà họ không làm nổi.
Tìm hiểu kỹ về chủ đề. Đọc lại các báo khác cũng như những tài liệu riêng về chủ đề đó. Tự tìm hiểu thông tin liên quan trên các website. Cần phải giúp phóng viên nêu bật trọng tâm và phân biệt rõ những tài liệu cũ và thông tin mới, giữa những thông tin cơ bản mà phóng viên cần phải hiểu rõ và những chi tiết mà độc giả muốn biết.
Tính đến vấn đề ảnh, đồ họa hoặc đưa lên website. Hãy hỏi phóng viên về ý tưởng đối với ảnh hoặc đồ họa đi cùng bài. Họp với phóng viên ảnh/nhân viên thiết kế đồ họa để đặt kế hoạch triển khai. Cũng nên trao đổi với bộ phận website để có bản phù hợp với thể loại báo chí này.
Lập thời gian biểu. Thảo luận xem phóng viên nên tập trung toàn bộ thời gian cho bài viết hay kết hợp trong khi làm các nhiệm vụ khác. Đề ra thời hạn cho mỗi phần việc để đảm bảo đúng hạn đăng báo. Cũng cần thảo luận xem có cần các phóng viên khác tham gia hay không và cần tới mức độ nào.
Đi vào các bài cụ thể. Nếu phóng viên đưa ra một dự án gồm nhiều phần, hãy thảo luận về từng bài viết cụ thể./.
Nguồn: vietnamjournalism.com 26/9/2005