Bắn phá thành công sao chổi Tempel 1
Các nhà khoa học tại trung tâm kiểm soát ở Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA đã vỗ tay và ôm hôn nhau khi tin tức về vụ va chạm được truyền đi. Đây là một sự kiện quan trọng đối với NASA vì thí nghiệm trị giá 333 triệu đôla này sẽ trả lời những câu hỏi căn bản về nguồn gốc của Thái dương hệ.
Viên đạn nặng 372kg đã lao vào sao chổi Tempel 1 với tốc độ 37.000km/giờ và giới khoa học mong đợi sẽ tạo ra một hố lớn, làm bắn tung toé các mảnh vụn. Phi thuyền Deep Impact, quan sát vụ va chạm trong thời gian 13 phút, đang truyền ảnh về Trái đất.
Một bức ảnh của Deep Impact truyền về cho thấy một điểm sáng ở phần dưới của sao chổi nơi vụ va chạm diễn ra. Vụ va chạm làm cho một đám mây mảnh bụi bắn vào không gian. Khi những hạt bụi này tan đi, các nhà khoa học hy vọng có thể nhìn vào bên trong lõi đóng băng của sao chổi - hỗn hợp băng và đá còn lại từ thời kỳ sơ khai của Thái dương hệ.
Vụ va chạm có thể hé lộ bí mật về cấu trúc và thành phần của lõi sao chổi. Trước kia, con người mới chỉ nghiên cứu nhân của bốn sao chổi bằng phi thuyền: Halley, Giacobini-Zinner, Wild 2 và Borrelly. Tuy nhiên, chưa có phi thuyền nào cung cấp những chi tiết như Deep Impact. Dữ liệu dưới dạng quang phổ đã làm sáng tỏ rằng nhân củasao chổi- có đường kính vài kilomet - là hỗn hợp của băng, đá và một số vật liệu hữu cơ chứa cacbon. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa biết tỷ lệ của những vật liệu này và trạng thái của chúng (khối cứng, vỡ vụn...).
TS Charles Elachi, Giám đốc Phòng thí nghiệm, sung sướng thốt lên: ""Chúng ta đang mở ra những lĩnh vực mới trong việc khám phá vũ trụ. Khi phân tích các dữ liệu, chúng ta sẽ có hiểu biết mới về vũ trụ"".
|