Bệnh đốm lá ngô
Triệu chứng bệnh
Bệnh đốm lá nhỏ và bệnh đốm lá lớn có triệu chứng khác hẳn nhau, tuy nhiên đều hại chủ yếu ở phiến lá, ít khi hại ở hạt và các bộ phận khác của cây.
Bệnh đốm lá nhỏ:Có vết bệnh nhỏ như mũi kim, hơi vàng, sau đó lan rộng ra thành hình tròn hoặc bầu dục nhỏ, kích thước vết bệnh khoảng 5-6x1,5mm, màu nâu hoặc ở giữa hơi xám, có viền nâu đỏ; nhiều khi vết bệnh có quầng vàng. Bệnh hại ở lá, bẹ lá (thân), hạt.
Bệnh đốm lá lớn:Có vết bệnh khác hẳn. Vết bệnh dài có dạng sọc hình thoi không đều đặn màu nâu hoặc xám bạc, không có quầng vàng. Kích thước vết bệnh kéo dài tới 5-10cm, nhiều vết bệnh có thể nối liên tiếp với nhau làm cho lá dễ khô táp, rách tươm ở đoạn chót lá. Bệnh thường xuất hiện ở lá phía dưới rồi lan dần lên các lá phía trên. Trên vết bệnh khi trời ẩm dễ mọc ra một lớp nấm mốc đen nhọ là các cành bào tử phân sinh và bào tử phân sinh của nấm bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Loại đốm lá nhỏ do nấm Helminthosporium maydisgây ra. Loại đốm lá lớn do nấm Bipolaris turcicagây ra. Cả hai loài nấm trên đều thuộc họ Dematiaceae. Nấm bất toàn, giai đoạn hữu tính thuộc lớp nấm túi.
Đặc điểm phát sinh và phát triển
Bệnh đốm lá nói chung đều phát sinh và phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ tương đối cao, trời ấm áp, mưa ẩm nhiều nên bệnh thường tăng ở giai đoạn cây đã lớn, nhất là từ khi trổ cờ trở đi. Tuy nhiên trong những điều kiện cây ngô sinh trưởng kém, thời tiết bất lợi, cây mọc chậm bệnh đều có thể phát sinh phá hại sớm hơn và nhiều hơn ngay từ giai đoạn đầu sinh trưởng (2-3 lá) cho đến khi chín. Bệnh đốm lá lớn phát sinh muộn hơn, thường ít xuất hiện ở giai đoạn 2-5 lá (giai đoạn đầu sinh trưởng) mà phần lớn tập trung phá hại giai đoạn 7-8 lá trở đi đến các giai đoạn sinh trưởng về sau.
Bênh phát sinh trước hết ở các lá già, lá bánh tẻ rồi lan dần lên các lá phía trên ngọn, lây bệnh cả vào áo bắp. Bệnh phát triển mạnh và gây thiệt hại rõ rệt ở những nơi mà kỹ thuật thâm canh không tốt, đất xấu, chặt, dễ đóng váng, bón phân ít, ruộng hay bị mưa úng, trũng, cây sinh trưởng chậm, vàng thấp. Bệnh lây lan nhanh bằng bào tử phân sinh xâm nhập qua lỗ khí hoặc có khi trực tiếp qua biểu bì. Bào tử phân sinh của nấm tồn tại trên hạt giống và sợi nấm, trong tàn dư lá cây ở đất đều là nguồn bệnh quan trọng cho vụ sau.
Các giống ngô nhập nội thường bị bệnh nặng hơn giống ngô bản địa.
Biện pháp phòng trừ tổng hợp
Bằng biện pháp canh tác:Phòng trừ bệnh đốm lá trước hết là phải chú trọng đến các biện pháp thâm canh, tăng cường sinh trưởng và phát triển của cây ngô, nhờ đó cây tăng khả năng chống bệnh đảm bảo cho cây ít bị bệnh và nhất là tác hại của bệnh bị hạn chế nhiều.
Vì vậy phải chú trọng đến việc chọn đất thích hợp trồng ngô, đất tốt nhiều màu chủ động tưới tiêu thích hợp cho việc thâm canh tăng năng suất ngô, không để mưa úng trũng, kém thoát nước. Cày bừa kỹ vùi sản phẩm tàn dư bệnh xuống lớp đất sâu để diệt nguồn bệnh ở lá cũ. Gieo đúng thời vụ để cây mọc đều, nhanh và sinh trưởng, phát triển trong điều kiện thời tiết thuận lợi.
Bón phân cân đối, bón nhiều phân chuồng, đầy đủ NPK. Đối với đất cát pha, bạc màu, nghèo dinh dưỡng nên bón 4-5 tạ phân chuồng hoai mục +10-12kg đạm urê +8-10kg kali sunfat +15-20kg lân supe cho 1 sào Bắc bộ (360m 2). Đồng thời chú ý tưới đủ nước cho ngô trong giai đoạn đầu.
Bằng biện pháp hoá học: Trong thời gian sinh trưởng có thể phun thuốc khi cây mới nhiễm bệnh bằng các loại thuốc nội hiệu quả trừ bệnh cao như: Avil5-10EC; Benlate50WP; Aliette 800WG; Tilt 250EC,… Phun 1-2 lần, cách nhau 7-10 ngày, nồng độ và liều lượng dùng theo hướng dẫn in trên bao bì của nhà sản xuất.
Hạt trước khi gieo trồng cần được xử lý bằng các loại thuốc sát trùng như: Daconil 75WP; Zineb 80WP; TMTD… để trừ nguồn bệnh tồn tại trên hạt giống lây truyền cho vụ sau.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 84 (1802),