Bảo hộ tri thức truyền thống, một vấn đề còn mới ở Việt Nam
Ở Ôxtrâylia có chuyện một bộ tộc kiện Chính phủ vì đã sử dụng hình ảnh bộ tộc của mình in lên đồng tiền quốc gia. Trong vụ kiện này Nhà nước bị thua kiện. Ở Việt Nam, gần đây cũng đặt ra vấn đề bảo hộ di sản văn học - nghệ thuật dân gian. Truyền thống văn hóa của bộ tộc ở Ôxtrâylia, văn nghệ dân gian được gọi chung là tri thức truyền thống. Đây là một khái niệm mới được đặt ra tại Hội thảo "Bảo hộ tri thức truyền thống" vừa mới diễn ra tại Hà Nội.
Định nghĩa thế nào về tri thức truyền thống?
Chính những chuyên gia Thuỵ Sĩ có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực này, những người đồng tổ chức hội thảo cũng không thể giải quyết hết được các câu hỏi đặt ra. Ông Martin Girsberger, đồng phụ trách Bộ phận Dịch vụ pháp lý, Luật Sáng chế và kiểu dáng, Viện Sở hữu trí tuệ Liên bang Thuỵ Sĩ cho biết, hiện nay mỗi một quốc gia có một khái niệm khác nhau về tri thức truyền thống. Chính vì vậy khái niệm mà Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đưa ra vẫn chưa được công nhận là chuẩn.
Ở Việt Nam, khái niệm này mới chỉ được hiểu giới hạn ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân gian. Nhưng trên thế giới, khái niệm này mở rộng ra cả lĩnh vực khoa học. Dưới góc độ của các nhà bảo tồn và môi trường, tri thức truyền thống bao gồm về đa dạng sinh học, các nguồn gen động thực vật. Dưới góc độ sở hữu trí tuệ, nó còn bao gồm văn hóa dân gian, các tri thức, kinh nghiệm truyền thống khác.
Khi khái niệm gốc chưa được giải thích thì chưa thể bàn tới hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện có. Sau khi giải đáp nhiều thắc mắc, ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cũng phải đồng ý với ý kiến: nếu bảo hộ mà không có khả năng thực thi thì bảo hộ làm gì!!!
Tri thức truyền thống "miền" không xác định?
Tri thức truyền thống được khai thác trên phạm vi toàn cầu hàng ngàn năm nay và được cộng đồng quốc tế nghiên cứu nhằm tìm kiếm các công cụ pháp lý để bảo vệ từ những năm 70 của thế kỷ trước. Cho đến nay đây vẫn là chủ đề gây tranh luận không chỉ trên bình diện quốc gia mà còn trên các diễn đàn quốc tế.
Trước ngưỡng cửa toàn cầu hóa, các quốc gia đều nhận thấy tri thức truyền thống rất dễ bị chiếm đoạt và khai thác trái phép. Nó không chỉ bị "chảy máu" ra nước ngoài mà ngay trong nội bộ một quốc gia. Đơn cử như du lịch được coi là ngành rất biết cách tận dụng các sản phẩm văn hóa truyền thống để kinh doanh mà chưa bao giờ phải trả tiền bản quyền. Và bản quyền đối với một sản phẩm truyền thống, dù là vật thể hay phi vật thể đều rất khó xác định.
Xưa nay những yếu tố truyền thống là tài sản của cả cộng đồng và được phát triển từ đời này qua đời khác. Liệu có thể xác định được chủ nhân của một làn điệu quan họ hay tác giả của ca dao?
Trong vấn đề khai thác trái phép tri thức truyền thống, ông Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, thắc mắc: “Những nhạc sĩ hiện đại lấy cảm hứng từ một làn điệu dân ca để sáng tác có phải là "đạo nhạc" hay không? Giám đốc Nhà hát Múa rối có công sưu tầm rồi dựng thành vở, ký tên mình là tác giả đi dự thi có phải là vi phạm hay không? Nếu phải thì trả tiền bảo hộ cho ai?”
Khi đặt vấn đề trả tiền cho một sản phẩm văn hóa thuộc sở hữu của cộng đồng thì đồng thời chúng ta cũng phải đối mặt với vấn đề gai góc là tranh chấp sở hữu. Những gì thuộc về truyền thống ngàn đời xưa được truyền từ đời này qua đời khác một cách tự nhiên không tính toán. Đặt ra vấn đề bảo hộ tri thức truyền thống, tức là tìm cách bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có của dân tộc. Nhưng trong điều kiện của nước ta, đây mới chỉ là một khái niệm tham khảo. Thay vì tìm cách xác định chủ nhân của vặn nghệ dân gian để trả lại quyền lợi cho họ, hãy quan tâm đầu tư cho vùng đó phát triển văn hóa một cách tự nhiên.
Nguồn: Hànộimới, 19/06/2005