Bảo tồn đa dạng sinh học của Hồ Tây
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước và giảm da dạng thành phần loài sinh vật của Hồ Tây
Theo PGS.TS Lưu Thị Lan Hương – Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, diện tích đất nông nghiệp xung quan Hồ Tây được sử dụng chủ yếu để trồng rau màu, đặc biệt là các loại cây cảnh như đào, quất và các loại hoa ở Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng An. Hàng năm có một số lượng khá lớn phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật từ các hoạt động nông nghiệp đổ xuống hồ.
Ngoài chất thải do nông nghiệp, còn có chất thải do công nghiệp và chất thải sinh hoạt không được qua xử lý được đổ trực tiếp vào hồ trong các chất thải này ngoài ô nhiễm do các hợp chất hữu cơ, nó còn chứa một lượng kim loại nặng gây độc cho sinh vật.
Hiện nay ô nhiễm môi trường nước là nguyên nhân chính gây suy giảm đa dạng thành phần loài của các sinh vật thủy vực như các loài cá, ốc, trai….
PGS Hương cho biết thêm, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm nước Hồ Tây, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, nước, thoát nước chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, cống thoát nhỏ và tiêu thoát nước kém gây úng ngập cục bộ vào những ngày mưa. Các hộ sống quanh hồ thường xả trực tiếp nước thải vào hồ.
Các hoạt động công nghiệp xả thải vào khí quyển làm thay đổi và ô nhiễm bầu khí quyển tạo ra mưa axit nitric và sunphuric làm giảm độ pH của nước xuống thấp và làm nước tăng khả năng hấp thụ kim loại nặng độc hại.
Mưa axit làm cho độ axit của hồ tăng lên, khiến cho cá và các loài lưỡng cư suy giảm số lượng. Đối với thành phần lớn loài lưỡng cư, ít nhất một phần trong chu kỳ sống của chúng phụ thuộc và môi trường nước, độ pH của nước giảm làm cho tỷ lệ trứng và ấu trùng bị chết tăng lên cao. Độ axit cũng hạn chế khả năng phân hủy, làm chậm tốc độ của quá trình khoáng hóa và khả năng sản xuất của hệ sinh thái hồ.
Hiện nay, biến đổi khí hậu tác động làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Biến đổi khí hậu thay đổi các điều kiện sinh sống của sinh vật. Cấu trúc thành phần loài của Hồ Tây hiện nay đang thay đổi rất lớn, các loài bản địa còn rất ít, do chúng có sức chịu đựng với biến đổi khí hậu rất kém.
“Vài năm gần đây Hồ Tây đã xuất hiện loài rùa tai đỏ, rùa tai đỏ là một loài ngoại lai xâm hại rất nguy hiểm chúng ăn tạp và sinh sản rất nhanh. Đặc biệt chúng có khả năng thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu. Trong khi đó các loài bản địa có sức chống chọi kém. Ngoài ra, Hồ Tây còn một lượng lớn các loài cá ngoại lai do Ban quản lý Hồ Tây thả vào hồ với mục đích khai thác nuôi trồng thủy sản. Các loài cá này cũng cạnh tranh mạnh với các loài bản địa”, PGS Hương chia sẻ.
Cần bảo tồn đa dạng các loài sinh vật của Hồ Tây
Theo PGS Hương, việc nghiên cứu ở Hồ Tây cho thấy, trong hồ có một lượng sen tương đối lớn. Hoa sen cũng có tác dụng cải tạo chất lượng nước của hồ. Tuy nhiên, sen chỉ phát triển mạnh về mùa hạ, còn các mùa khác thì tàn rất nhanh. Như vậy sen chết sẽ có một lượng chất hữu cơ rất lớn. Vì vậy, khả năng cải tạo nước của sen là không cao.
Chúng tôi cũng đã thử nghiệm sử dụng bèo tây và thủy trúc để xử lý ô nhiễm cho nước Hồ Tây. Kết quả cho thấy, bèo tây và thủy trúc có khả năng hút kim loại nặng và các hợp chất hữu cơ rất tốt. Ngoài ra, bèo tây và thủy trúc có khả năng làm lắng động các chất lơ lửng tạo nên độ trong của hồ. Bèo tây và thủy trúc là hai loại cây sống nổi trên bề mặt nước, do đó có thể trồng ở bất kỳ vị trí nào trên hồ, PGS Hương cho biết.
Tuy nhiên bèo tây, thủy trúc là sinh vật ngoại lai có khả năng sinh sản và sống sốt rất tốt. Chúng có khả năng cạnh tranh cao với loài bản địa. Vì vậy cần phải quản lý chặt chẽ sự phát triển của hai loài này thật tốt phục vụ cho mục đích cải tạo chất lượng nước.
Ngoài việc kiểm soát sinh khối các loài trong hồ, cần phải kiểm tra lượng chất thải đổ vào hồ. Như vậy sẽ tránh được sự ô nhiễm gia tăng vào trong hồ. Phải xây dựng hệ thống cảnh báo, đánh giá tác động môi trường hồ thường xuyên để ngăn ngừa các tai biến ô nhiễm đột xuất.
Như vậy đòi hỏi phải có các trạm quan trắc thường xuyên và định kỳ để đo đạc các thông số môi trường, xác định những thông số gây ô nhiễm ưu tiên, nguồn gốc và mức độ gây tác động tức thời hoặc tiềm ẩn, xác định phạm vi tác động. Cần thiết phải quan trắc tại các điểm cố định, chú trọng ở các khu vực có cống thải, khu vực đông dân cư và các nhà hàng khách sạn, từ đó xử lý các thông tin và cảnh báo về môi trường.