Băng thông rộng, nhưng nội dung chưa “rộng”!
1 năm cập nhật... 10 lần
Không thể đưa ra con số chính xác về số lượng website VN (tạm hiểu là website bằng tiếng Việt) bởi Internet là không biên giới và luôn thay đổi, mà chỉ có thể ước tính gần đúng. Theo tìm hiểu của chúng tôi thông qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet, số lượng tên miền .vn đang hoạt động chỉ khoảng 4.500 trên tổng số gần 11 nghìn tên miền .vn được đăng ký. Về số lượng website có tên miền .com, .net... do các cá nhân, đơn vị VN đăng ký, ông Hà Tuấn Anh, giám đốc Vinalink, cty chuyên về các dịch vụ trực tuyến và hiện nắm giữ một trong những danh bạ website VN lớn nhất ( www.vietnamwebsite.net), cho biết: "Vinalink tổng hợp từ các hosting và nhà cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền (PA Vietnam, KCCVN, Matbao, NhanHoa...), có khoảng 30 nghìn tên miền được đăng ký trong đó có khoảng 7 nghìn tên miền đang hoạt động". Như vậy số lượng website VN hiện khoảng 11.500, trong đó doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ quan hành chính... chiếm khoảng 6.000.
Theo một nghiên cứu của Cty Vinalink, các "cổng giao tiếp điện tử" của các tỉnh thành, ngoại trừ một số thành phố lớn như TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, trung bình được cập nhật 10 lần/năm. Con số này với các website của các bộ, ngành khoảng 25 lần. Còn với doanh nghiệp, tần suất cập nhật là khoảng 1 lần/năm (với web tĩnh) và 10 lần/năm (với web động) với nội dung đưa lên chủ yếu từ các catalog chuyển sang dạng web. Không khó để tìm một vài minh hoạ cho những con số này. Đến 23.6, khi vàowww.nghean.gov.vn, cả 5 tin ngay tại trang chủ của website đều được cập nhật vào ngày 30.9.2004 (ảnh). Website của tỉnh Hà Tây (www.hatay.gov.vn) chỉ gồm vài trang tĩnh, thông tin đơn giản mang tính chất giới thiệu.
Các website cá nhân, các tổ chức kinh doanh thương mại điện tử (thông tin rao vặt, nhà đất, bán hàng...) đều có mức độ cập nhật cao với nội dung phong phú. Tuy nhiên các website này lại chủ yếu tập trung trong một số lĩnh vực như máy tính, điện thoại di động, nhà đất... Các dịch vụ trực tuyến khác, số lượng và chủng loại hàng trên Internet đều rất hạn chế.
Cung chưa đủ cầu, người duyệt web làm gì?
Liên quan tới việc cập nhật nội dung tiếng Việt trên Internet, ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc Cty điện toán và truyền số liệu VDC cho biết: "Nhìn chung là cung chưa đủ cầu. Tạm chia nội dung trên Internet thành hai mảng lớn là nội dung kinh doanh và không kinh doanh. Với nội dung kinh doanh, thị trường có nhiều tiến bộ và được động viên tích cực. Số lượng các nhà cung cấp dịch vụ và nội dung kinh doanh đã tăng nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng mảng nội dung không kinh doanh (thông tin, dịch vụ từ cơ quan quản lý, tổ chức xã hội...) có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Tiếc là phần này hiện còn rất yếu. Tôi không bàn tới cách làm truyền thống vì có thể đã được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên những cơ quan này chưa thực hiện chức năng của mình tương xứng tại môi trường mạng. Băng thông rộng hiện mới chỉ phục vụ nhu cầu giải trí".
Những ngành công nghiệp nội dung đòi hỏi Internet băng thông rộng như truyền hình, xem phim, nghe & tải nhạc... tại VN mới đang ở giai đoạn khởi động do những khó khăn về hạ tầng kỹ thuật cũng như các vấn đề liên quan tới bản quyền. Trong khi chờ đợi, game trực tuyến đang được các nhà cung cấp dịch vụ Internet đẩy lên như một cứu tinh cho ADSL. Dồn dập những MU Online, Gun Bound, Võ Lâm Trường Kỳ liên tiếp được đẩy thành những chủ đề nóng hổi của cộng đồng người dùng Net. Còn hiện tại, ADSL giúp đọc báo điện tử nhanh hơn. Cũng theo Cty Vinalink, trong số 40% người dùng Net tại các website của VN, 20% đọc báo điện tử, 10% vào các diễn đàn, các web ca nhạc, giải trí, rao vặt, tìm việc. Số người thực sự dùng Internet vào việc tìm thông tin chuyên ngành, tra cứu thông tin liên quan tới công việc hay nhu cầu cá nhân chỉ chiếm khoảng 10%. 60% còn lại không hoàn toàn vào các website của nước ngoài mà đơn giản là họ sử dụng những dịch vụ trực tuyến như chat, mail, điện thoại Internet...
Nguồn: laodong.com.vn 24/6/2005