Ao nuôi tôm sú ở vùng cát ven biển
Hiện nay các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế mùa vụ nuôi tôm trên cát được bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, còn các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, vụ I bắt đầu nuôi từ tháng 2 đến tháng 6, vụ II từ tháng 7 đến tháng 11 (tính theo tháng dương lịch).
Để giúp các cơ sở đang có quy hoạch xây dựng ao nuôi tôm trên nền cát, xin giới thiệu một số kinh nghiệm về xây dựng ao, rút ra từ kết quả hội thảo “ Nuôi tôm trên cát các tỉnh miền Trung”thời gian vừa qua.
Đặc điểm xây dựng ao nuôi:
+ Xây dựng ao ở nơi có nguồn nước (lợ hoặc mặn và nước ngọt) cấp chủ động trong quá trình nuôi. Nguồn nước sạch, không bị ảnh hưởng của nước thải công nghiệp, nông nghiệp, nước thải sinh hoạt, v.v... Chất lượng nước phải bảo đảm các chỉ tiêu về môi trường như sau:
Độ trong Oxy hoà tan Độ kiềm (CaCO 3) NH 3 H 2S |
40-50cm ³5mg/lpH7,5-8,5 80-140mg/l <0,1mg/l <0,02mg/l |
Nếu sử dụng nước ngọt ngầm, phải được quy hoạch và tính toán kỹ nhu cầu sử dụng trong quá trình nuôi và được cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép sử dụng. Vùng cát ven biển có hạ tầng yếu, nếu lạm dụng quá mức nước ngầm ngọt sẽ gây đến sụt lún địa tầng khu vực. Đồng thời nước ngầm bị cạn kiệt gây đến mất cân bằng áp lực, tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập từ biển vào gây mặn hóa nước ngầm ngọt. Theo kinh nghiệm việc tính toán nhu cầu nước sử dụng có thể dựa vào phương pháp như sau:
Giả sử diện tích nuôi tôm là 1ha, mực nước trong ao ổn định trong quá trình nuôi là 1,4m, chu kỳ nuôi một vụ là 4 tháng.
- Lượng nước cho 1ha ao nuôi một vụ là 14.000m 3
- Cứ hai tuần phải cấp bổ sung nước một lần, mỗi lần bằng 20% khối lượng nước trong ao, lượng nước cấp bổ sung cho một chu kỳ nuôi là: 14.000m 3 x 20% x 8 lần = 22.400m 3
- Lượng nước dự phòng cấp cho ao khi có sự cố bằng 50% khối lượng nước trong ao: (14.000m 3 + 22.400m 3 ) 50% = 18.200m 3
Như vậy, nhu cầu nước cho một ao nuôi một vụ sẽ là: 14.000m 3 + 22.400m 3 + 18.200m 3 = 54.600 m 3 . Trong đó có từ 30 đến 40% là nước ngọt.
Dựa vào cách tính này đối chiếu với trữ lượng nước đã thăm dò (nhất là nước ngọt) sẽ định ra được quy mô diện tích phát triển nuôi phù hợp.
+ Ao nuôi tôm phải được xây dựng ở vị thế thuận lợi về lưới điện quốc gia, giao thông thuỷ, bộ.
+ Tuyệt đối không xây dựng ao nuôi tôm trên cát ở vùng có rừng phòng hộ. Đồng thời song song với việc xây dựng ao phải trồng cây chắn gió để bảo vệ công trình nuôi ổn định.
Những yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống ao nuôi tôm sú ở vùng cát ven biển:
Ao nuôi tôm trên nền cát phải được xây dựng tạo thành khu ao liên hoàn gồm: Ao nuôi, ao chứa lắng, hệ thống cấp nước và hệ thống xử lý chất thải.
+ Ao nuôicó diện tích mặt nước thích hợp từ 0,4-0,5ha cho một ao, mực nước trong ao ổn định từ 1,3m trở lên. Ao xây dựng có dạng hình vuông, bốn góc ao uốn theo hình tròn để tạo được dòng nước lưu thông trong ao khi vận hành máy quạt nước. Bờ ao ngăn ô, mặt bờ rộng 2-2,5m, bờ ao trục chính mặt bờ rộng 4-5m để thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư thiết bị, thức ăn con giống, mũi bờ ao có hệ số 1/1 hoặc 1/1,2 vừa chống được sụt lở lại dễ dàng lót màng chống thấm.
Đáy ao nuôi và bờ được trải lót màng chống thấm bằng tấm tarpaulin hoặc dùng loại HDPE và được phủ lên trên một lớp cát mịn dày 40cm để giữ cho màng chống thấm có mặt phẳng ổn định, đồng thời hạn chế bức xạ của mặt trời tới màng chống thấm.
+ Ao chứa lắngđặt ở nơi thuận tiện cấp nước biển vào và dẫn nước từ ao lắng đến ao nuôi. Diện tích ao chiếm từ 20-25% tổng diện tích mặt nước nuôi tôm. Ao sâu từ 1,5m trở lên và cũng được lót màng chống thấm và cát mịn như ao nuôi. Nước từ biển cấp cho ao chứa lắng qua hệ thống lọc thô và lọc tinh. Nước từ ao chứa lắng trước khi cung cấp cho ao nuôi phải được làm sạch và xử lý môi trường bằng các chế phẩm sinh học thích hợp để diệt các vật chủ trung gian mang mầm bệnh cho tôm.
+ Hệ thống cấp nước:Nước biển vào ao chứa lắng bằng hệ thống bơm và được dẫn qua đường ống nhựa hoặc mương bê tông có khẩu độ thích hợp tùy theo quy mô nuôi.
+ Hệ thống xử lý nước thải:Theo tính toán, 1ha nuôi tôm công nghệ cao (40 con/m 2), một vụ nuôi sẽ thải ra 8 tấn chất thải rắn gồm: vỏ tôm (khi tôm lột vỏ), thức ăn dư thừa và hàng chục ngàn mét khối nước thải khác. Chất thải trước khi ra ngoài phải được xử lý trong bể chứa hoặc bãi chứa riêng. Bể chứa nước thải chiếm từ 10-15% diện tích ao nuôi và được đặt ở vị trí thích hợp trong khu hệ ao nuôi.
Nguồn: KH&ĐS số 26 (1744), ngày 01/4/2005