Anh hỗ trợ thương mại hóa sáng kiến khoa học Việt Nam
14 nhà khoa học là các giảng viên các trường đại học, nhà nghiên cứu và doanh nhân liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ đến Anh tham gia chương trình "Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học", ông Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ, cho biết chiều nay.
Đây là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Anh, do Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (PTTT), Bộ Khoa học Công nghệ, phối hợp với Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Anh tổ chức. Mục tiêu là đào tạo nâng cao năng lực cho các nhà khoa học, các nhà sáng chế Việt Nam trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức khoa học của Anh. Trong đó Quỹ Newton của Anh hỗ trợ khoản chi phí 75.000 bảng Anh, theo ông Trúc.
Từ ngày 7 đến ngày 19/3, các nhà khoa học Việt Nam sẽ tìm hiểu các mô hình kinh doanh khoa học công nghệ, phát triển và thuyết phục khách hàng, dựa trên các kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp Anh. Các học viên cũng sẽ thảo luận hình thức kinh doanh công nghệ mới và các yếu tố thành công trong tiếp cận thị trường, thực hành phương án kinh doanh của mình dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia cố vấn, kết nối với các chuyên gia và mạng lưới doanh nghiệp khoa học công nghệ của Viện Hàn lâm. Sau đó, từ tháng 4 đến tháng 12 năm nay, các học viên sẽ được Cục PTTT hỗ trợ tập huấn và hoàn thiện kế hoạch kinh doanh phù hợp với chính sách và điều kiện Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục PTTT cho biết ông kỳ vọng các nhà khoa học sẽ tìm hiểu kỹ các câu chuyện thành công và thất bại ở Anh để có thể áp dụng khi về Việt Nam. "Các nhà khoa học phải làm giàu từ đề tài của mình", ông Quất nói.
Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư và phát triển công nghệ, Đại học Bách khoa, cho hay ông mong muốn tìm hiểu mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, mối quan hệ giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, vai trò của nhà nước trong xây dựng vườn ươm. "Hiện trạng vườn ươm ở Việt Nam là hết tài trợ là ngưng hoạt động", ông Bình cho hay. Sau chuyến đi, ông Bình hy vọng tạo ra "hệ sinh thái" để phát huy tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam, sẽ xây dựng vườn ươm trong hệ thống doanh nghiệp của Đại học Bách Khoa.