“Bà đỡ” của doanh nghiệp xã hội
Trung tâm Tia Sánghướng dẫn cho các doanh nghiệp đã ổn định để sẵn sàng tiếp nhận đầu tư và kết nối họ với các nhà đầu tư tạo tác động – những người có thể giúp họ mở rộng quy mô các giải pháp gia tăng thị phần. Không những vậy, Spark còn tạo điều kiện tiếp cận với các dịch vụ phát triển năng lực có chất lượng: đào tạo và thúc đẩy việc học tập, chia sẻ giữa các chuyên gia quản lý doanh nghiệp địa phương và kết nối họ với các doanh nhân xã hội tại các phiên kết nối. Sự hỗ trợ của các nhà đầu tư và các chuyên gia tư vấn kinh doanh dịch vụ góp phần giúp các doanh nghiệp trở thành các doanh nghiệp xã hội thực sự bền vững.
Chiến lược và hoạt động của Spark đều dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng về các yếu tố thúc đẩy hoạt động thị trường cũng như những khoảng trống trong xã hội Việt Nam mà các giải pháp sáng tạo có thể bù đắp.
Trung tâm Tia Sáng được đồng sáng lập bởi Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), PACT tại Việt Nam và Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD).
Kể từ năm 2011, Trung tâm Tia Sáng chính thức hoạt động dưới hình thức một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Tia Sáng đã hỗ trợ thực hiện dự án (cả về tài chính và/hoặc hỗ trợ tư vấn kĩ thuật) cho nhiều doanh nghiệp và tổ chức như Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa (SEPON), Công ty TNHH Phố Chợ, Công ty TNHH Bảo Lâm, Quỹ Phụ nữ Hà Tĩnh, Cơ sở Trường Sanh, Rau hữu cơ Thanh Xuân (ACCA), KCT (Thái Bình), VRAT Thanh Hóa, 115 Trí Đức Yên Bái, DN Chè Bắc Hà, Trung tâm Khiếm thính CED, HTX An Dương, Tổ hợp Hy Vọng (An Giang), DN Tư nhân Kim Dâng (Ninh Bình), DN Tư nhân Thảo Minh (Đồng Tháp), DN Huỳnh Dương (An Giang), Công ty Phúc Thành (Vĩnh Long).
Nhờ sự hỗ trợ của Spark, nông dân trồng sắn là người Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị đã thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu sang phương thức sử dụng phân bón, thâm canh tăng năng suất, bảo vệ đất canh tác; nhà máy Tinh bột Sắn Hướng Hóa đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân (tăng thêm 6 triệu đồng/năm/hộ cho gần 6.000 hộ) thông qua sử dụng phân bón vi sinh và thâm canh cây sắn. Bên cạnh đó, năng lực quản lý của lãnh đạo và năng lực kinh doanh của nhân viên nhà máy được nâng cao, cán bộ kỹ thuật tại địa phương được phát huy năng lực, vốn kiến thức sẵn có để giúp đỡ bà con dân tộc. Môi trường tự nhiên xung quanh vùng sản xuất được cải thiện do chất thải từ quá trình chế biến sắn được xử lý triệt để, giảm nạn du canh, phá rừng, đốt nương làm rẫy.
Công ty Cổ phần Trí Đức 115 làm dịch vụ vận chuyển cấp cứu được Spark đầu tư xe cứu thương chuyên dụng với giá hợp lý, và được hỗ trợ đào tạo chuẩn hoá kỹ năng sơ cứu cho toàn bộ đội ngũ nhân viên. Từ khi thành lập năm 2010 đến nay, công ty đã chở được gần 10.000 ca, đặc biệt có nhiều ca cấp cứu ở các xã, huyện vùng sâu, vùng xa của Yên Bái. Phí chuyên chở tính bằng giá cước xe taxi. Với người nghèo, công ty áp dụng mức phí thấp hơn từ 10-15%. Điều đáng nói là tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa xã hội này nhưng doanh nghiệp lại làm ăn có lãi.
Cũng nhờ Spark mà Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED) ở TP Hồ Chí Minh đã nâng cao nhận thức của người khiếm thính và cộng đồng (năm 2008-2010 có 6.549 lượt người tham gia sinh hoạt câu lạc bộ; tham vấn đồng cảnh và tư vấn cho 1.102 lượt người khiếm thính và gia đình, 602 người tham gia 32 lớp học ngôn ngữ kí hiệu, 3.014 người được nâng cao kỹ năng sống).Người khiếm thính sống hòa nhập và hữu ích hơn (cải thiện từ trạng thái phổ biến hiện nay là sống cô lập, khép kín, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng sống, nhận thức kém, tư duy kém, ăn bám và là gánh nặng cả vật chất và tinh thần cho gia đình). Chất lượng sống của người khuyết tật được nâng cao (sau khi được nâng cao năng lực, người khuyết tật đã sống tích cực hơn, cởi mở và hòa nhập, tự nuôi bản thân và đóng góp cho xã hội).
Còn với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) thì lại tập trung vào nhóm đối tượng cư dân ven biển. Doanh nghiệp xã hội Ecolife do MCD thành lập cung cấp các dich vụ sinh sinh thái có yếu tố cộng đồng. Ở đây người dân và doanh nghiệp Ecolife cùng tham gia vào một chuỗi của hoạt động kinh doanh. Ví dụ như trong du lịch sinh thái cộng đồng, Ecolife giới thiệu khách, đặc biệt là các nhóm tình nguyện viên khách thăm quan, tình nguyện viên nước ngoài có thể đến các vùng ven biển, trong đó người dân có thể cung cấp các dịch vụ tại chỗ còn Ecolife thì có nhiệm vụ tiếp thị, quảng bá, giao dịch với khách. Các vấn đề về ngôn ngữ, giao lưu sẽ được Ecolife dần hướng dẫn giúp người dân hoàn thiện.
Trên đây chỉ là bốn trong hàng chục doanh nghiệp xã hội đã được Trung tâm Tia Sáng hỗ trợ để phát triển bền vững. Điểm chung của các doanh nghiệp này là cái “tâm” với cộng đồng, luôn lấy trách nhiệm phục vụ cộng đồng làm ưu tiên chính.
Theo ông Lê Đình Long, Giám đốc Phát triển Trung tâm Tia Sáng, để thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp xã hội, Spark đã thành lập một mạng lưới Đại sứ của Spark. Một trong các nhiệm vụ của Đại sứ Spark là tìm những doanh nhân có tâm trong cộng đồng để đồng hành cùng Spark trong các hoạt động kinh doanh vì cộng đồng. Bởi theo ông Long, thông thường những doanh nhân có tâm với xã hội lại thường rất thầm lặng. Spark sẽ giúp họ kết nối với các phong trào xã hội.