An Giang: Phát huy vai trò trí thức khoa học công nghệ
Trí thức khoa học công nghệ là lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Tại An Giang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) đã khẳng định vai trò là "người dẫn đường", kết nối và phát huy năng lực của đội ngũ trí thức.
Thông qua những thành tựu nổi bật và các chương trình hành động thiết thực, Liên hiệp Hội không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương mà còn đặt nền móng vững chắc cho những bước tiến bền vững trong tương lai.
Trí thức khoa học công nghệ là nhân tố không thể thiếu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, đội ngũ này không chỉ tạo ra sản phẩm vật chất mà còn góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài và thúc đẩy kinh tế tri thức
Đối với An Giang - một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trí thức khoa học công nghệ là lực lượng tiên phong trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao giá trị nông sản và bảo vệ môi trường. Vai trò này đặc biệt quan trọng khi tỉnh đang chuyển mình để phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Quyết định số 1975/QĐ-TTg, Liên hiệp Hội có chức năng tập hợp, đoàn kết trí thức và phát huy sáng tạo khoa học công nghệ để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. Với 39 tổ chức thành viên và hơn 9.290 hội viên, trong đó có 1.108 người trình độ sau đại học, Liên hiệp Hội An Giang đã khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị tỉnh nhà.
Trí thức khoa học công nghệ có đặc điểm nhu cầu khác biệt so với các lực lượng lao động khác, đặc biệt ở bậc "được tôn trọng" và "thể hiện bản thân" trong tháp nhu cầu Maslow. Hiểu được điều này, Liên hiệp Hội đã xây dựng nhiều chương trình nhằm đáp ứng các nhu cầu này, qua đó tạo động lực mạnh mẽ để trí thức tham gia và cống hiến, thể hiện cụ thể qua các thành tựu nổi bật sau đây:
Chi hội Khoa học công nghệ được thành lập (trực thuộc Liên hiệp Hội), đã tổ chức thành công với nhiều hoạt động như hội thảo chuyên đề về trí tuệ nhân tạo "ChatGPT", "Phân tích dữ liệu kinh tế xã hội" và các khóa đào tạo tiếng Anh thực hành. Những hoạt động này không chỉ giúp trí thức nâng cao trình độ mà còn tạo môi trường giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Chi hội Khoa học công nghệ trong khóa đào tạo tiếng Anh thực hành
Từ năm 2023, Liên hiệp Hội đã tổ chức thành công các hội thảo về "Kinh tế tuần hoàn", "Chuyển đổi số", thu hút đông đảo trí thức, doanh nghiệp và chính quyền địa phương tham dự. Những hội thảo này đã cung cấp nhiều giải pháp thiết thực, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn phát triển kinh tế của tỉnh.
Liên hiệp Hội đã đề xuất và tham gia tổ chức họp mặt đầu xuân với sự tham gia của 45 trí thức trong và ngoài tỉnh, tạo không khí phấn khởi, gắn bó giữa lãnh đạo và đội ngũ trí thức. Đây là tiền đề để tỉnh tiến tới xây dựng quy chế tôn vinh trí thức khoa học công nghệ hàng năm.
Để phát huy hơn nữa vai trò tập hợp và phát triển đội ngũ trí thức khoa học công nghệ sắp tới, Liên hiệp Hội cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng: Xây dựng cơ chế khuyến khích trí thức trẻ tham gia nghiên cứu, tạo các sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị thực tiễn.
- Tăng cường tư vấn, phản biện chính sách: Đẩy mạnh các hoạt động phản biện nhằm cung cấp thông tin khoa học hỗ trợ hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
- Phát triển hợp tác quốc tế: Tăng cường kết nối với các tổ chức khoa học quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ tiên tiến.
- Đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ: Đầu tư đào tạo về chính trị, quản lý và chuyên môn để cán bộ Liên hiệp Hội đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Liên hiệp Hội An Giang đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Với những nỗ lực không ngừng, tổ chức này sẽ tiếp tục là cầu nối giữa trí thức và chính quyền, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh An Giang trong tương lai./.