Behring - người tìm ra huyết thanh liệu pháp
Cũng trong năm đó, ông xuất bản quyển sách quan trọng “Bệnh bạch cầu và phương pháp phòng bệnh”.
A. Behring sinh ngày 15 - 1 - 1854 tại một vùng nông thôn của thị trấn Hansdorf nước Đức, trong một gia đình nhà giáo nghèo có đến 14 người con.
Là người có chí, ham học, dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhưng với ước vọng trở thành một bác sĩ, Behring xin vào học Trường Quân y Berlin để được học miễn phí, bớt gánh nặng cho gia đình.
Ông may mắn gặp được ông hiệu trưởng tốt bụng, Thiếu tướng Coler, sớm phát hiện khả năng và triển vọng của Behring nên thường xuyên giúp đỡ chàng thanh niên ham học này.
Năm 1878, Behring tốt nghiệp. Năm 1880, hoàn thành cuộc thi quốc gia, theo cam kết, ông vào phục vụ cho quân đội đóng tại Poznanvà sau đó là Bonn .
Vào thời kỳ này, bệnh bạch hầu đang hoành hành dữ dội ở châu Âu. Hằng năm có đến 150.000 trẻ em bị bệnh với 30.000 trường hợp tử vong.
Năm 1888, hết hạn quân ngũ, Behring được vào làm việc tại Viện Vệ sinh Dịch tễ nơi mà ông hy vọng có thể giúp mình nghiên cứu chống lại bệnh bạch hầu. Ở đây, Behring may mắn được học hỏi thêm nhiều với BS Robert Koch, người vừa tìm ra vi trùng lao.
Năm 1893, BS Theodor Klebs phát hiện ra trực khuẩn gây bệnh bạch hầu và đặt tên nó là Corynebacterium diphteriae.Năm sau 1894, Friedrich Loeffler đã thành công trong việc nuôi cấy vi trùng này.
Có người mở đường, Behring càng hăng hái tận dụng các khám phá mới để tiếp tục nghiên cứu bệnh bạch hầu.
Qua hàng trăm thử nghiệm, Behring nhận thấy các hợp chất iod chỉ loại trừ một số độc tố của vi trùng bạch hầu. Có nhiều người tự khỏi bệnh, đó là do sức khoẻ của mỗi người, tức là sức kháng cự của cơ thể.
Behring tiêm vi trùng tả vào gà tây. Vài ngày sau, ông thấy huyết tương của gà tây có khả năng làm tê liệt vi trùng đã thử nghiệm. Ông kết luận trong huyết tương gà được tiêm vi trùng tả đã sinh ra kháng thể trung hoà vi trùng tả. Ông nẩy ra ý nghĩ có thể tạo ra kháng thể để trung hoà các loại vi trùng khác.
Behring bàn với một nhà khoa học người Nhật là Kitasato, hai ông quyết định thực hiện một loạt thử nghiệm: tiêm vào thỏ, chuột, liều độc tố uốn ván không gây chết người với lượng tăng dần. Từng đợt lấy huyết thanh của thỏ, chuột cho phản ứng với độc tố uốn ván, khả năng trung hoà độc tố uốn ván của huyết thanh nâng cao dần. Và hỗn hợp này không còn gây bệnh.
Tiếp tục tiêm cho thỏ, chuột liều độc tố uốn ván cao gấp 300 lần, nhưng chúng vẫn khoẻ. Điều này chứng minh, sau khi được tiêm liều độc tố uốn ván không gây chết, huyết thanh đã sản sinh ra một chất kháng lại độc tố uốn ván. Behring và Kitasato gọi chất này là Antitoxin, huyết thanh chứa kháng độc tố (Serum antitoxique). Ngày 4 - 12 - 1890, Behring và Kitasato thông báo thuật ngữ “kháng độc tố” (Antitoxin) trên tạp chí y học.
Sau đó, Behring trở lại tiếp tục công trình tâm huyết của mình. Ông tiêm độc tố vi trùng bạch hầu với liều không gây chết chuột, dê và sau cùng để có lượng kháng độc tố lớn, ông sử dụng ngựa để sản xuất ra huyết thanh kháng độc tố vi trùng bạch hầu. Đem huyết thanh này chữa trị cho 20 em bé bị bạch hầu có 19 em khỏi bệnh. Kết quả diệu kỳ này gây chấn động ngành y, mọi người tôn A. Behring là ông tổ của “huyết thanh liệu pháp” (Serotherapie).
Trong thời gian làm việc chung với BS Robert Koch, Behring được phong làm Giáo sư và cuối cùng giữ chức Chủ nhiệm khoa Vệ sinh Dịch tễ ở Marburg . Tại đây, ông thành lập phòng thí nghiệm chuyên sản xuất huyết thanh kháng độc tố. Ông viết tác phẩm cuối cùng: “Bước đầu chống bệnh truyền nhiễm”.
Việc tìm hệ thống phòng vệ của cơ thể trước sự tấn công của vi trùng gây bệnh, đã có sự đóng góp của nhiều nhà khoa học. Tuy nhiên, chỉ đến E. A. Behring, huyết thanh kháng độc tố mới chính thức ra đời phục vụ cho điều trị. Do công lao này, năm 1901, Behring đã được trao giải Nobel Y học.
Ngày 31 - 3 - 1917, Behring qua đời. Theo ước nguyện, thi hài của ông được chôn cạnh nơi ông làm việc.