Báo động đỏ
1 I-rắc (Iraq) trải qua tháng đẫm máu nhất kể từ năm 2007, với gần 2.000 người đã thiệt mạng trong tháng 6 vừa qua. Các số liệu do Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng I-rắc thu thập cho thấy, trong 1.922 người thiệt mạng có 1.393 dân thường.
Nguyên nhân số vụ bạo lực gia tăng là do phiến quân thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo I-rắc và vùng Cận đông (ISIL) tiến hành chiến dịch tiến công, chiếm đóng các vùng lãnh thổ ở năm tỉnh phía bắc và tây thủ đô Bát-đa (Baghdad). Cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại và đã lên tiếng kêu gọi các chính khách I-rắc đoàn kết để chấm dứt mối đe dọa từ ISIL.Mỹ đang xúc tiến chuyển giao vũ khí và đạn dược cho Chính phủ I-rắc, song tình hình bất ổn trên thực địa đe dọa cản trở công tác chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 cho chính quyền Bát-đa, sau khi các nhà thầu đã phải sơ tán khỏi một căn cứ không quân chủ chốt.
2 Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước, bao gồm cả những đồng minh thân cận của Oa-sinh-tơn (Washington), nhiều khả năng sẽ lại rơi vào tình trạng "báo động đỏ", sau khi tiết lộ mới nhất của cựu nhân viên tình báo Mỹ E.Xnâu-đơn (E.Snowden) cho thấy: Phạm vi được phép tiến hành hoạt động do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) là gần như không có giới hạn.
Đây là thông tin mới nhất mà "kẻ đốt đền" E.Xnâu-đơn công bố trên tờ Bưu điện Oa-sinh-tơnsố ra ngày 30-6. Những tài liệu mới tiết lộ bao gồm một văn bản chứng nhận tuyệt mật do Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài thông qua năm 2010, theo đó, trao cho NSA quyền do thám toàn bộ 193 quốc gia trên thế giới, trừ Anh, Ca-na-đa (Canada), Ô-xtrây-li-a (Australia) và Niu Di-lân (New Zealand), những nước có thỏa thuận không do thám với Mỹ. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên hiệp châu Âu (EU) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đều là đối tượng do thám của NSA.
Vụ bê bối do thám bùng nổ đúng một năm trước đã đẩy giới tình báo Mỹ, vốn quen ẩn mình trong bóng tối, ra trước búa rìu dư luận, gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước.
3 Hiện tượng Trái đất nóng lên có thể khiến cho loài chim cánh cụt hoàng đế suy giảm số lượng cá thể nghiêm trọng, thậm chí đối mặt nguy cơ "gần như tuyệt chủng" vào năm 2100. Đây là cảnh báo mà các nhà khoa học Mỹ công bố trên một tạp chí chuyên về biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu, khoảng 2/3 trong tổng số 45 quần thể chim cánh cụt hoàng đế hiện tại có nguy cơ suy giảm hơn 50% số lượng cá thể và khoảng 1/5 số lượng quần thể, đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong khoảng một thế kỷ nữa. Nguyên nhân là do hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến cho diện tích băng ở Nam Cực suy giảm, từ đó ảnh hưởng hoạt động sinh sản và nuôi con của chim cánh cụt hoàng đế.
Băng tan cũng ảnh hưởng đến các loài cá và nhuyễn thể - vốn là thức ăn chính của chim cánh cụt hoàng đế. Các quần thể chim cánh cụt sống ở khu vực phía Tây Ấn Độ Dương có nguy cơ suy giảm mạnh nhất, trong khi các quần thể sống tại biển Rốt (Ross) sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn. Các nhà khoa học kêu gọi đưa chim cánh cụt hoàng đế vào danh mục "đang nguy cấp" trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN); đồng thời đề xuất thành lập một khu bảo tồn sinh vật biển ở ngoài khơi phía đông Nam Cực, nơi sinh sống của khoảng 600.000 cá thể chim cánh cụt hoàng đế.
4 Bên cạnh đó, rừng nguyên sinh, lá phổi của thế giới và là cái nôi nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học, cũng đang trong tình trạng bị thu hẹp tới mức báo động, nhất là tại In-đô-nê-xi-a (Indonesia). Dựa trên những hình ảnh truyền từ vệ tinh, các nhà khoa học cho biết, In-đô-nê-xi-a mất khoảng 6,02 triệu héc-ta rừng nguyên sinh trong giai đoạn từ năm 2000-2012. Nạn phá rừng nguyên sinh quá mức ở In-đô-nê-xi-a làm mất đi môi trường sống và dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài động vật, thực vật; đồng thời cản trở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Thiệt hại lớn nhất xảy ra với các vùng đất thấp và rừng đầm lầy ở các đảo Xuma-tơ-ra (Sumatra) và Ka-li-man-tan (Kalimantan), nơi người dân thường chặt cây để làm đất nông nghiệp.
Rừng ở In-đô-nê-xi-a duy trì sự đa dạng sinh học cao độ, với 10% loài thực vật, 12% loài động vật có vú, 16% loài bò sát lưỡng cư và 17% các loài chim... trên thế giới. Do vậy, nạn tàn phá rừng nguyên sinh ở In-đô-nê-xi-a khiến thế giới lo ngại vùng đệm bảo vệ Trái đất trước tình trạng biến đổi khí hậu sẽ ngày càng bé lại.