Bệnh goutte
Bệnh goutte là một bệnh viêm khớp do acid uric gây ra. Acid uric sinh ra do sự chuyển hóa của cơ thể và do thức ăn đưa vào. Nếu lượng acid uric tăng quá mức sẽ lắng đọng ở các khớp, thận, các cơ quan nội tạng và gây bệnh lý ở các nơi này.
Triệu chứng chính của goutte là đau khớp, 50-70% khởi phát là sưng đau ngón chân cái, sau đó là các khớp cổ chân, ngón chân. Lâu ngày trở thành mãn tính với sự xuất hiện của các u cục to nhỏ không đồng đều ở quanh khớp, đầu xương… đôi khi da bị loét chảy nước vàng và chất trắng như phấn. Việc sử dụng và phối hợp thuốc điều trị tùy theo tình hình bệnh lý của mỗi bệnh nhân, do BS chuyên khoa quyết định.
Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân goutte phải tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt chặt chẽ như: kiêng rượu, bia và các chất kích thích như cà phê, ớt. Hạn chế thức ăn chứa nhiều purin (chuyển hóa thành acid uric) như: phủ tạng động vật (lòng, gan, tim, huyết), tôm cua, thịt cá, nấm, rau dền, đậu Hà Lan, các loại đậu. Uống nhiều nước, tốt nhất là nước khoáng chứa bicarbonat. Tránh làm việc quá sức, tránh lạnh, tránh đi ăn tiệc tùng, không dùng thuốc lợi tiểu chlorothiazide và thuốc kháng viêm corticoide (đề-xa)…
Các bệnh viện có khoa khớp sẽ chuyên điều trị bệnh này.