Ban hành Quy chế an toàn sinh học
Quy định này nêu rõ tại Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen, ban hành kèm theo Quyết định số 212/2005/QĐ-TTg ngày 26/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, tổ chức, cá nhân chỉ được phép tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen khi có đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị, công nghệ và cán bộ chuyên môn phù hợp với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đối với từng loại sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân này phải đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về vấn đề này.
Yêu cầu quan trọng mà quy chế đưa ra là các đối tượng tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen phải giữ gìn, bảo quản an toàn, không để thất thoát các sinh vật biến đổi gen và các vật liệu có liên quan nguy hiểm khác ra môi trường.
Các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạm hành chính, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm.
Trong trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, cá nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, đối tượng nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà có hành vi vi phạm thì sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Quy chế cũng cho phép các tổ chức, cá nhân được tiến hành sản xuất, kinh doanh và đưa vào sử dụng các sinh vật biến đổi gen; song, chúng phải được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học.
Trên bao bì của sản phẩm là sinh vật biến đổi gen phải ghi thêm dòng chữ: "Sản phẩm có sử dụng công nghệ chuyển gen”.
Trong quá trình sản xuất, phải thường xuyên theo dõi, giám sát mức độ an toàn của chúng đối với sức khỏe con người, môi trường và đa dạng sinh học. Khi để xảy ra rủi ro, cần báo cáo ngay với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về vấn đề này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối của Chính phủ về quản lý an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen.
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đối với các sinh vật biến đổi gen.
Một số Bộ khác như NN-PTNT, Thủy sản, Y tế, Công nghiệp có nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gen thuộc lĩnh vực phụ trách.
Nguồn: tienphongonline.com.vn 1/9/2005