Bàn thêm về vấn đề phong học hàm ở Việt Nam
1. Các khái niệm, quyết định của việc phong học hàm:
Các cuốn từ điển xuất bản ở Việt Nam định nghĩa học hàm là cấp bậc của người nghiên cứu, giảng dạy ở bậc đại học, giáo sư, phó giáo sư. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia định nghĩa học hàm dùng để chỉ các danh hiệu trong hệ thống giáo dục và đào tạo được một tổ chức có quyền hạn nào đó phong cho một người làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu. Các danh hiệu này xác định trình độ chuyên môn cao của họ. Có hai danh hiệu chính: giáo sư và phó giáo sư. Tiêu chuẩn để có được danh hiệu giáo sư và phó giáo sư thường không cố định, thậm chí nó không đòi hỏi người được công nhận phải đang làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu. Có nước định nghĩa học hàm là những chức vụ khoa bảng, do chính phủ hoặc trường đại học của nước đó trao tặng cho những người giảng dạy và nghiên cứu khoa học, như danh hiệu professor, lecturer.
Học vị là danh vị cấp cho người có trình độ học vấn nhất định ở bậc trên đại học, tiến sĩ, thạc sĩ.
Các nhà khoa học ở Việt Nam được cấu tạo bởi đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Một số người là viện sĩ do nước ngoài phong tặng.
Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm nhất định đến đội ngũ cán bộ làm khoa hoc, thể hiện đã ra được một số văn bản về vấn đề này: Nghị định số 20/2001/NĐ-CP, ngày 17-5-2001 của Chính phủ, quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư. Luật Giáo dục được thực hiện từ năm 2005 đã góp phần nâng cao chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư theo hướng hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế. Từ năm 2005, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng một số văn bản pháp quy mới, trong đó có Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg, ngày 31-12-2008, của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Có thể nói Quyết định 174 đã góp phần nâng cao một bước chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư với các quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn trước. Người được phong giáo sư, phó giáo sư phải hội đủ các các tiêu chuẩn cứng: (1) Đủ tiêu chuẩn nhà giáo theo Quy định của Luật Giáo dục. (2) Đủ thâm niên đào tạo đại học; có bằng tiến sĩ từ 3 năm trở lên. (3) Phải chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học. (4) Phải có trình độ ngoại ngữ cần thiết. Từ năm 2011, yêu cầu phải sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh (Đối với những người đã thành tạo tiếng Anh trong chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh, thì không yêu cầu ngoại ngữ khác nữa). (4) Phải đạt số điểm công trình khoa học quy đổi (được tính từ bài báo khoa học, báo cáo khoa học, sách phục vụ đào tạo đại học, đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, hướng dẫn nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ). So với trước, mức điểm công trình khoa học tuy không tăng, nhưng thang điểm cho một đơn vị công trình có phần hạ thấp hơn. Thí dụ, một cuốn sách chuyên khảo, trước tối đa là 4 điểm, nay còn 3 điểm, sách giáo khoa từ 3 điểm, nay còn 2 điểm,… Từng nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đều ra quyết định thành lập Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ra Quyết định số 3932/QĐ-BGDĐT, ngày 2-6-2009, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở. Quy chế gồm 6 chương, 29 điều, đề cập khá toàn diện các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước; ngành (liên ngành); cơ sở. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (bao gồm cả phó giáo sư) do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Hội đồng Chức danh giáo sư ngành là hội đồng chuyên môn của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước quyết định thành lập, được tổ chức theo từng ngành hoặc một số ngành chuyên môn để giúp Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thực hiện việc xét đề nghị công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thuộc ngành (liên ngành) chuyên môn được giao xét.
Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở là hội đồng chuyên môn của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước quyết định thành lập ở một hoặc một số cơ sở giáo dục đại học có đủ điều kiện theo quy định hiện hành.
Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở giúp Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thực hiện việc xét đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của ứng viên là giảng viên, giảng viên thỉnh giảng của cơ sở giáo dục đại học và ứng viên được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước giới thiệu.
Như vậy, muốn được phong giáo sư, phó giáo sư phải qua 3 cấp xét duyệt: cấp cơ sở; cấp ngành (liên ngành); cấp nhà nước.
Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã được Quyết định 3932 ghi rõ là bảo đảm tính tập thể, dân chủ, biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại các phiên họp để quyết nghị những vấn đề quan trọng về xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Các quyết nghị quan trọng về xét đề nghị công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ có hiệu lực khi có ít nhất 3/4 tổng số thành viên có mặt tham gia bỏ phiếu.
Điểm mới trong việc tổ chức họp Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, hoặc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước là có thể được Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tổ chức thực hiện thông qua mạng internet. Việc công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và các nghị quyết quan trọng khác của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước được thông qua tại phiên họp để nghị quyết bằng cách bỏ phiếu kín. Các nghị quyết công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước bỏ phiếu tán thành.
Về tiêu chuẩn ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước được định rõ là nhà giáo có chức danh giáo sư, có uy tín cao về chuyên môn; đang tham gia đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ và nghiên cứu khoa học; xứng đáng đại diện cho ngành chuyên môn trong Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước; là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng, trung thực, công bằng, khách quan và có tinh thần trách nhiệm cao trong việc thẩm định, đánh giá hồ sơ xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; có sức khỏe tốt, có thời gian để hoàn thành công việc được giao; tuổi đời, nói chung, không quá 65.
Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, cơ sở cũng đều có những quy định cụ thể trong Quyết định 3932.
2. Thực trạng của việc phong học hàm ở Việt Nam:
Năm 2010, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước phong tặng cho 71 giáo sư và 507 phó giáo sư. Tính từ năm 1980 đến nay, Nhà nước đã phong tặng cho gần 9 nghìn (xin lấy con số chẵn) giáo sư và phó giáo sư, trong đó có 1.407 giáo sư. Tại Việt Nam có khoảng 1/4 giáo sư và phó giáo sư giảng dạy chuyên nghiệp tại bậc đại học. Số còn lại là giảng dạy bán chuyên nghiệp và nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ số nhà giáo thỉnh giảng so với tổng số nhà giáo được công nhận giáo sư, phó giáo sư, năm 2009 là 10,9%; năm 2010 là 27,33%. Tỷ lệ số ứng viên là nhà giáo thỉnh giảng so với tổng số ứng viên đăng ký xét chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2011 là 17,7%.
Từ năm 2008 trở về trước, sau khi được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, người phong sẽ được giữ mãi chức danh này. Nhưng khi soạn thảo Quyết định 174, các bộ, ban, ngành, chuyên gia đã thảo luận kỹ về việc có nên giữ mãi chức danh này hay không. Cuối cùng thì ra văn bản những người được phong từ năm 2008 trở về trước, thì được giữ mãi danh hiệu giáo sư, phó giáo sư, vì được giải thích rằng, đây là vấn đề lịch sử. Còn những người được bổ nhiệm từ năm 2009 (theo Quyết định 174), việc công nhận giáo sư, phó giáo sư được chia làm 2 bước: bước 1 là xét công nhận; bước 2 là ra quyết định bổ nhiệm sau khi đã đạt các tiêu chuẩn của một giáo sư, phó giáo sư; đồng thời, quy định việc kiểm tra, đánh giá định kỳ về mức độ hoàn thành nhiệm vụ để có biện pháp xử lý bổ nhiệm tiếp hoặc miễn nhiệm chức danh đã bổ nhiệm. Việc định kỳ 2-3 năm xem xét đánh giá giáo sư, phó giáo sư là cần thiết để bảo đảm giáo sư và phó giáo sư là những người còn có năng lực, trình độ, làm việc có hiệu quả trong nghiên cứu khoa học và đào tạo hay không. Nhiều nước đã áp dụng cách làm này.
Việc phong giáo sư, phó giáo sư trong những năm đổi mới đã ghi nhận thành tích đáng kể của ngành giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xét duyệt và phong giáo sư, phó giáo sư, còn nhiều chuyện rắc rối xảy ra. Trong “cung đình”, thì cửa đóng, then cài, ngoài “dân gian” thì bàn tán xì xào, chẳng biết đâu là đúng, đâu là sai. Nhiều khi có cái “đúng” thành sai, có cái “sai” thành đúng. Đúng, sai trong thời buổi này, chỉ cách nhau có tấc gang, nhiều khi vàng, thau lẫn lộn.
Tại Việt Nam, hiện thời chỉ có chức danh "giáo sư" (professor) và "phó giáo sư" (associate). Thuật ngữ "phó giáo sư" cũng rất trừu tượng, vì nói đến "phó", thì phải có "trưởng" và cũng chẳng phải là "phó" cho ai. Một khi đã nói đến "trưởng" và "phó", thì nó phải được gắn liền với một tổ chức, đàng này, giáo sư, phó giáo sư là một nhà giảng dạy, nghiên cứu độc lập với tư cách cá nhân.
Có người đặt câu hỏi là giáo sư, phó giáo sư thực chất là một chức danh hay chức vụ? Nhiều ý kiến cho rằng, đây là chức danh chứ không phải chức vụ. Khi nói đến chức danh, thì đặt vấn đề bổ nhiệm hay phong tặng?
Trên internet (trong nước và ngoài nước), nếu chúng ta chịu khó khai thác có rất nhiều bài bàn tán chung quanh việc phong giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam. Có bài viết cho rằng, việc phong giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam, “chặt” lại hóa “lỏng”. “Chặt” là chính sách đề ra khá cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng, nhưng khi vận dụng lại rất “lỏng”. “Lỏng” ở đây là sau khi được phong giáo sư, phó giáo sư, không ít người hiện nguyên hình một nhà khoa học không có tác phẩm hoặc có một vài tác phẩm, nhưng không có tác phẩm nào đọc được, vì nó chỉ dừng lại ở mức độ minh họa. Có chăng, chỉ một vài bài viết minh họa, khô cứng đã được đăng ở một số tạp chí trong nước, trong khi đó, lại không có một bài nào được đăng ở tạp chí nước ngoài. Có người biện bạch rằng, khoa học xã hội và nhân văn, viết đăng ở các tạp chí nước ngoài rất dễ bị “phạm húy”, mất lập trường, sai quan điểm. Ô hay! Khoa học là khoa học. Viết đúng, viết hay, có sức thuyết phục, đừng xuyên tạc sự thật, thì đâu có “phạm húy”. Ai đó nói “phạm húy” là một sự biện bạch không rõ ràng. Không ít người lấy việc báo cáo chính trị, phổ biến nghị quyết, nói chuyện thời sự, thay cho số giờ giảng ở trường đại học. Không ít người rất kém ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) và cũng không ít người không biết sử dụng tin học. Có một lần, một vị cán bộ cấp vụ trưởng ở một cơ quan công quyền bề thế, mời tôi đi chiêu đãi, vì anh ta mới được phong phó giáo sư. Trong lúc tâm tình khi chúc tụng, anh ta thật thà bảo tôi là trình độ ngoại ngữ của anh ta rất kém, buộc anh ta phải lo lót, chạy ngược, chạy xuôi mới “lọt được cửa” phó giáo sư. Tôi lắc đầu và khuyên anh ta rằng, phải dốc sức vào học tiếng Anh, mặc dù đã được phong phó giáo sư, một thứ tiếng phổ thông nhất trên thế giới hiện nay. Thế giới nói tiếng Anh, nhưng châu Phi phần lớn là nói tiếng Pháp, cho nên cũng có thể phải học thêm tiếng Pháp. Anh ta gật đầu. Nhưng người đã có tuổi học ngoại ngữ thật chẳng dễ chút nào, cho nên phải đặt vấn đề học suốt đời, thì may ra mới có thể biết được một vài ngoại ngữ.
Tôi đọc trên mạng, thấy có nhiều bài viết phàn nàn về vấn đề phong giáo sư, phó giáo sư. Có một bài viết ngắn (cũng có thể xếp vào loại tin dài), nhan đề: “Phong học hàm: Thích và không thích - quá buồn cái khoa học xin - cho”. Đó là chuyện tiêu cực xảy ra ở Đại học Huế vào chiều 28-7-2011, chung quanh Hội đồng chuyên ngành để xét phong học hàm. Hội đồng chuyên ngành mà lại ghép không cùng một lĩnh vực vào chung với nhau, như nông - y - sinh, ghép lồng ngành khoa học tự nhiên cùng với ngành khoa học xã hội và nhân văn với lý do ở cấp cơ sở không đủ số lượng giáo sư, phó giáo sư, cho nên mới phải tạm ghép chung trong Hội đồng? Bài báo viết: “Nông nghiệp cũng liên quan luôn về chuyên môn với y khoa thì có trời mới hiểu. “Cơ thể” của đất, cơ chế mọc của nó chẳng lẽ cũng giống như người?”. Bài viết đặt vấn đề thang điểm sàn của chức danh phó giáo sư là 6, của giáo sư là 12. Vậy tại sao một người đạt 10 điểm lại không được bầu? Bài viết kết luận: “Nền giáo dục nước nhà phải là ngành đi đầu về tính khoa học, khách quan, công bằng, sáng trong, đúng đắn”.
Trong bài báo “Công nhận giáo sư, phó giáo sư cho cán bộ đã nghỉ hưu” trên báo “Dân trí điện tử”, nêu việc các quan chức, các nhà quản lý, cán bộ hưu trí được xét công nhận giáo sư, phó giáo sư và cho đó là việc làm trái luật1.
Trước tình hình có nhiều ý kiến phản ánh những bất cập chung quanh việc phong giáo sư, phó giáo sư, ngày 21-7-2011, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước có văn bản trả lời chính thức về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Nội dung văn bản cho rằng, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, về cơ bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đúng chức trách của mình. Một số bài báo phản ánh là không có căn cứ. Bộ xét thấy một số quy định và tiêu chuẩn, thủ tục hồ sơ cần được bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tế. Từ năm 2009, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tập hợp các vấn đề này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 174 theo hướng nâng cao chất lượng hơn nữa và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xét. Ngày 23-12-2010, Chính phủ đã có Nghị quyết số 66/NQ-CP về đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong việc xét công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
3. Nhìn người để ngẫm đến ta:
Có một bài viết khá sâu sắc của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, nhan đề “Hệ thống học vị và học hàm khoa học ở vài nước Tây phương”, đăng trên “Ykhoa.net” nêu khá đầy đủ về vấn đề học hàm, học vị ở một số nước phương Tây. Vấn đề học hàm đang là vấn đề nổi cộm ở nhiều nước. Hiện nay, có nước xem chức danh giáo sư như một chức danh phong tặng, có nước lại xem chức danh giáo sư là chức danh bổ nhiệm. Do bổ nhiệm, cho nên chức danh giáo sư cũng có thời hạn nhất định. Hiện nay, ở một số nước, họ định vị chức danh giáo sư cũng khác nhau. Có nước phong giáo sư theo cách ai làm giáo viên trung học phổ thông, thì phong giáo sư trung học phổ thông, ai giảng dạy đại học, thì phong giáo sư đại học (không cần phải có bằng tiến sĩ). Việc phong tặng này đều do đơn vị giảng dạy quyết định. Có nước quy định ngoài việc phong học hàm chính thức, còn có loại phong học hàm danh dự. Người được phong tặng không nhất thiết phải có văn bằng học vấn, mà có thể là một nhà hoạt động chính trị, hoạt động xã hội, nhà báo, công chức nổi tiếng. Những học hàm được phong tặng này thường có ý nghĩa ngoại giao, hữu nghị hơn là ý nghĩa khoa học. Ngoài các học hàm ngoại giao, hữu nghị, một số trường đại học còn phong chức “cựu giáo sư” cho các giáo sư đã nghỉ hưu, nhưng vẫn còn giảng dạy và gắn bó với trường đại học, đã từng có những cống hiến khoa học và đã giảng dạy tại trường đại học trong một thời gian dài.
Muốn nghiên cứu về hệ thống học hàm, học vị, thì phải đến nước Mỹ. Tại Mỹ, danh hiệu "giáo sư" được chia thành "trợ lý giáo sư", "phó giáo sư", "giáo sư hoàn chỉnh". Thuật ngữ "giáo sư" thường được dùng ở Mỹ để chỉ bất kỳ giảng viên trường cao đẳng hoặc đại học nào, nhưng chỉ một số lượng ít các giảng viên đại học là giáo sư thực sự. Những cá nhân (gọi tắt là giảng viên chính thức, giảng viên thỉnh giảng) thường bắt đầu sự nghiệp của họ là trợ lý giáo sư, được xem như là bước đệm cho các cấp bậc tiếp theo của phó giáo sư và giáo sư hoàn chỉnh. Danh hiệu trợ lý giáo sư được trao cho một cá nhân đã tốt nghiệp chương trình tiến sĩ, hoặc đã hoàn thành một học bổng sau tiến sĩ. Vị trí trợ lý giáo sư thường không chính thức và nằm trong diện được theo dõi sau một thời gian tập sự giảng dạy từ 3-7 năm sẽ trở thành chính thức. Đến năm 2007, ở Mỹ, có 23,1% các học giả được xếp vào ngạch trợ lý giáo sư. Độ tuổi trung bình mà các nhà khoa học tại Mỹ nhận danh hiệu trợ lý giáo sư là 39. Việc cạnh tranh để trở thành trợ lý giáo sư trong nhiều lĩnh vực đang ngày càng tăng. Số lượng nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ ngày càng tăng, trong khi số lượng các chỗ trống trợ lý giáo sư vẫn còn gần như không đổi. Mâu thuẫn này là sự thật. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh doanh, việc thiếu hụt các nhà chuyên môn, các tiến sĩ có thể lên đến 2400 chỗ trống vào năm 2012.
Danh hiệu “giáo sư” (“professor”) được xem là học hàm cao nhất ở bậc đại học. Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, tại Mỹ, có trường đại học phong học hàm “giáo sư đại học” (“university professor”), thường được xem là cao hơn cả “giáo sư” (“professor”) cho các giáo sư có thành tích nghiên cứu khoa học và giảng dạy xuất sắc.
Đối với phó giáo sư, sau khi hoàn thành quá trình trợ lý, trợ lý giáo sư sẽ được nâng cấp thành phó giáo sư. Danh hiệu này được trao tặng sau khi đạt được những thành tích trong học thuật, như xuất bản được một hoặc nhiều cuốn sách có giá trị khoa học, viết nhiều bài nghiên cứu, trong đó có một số bài nghiên cứu được đăng ở các tạp chí có tên tuổi ở nước ngoài, nhận được một khoản trợ cấp nghiên cứu lớn từ bên ngoài, giảng dạy thành công trên giảng đường khi được sinh viên, nghiên cứu sinh công nhận là tốt. Tuy nhiên, việc phong học hàm phó giáo sư còn phụ thuộc vào các tổ chức và đơn vị giảng dạy, nghiên cứu. Thống kê đến năm 2007, toàn nước Mỹ có 22,4 số học giả được phong tặng danh hiệu phó giáo sư. Ngoài ra, một số người có thể được phong là phó giáo sư mà không cần phải trải qua thời kỳ làm trợ lý giáo sư. Đây là một thực tế tại một số trường đại học nhằm thu hút các nhân tài các nước đến Mỹ.
Đối với giáo sư, thì sau khi xem xét hồ sơ với các thành tích học thuật trong môi trường đại học và viện khoa học (có nghiên cứu sinh), đồng thời, xem xét nhân cách của người đó, phó giáo sư có thể được phong danh hiệu giáo sư (gọi là "giáo sư hoàn chỉnh"). Trong hầu hết các trường cao đẳng và đại học truyền thống ở Mỹ, danh hiệu "giáo sư hoàn chỉnh" thường được dành cho các giảng viên chính thức có những cống hiến đặc biệt xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu.
Danh hiệu giáo sư là danh hiệu cao nhất trong thang đánh giá trình độ khoa học (giảng dạy và nghiên cứu) ở Mỹ. Những người đạt được danh hiệu giáo sư thường được giao nắm các chức vụ như trưởng phòng, trưởng khoa, hoặc nhóm trưởng, hoặc được lựa chọn là danh hiệu danh dự, danh hiệu được ưu đãi.
Độ tuổi trung bình của giáo sư ở Mỹ hiện nay là 55. Rất ít người đạt được danh hiệu giáo sư trước tuổi 40. Thu nhập của giáo sư ở Mỹ trung bình là 99 nghìn USD/năm (tương đương với 2 tỷ VNĐ, có nghĩa là mỗi tháng họ thu nhập khoảng 200 triệu VNĐ). Số tiền này không bao gồm thu nhập phụ từ tài trợ, tư vấn, tiền nhuận bút viết sách, báo. Nếu cộng cả những khoản thu nhập phụ, có người đã lĩnh tới 500 triệu (quy đổi ra VNĐ). Phải nói rằng, đây là khoản thu nhập khá cao.
Ngoài giáo sư chính thức, ở Mỹ còn có một số danh hiệu đặc biệt, như giáo sư danh dự, giáo sư ưu tú (trong giảng dạy và nghiên cứu), giáo sư thỉnh giảng, giáo sư chuyên nghiên cứu.
Giáo sư danh dự là người đã về hưu, nhưng có đóng góp tốt cho giảng dạy và nghiên cứu, hoặc giáo sư "emerita" (danh dự, khi đã về hưu) nếu là phụ nữ. Danh hiệu này cũng được trao cho giáo sư đã về hưu, nhưng còn tiếp tục giảng dạy. Những người này có thể nhận được một khoản tiền lớn như tiền trợ cấp khoa học. Một số đơn vị đào tạo có thể áp dụng danh hiệu này cho các trợ lý giáo sư. Giáo sư danh dự còn được phong cho những người có những đóng góp đáng kể cho các trường học và cộng đồng. Những người này có thể có hoặc không có học vị tiến sĩ.
Danh hiệu giáo sư ưu tú thường được trao với một tỷ lệ nhỏ cho các giảng viên chính thức tại các trường đại học nổi tiếng, như Đại học Harvard (một trường đại học đã được xếp là tốt thứ nhất thế giới),... Người ta cũng có thể trao danh hiệu này cho các chủ tịch hội đồng giáo sư, giáo sư đại học, cựu giáo sư, hoặc chức danh được gắn liền với các trường đại học như giáo sư của Viện MIT, Đại học Stanford, Đại học Duke của giáo sư James B. Duke,...
Giáo sư thỉnh giảng là giáo sư đến từ một trường đại học khác để giảng dạy trong một thời gian ngắn. Danh hiệu này cũng được dùng để gọi một ai đó là giáo sư ở nơi khác, hoặc là học giả một diễn đàn và không phải là người của đơn vị đào tạo. Danh hiệu này chỉ có hiệu lực trong một thời gian từ 1 đến 3 năm. Một giáo sư trong trường hợp này có thể được gọi là một giáo sư thỉnh giảng danh dự.
Giáo sư chuyên nghiên cứu là giáo sư không trực tiếp giảng dạy, mà chỉ tập trung vào nghiên cứu khoa học. Tại Mỹ, người ta coi giáo sư chuyên nghiên cứu là loại giáo sư đặc biệt. Tại hầu hết các trường đại học ở Mỹ, giáo sư chuyên nghiên cứu có thể không thuộc biên chế và lương được trả từ ngân sách của các quỹ nghiên cứu. Ngoài việc không nằm trong biên chế, có thể có các vị trí trợ lý giáo sư chuyên nghiên cứu hay phó giáo sư chuyên nghiên cứu.
Đại đa số các giáo sư ở Mỹ là nam giới. Họ theo chủ nghĩa tự do, thuộc từng lớp trung lưu và trong tốp 15% những người có thu nhập cao. Theo một kết quả nghiên cứu của Robert Lichter, một giáo sư tại Đại học George Mason, thì "phần lớn các giáo sư ở Mỹ tự nhận mình theo chủ nghĩa tự do và họ theo Đảng Dân chủ nhiều hơn Đảng Cộng hoà". Theo chủ nghĩa tự do có nghĩa là họ chẳng chịu ràng buộc trong bất cứ một thể chế chính trị nào. Nhà cầm quyền Mỹ họ cũng không thắt chặt, mà thả lỏng cho vấn đề này, làm cho tinh thần của các giáo sư rất thoả mái về tư tưởng và phấn chấn về tinh thần, cho nên đã có nhiều công trình có giá trị. Đây là nguyên nhân chủ yếu trong chính sách thu hút nhân tài khắp thế giới đến Mỹ lập nghiệp. Theo ý kiến của Brett Obannon, một nhà khoa học chính trị của Đại học De Pauw, thì các quan điểm về chủ nghĩa tự do của các giáo sư có vẻ ít ảnh hưởng tới định hướng chính trị của sinh viên, nghiên cứu sinh, bởi lẽ, sinh viên, nghiên cứu sinh cũng là những người theo chủ nghĩa tự do. Về giáo dục, đại đa số các giáo sư có học vị tiến sĩ. Các giáo sư tại các trường cao đẳng chỉ cần có học vị thạc sĩ, trong khi những người ở các đơn vị đào tạo 4 năm thường yêu cầu giáo sư phải có bằng tiến sĩ.
Tại Việt Nam, có một số vị chỉ là giáo viên trung học của chế độ cũ, nhưng khi chuyểnsang chế độ mới, người ta vẫn gọi là giáo sư. Trong thời bao cấp, một số vị mới chỉ tốt nghiệp đại học và "tương đương" đại học, cũng được phong giáo sư. Về sau, Nhà nước quy định ai được phong giáo sư phải có bằng tiến sĩ. Một số người chưa có bằng tiến sĩ, phải đối phó bằng cách thành lập hội đồng cơ sở (cơ quan, trường, viện) để kiểm tra trình độ (coi như "tương đương" với tiến sĩ) để được phong giáo sư và phó giáo sư. Cũng phải công nhận rằng, một số người tuy chưa có bằng tiến sĩ, nhưng xứng đáng được phong giáo sư, bởi kiến thức uyên bác trong nghiên cứu và giảng dạy của họ. Tuy nhiên, số này chiếm một tỷ lệ rất ít.
Tại Việt Nam, đến nay, vẫn còn một số người quan niệm giáo sư, phó giáo sư to hơn tiến sĩ. Quan niệm này không đúng cả về lý thuyết lẫn thực tế. Tại nhiều nước họ chỉ tính học vị tiến sĩ, còn học hàm giáo sư và phó giáo sư, họ xem đây là vấn đề riêng của hệ thống giảng dạy ở các trường (kể cả bậc trung học phổ thông và dạy học).
Chúng tôi nghĩ rằng, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, nhất là ngoại ngữ, tin học, kiến thức, sự hiểu biết rộng và rất chuyên sâu để trở thành những nhà thông thái, những chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội.
4. Giải pháp cho vấn đề học hàm ở Việt Nam:
Một là: Cần đổi mới tư duy trong việc phong học hàm, bảo đảm tính khoa học, tính chuẩn; thay cảm tính, cảm tình bằng lý tính trong việc xét phong học hàm. Hiện nay, dư luận xã hội vẫn cho rằng, việc phong học hàm cho giáo sư, phó giáo sư, xem ra còn có cái gì đó còn sàn sạn. Chất lượng người được phong chưa tương xứng với trình độ của họ.
Hai là: Việc phong giáo sư, phó giáo sư, trước hết, cần tính đến năng lực thực chất, thể hiện bằng các công trình nghiên cứu khoa học đã được xã hội hoá và hoạt động khoa học thực tiễn. Những người nào đạt được những tiêu chuẩn này thì có thể xét phong trực tiếp, không phải qua kiểm tra. Tôi thấy đáng buồn cho những vị được phong giáo sư, phó giáo sư vẫn phải kiểm tra ngoại ngữ như thầy giáo kiểm tra học sinh phổ thông. Phải dứt khoát không phong giáo sư, phó giáo sư cho những người không có các công trình nghiên cứu tầm cỡ, không có trình độ giảng dạy uyên bác, không giỏi tin học, ngoại ngữ, không có khả năng nghiên cứu độc lập. Thời kỳ bao cấp trước đây, trong dân gian truyền tụng câu: "Việt Nam có chuyện buồn cười, văn hoá lớp mười mà cũng giáo sư". Quả vậy, lúc ấy, một số vị ở ngành khoa học chính trị, trình độ văn hoá chưa qua đại học, nhưng cũng được phong giáo sư. Ai có thắc mắc thì được trả lời: "Đây là những trường hợp đặc biệt". Ở đây, những người lãnh đạo và quản lý của ngành giáo dục cần nhận rõ việc phong giáo sư, phó giáo sư là vấn đề ở tầm chiến lược quốc gia về kiến thức, trình độ, về những cống hiến đã có trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy, chứ không phải vấn đề ban phát, ban ơn.
Ba là: Sau khi được thụ phong, Nhà nước cần cấp bằng danh dự khoa học cho họ, bên cạnh đó là phần thưởng (bằng tiền) theo 2 mức: mức thưởng cho giáo sư và mức thưởng cho phó giáo sư.
Bốn là: Xây dựng đội ngũ các nhà khoa học trong hội đồng xét phong sao cho thực sự có trình độ bao quát, trình độ chuyên sâu, trình độ đánh giá và một vấn đề rất quan trọng là phải rất công tâm trong việc xét phong để xứng đáng là những người thầy của những người thầy. Sự lựa chọn khó khăn nhất của hội đồng xét phong giáo sư, phó giáo sư chính là việc thừa nhận và không thừa nhận tài năng của người khác. Nên nhớ rằng, nhận thức về thừa nhận và không thừa nhận chỉ cách nhau trong gang tấc, nếu không cẩn thận sẽ rơi vào tình trang “cái xảy nảy cái ung”.
Năm là: Nhà nước cần có chính sách cụ thể đối với các giáo sư, phó giáo sư, như chính sách tiền lương, chính sách phụ cấp chung.
Nhà hiền triết Mặc Tử đời xưa có câu: “Đất nước càng có nhiều nhân tài, quốc gia đó càng hưng thịnh”. Để có được nhân tài, một phần lớn là do sự nỗ lực phấn đấu của người đó, nhưng cũng có một phần là do tiến cử. Chúng ta hãy công tâm, sáng suốt tiến cử được nhiều giáo sư, phó giáo sư, những người thật sự tài giỏi cho đất nước. Âu cũng là lẽ sống, lương tâm, danh dự của những người làm khoa học.
Chúng ta hy vọng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, góp phần phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước.
*****
Chú thích:
* Chuyên đề bổ sung của Đề tài cấp nhà nước: “Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020” (Mã số: KX.04.16/06-10).
** Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực.
1. Trong Quyết định 174 (Điều 11), ghi những người được xét phong giáo sư, phó giáo sư: “(1) Giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học đang làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên. (2) Những người đang tham gia làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên theo hình thức hợp đồng thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục đại học”. Thỉnh giảng là việc một cơ sở giáo dục mời nhà giáo hoặc người có đủ tiêu chuẩn nhà giáo ở nơi khác đến giảng dạy. Như vậy, những người có đủ tiêu chuẩn, đang làm việc ở các viện nghiên cứu, cơ quan hành chính, doanh nghiệp, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người về hưu đều có thể được cơ sở giáo dục đại học mời đến giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng, và do đó, đều có thể được xét công nhận giáo sư, phó giáo sư.