Ai là tác giả bài thơ: Nam Quốc Sơn Hà
Dẫn nguồn tư liệu:
Muốn biết ai là tác giả bài thơ thì trước hết phải biết bài thơ đó đang nằm trong những loại văn bản nào? Hiện nay, sơ bộ thống kê đã thấy có khoảng 30 dị bản bài thơ NQSH nằm trong các văn bản Hán Nôm chép tay hoặc khắc gỗ. Cụ thể là 8 bản Việt điện u linh, 10 bản Lĩnh nam chích quái, Thần phả đền cửa sông Ngũ Huyện (Quả Cảm, Hoà Long, Yên Phong, Bắc Ninh), Biển khắc bài thơ NQSH ở Phù Khê Đông (Tiên Sơn, Bắc Ninh), Trương tôn thần sự tích, Thiên Nam vân lục liệt truyện, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử diễn âm, Việt sử quốc âm, Việt sử tiêu án, Việt sử tiệp kính, Lịch triều hiến chương loại chí, Dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí; Bằng trình thản bộ(1).
Các văn bản trên có thể quy về 5 thể tài: thần phả, thần tích, truyện ký, sử ký, địa chí, tạp lục. Tất cả đều là văn bản hoá truyền thuyết anh hùng Trương Hống, Trương Hát, còn gọi là Thánh Tam Giang, Trương tôn thần, Thần sông Như Nguyệt…Truyền thuyết kể rằng: Bà Văn Mẫu (Vũ Giàng-Bắc Ninh) mộng giao với Long thần sinh ra một bọc bốn trai một gái, đặt tên là Hống, Hát, Lừng, Lẫy và Đạm Nương. Hống, Hát ham học, thích chơi trò kỳ lạ, được thầy Lã dạy, làu thông binh thư võ lược. Lúc nhàn rỗi thường hỏi mẹ về cha, mẹ bèn thuật lại truyện cảm giao với Long thần họ Trương, bèn lấy Trương làm họ. Khi Triệu Việt Vương dấy nghĩa, Trương Hống, Trương Hát theo giúp, trở thành tướng giỏi. Triệu Việt Vương thất bại, Hậu Lý Nam Đế lên thay, muốn triệu hai ông ra giúp, hai anh em từ chối rồi tự vẫn để trọn tiết với chủ cũ. Thượng đế khen là tiết nghĩa, phong thần. Từng giúp Nam Tấn Vương Ngô Hậu Chúa dẹp loạn Lý Huy, Lê Đại Hành chống Tống năm 981, Lý Thường Kiệt chống Tống năm 1076, thần Trương Hống, Trương Hát đều đọc thơ: Nam quốc sơn hà Nam đế cư(2) khích lệ binh sĩ chiến đấu. Đến thời chống Nguyên Mông, Hưng Đạo Vương cầu khấn âm phủ, nhất nhất đều linh ứng. Hai thần được nhiều đời vua bao phong thần tước. Nhân dân dựng lập gần 300 đền miếu thờ hai thần suốt cả các vùng lân cận sông Cầu, sông Thương (nay thuộc Bắc Giang, Bắc Ninh) và nhiều làng xã nay thuộc Hải Dương, Hà Tây, Phú Thọ…
Hai mươi chín sự tích còn lại có khác nhau chút ít về tình tiết, về địa danh, về hiện tượng âm phủ, song vẫn khá ổn định về kết cấu và các tình tiết chính.
Ai là tác giả bài thơ?
Qua gần 30 văn bản trong đó có 30 bài thơ, không hề thấy một câu chữ nào ghi nhận bài thơ NQSH do Lý Thường Kiệt trực tiếp hay gián tiếp, đích thực hay tương truyền viết ra. Ở đâu bài thơ đó cũng là của Thần, do Thần ngâm đọc… Xin dẫn vài tư liệu sau đây…
- “Đến thời vua Lý Nhân Tông, quân Tống sang lấn, tiến vào trong cõi. Vua sai Thái uý Lý Thường Kiệt lập trại ở ven sông để chống giữ. Một đêm quân sĩ nghe trong đền có tiếng thần ngâm thơ: “ Nam quốc sơn hà …thủ bại hư”. Rồi quả nhiên quân Tống bị thua, phải rút về nước”.
( Việt điện u linh- Lý Tế Xuyên. Bản dịch. NXB Văn học, H.1972, tr 70-71)
- Đêm ấy Đại Hành một thấy hai thần nhân cùng xông vào trại giặc mà đánh. Canh ba đêm ba mươi tháng mười, trời tối đen, mưa to, gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng. Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng: “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”.
Quân Tống nghe thơ, xéo đạp vào nhau mà chạy tan…Lê Đại Hành trở về ăn mừng, phong thưởng công thần, truy phong cho hai vị thần nhân …sai dân phụng thờ …nay vẫn còn là phúc thần” ( Lĩnh Nam chích quái- Vũ Quỳnh - Kiều Phú. Bản dịch, NXB Văn hoá, H, 1990, tr. 83-84).
Qua tư liệu tiêu biểu trên đây, thấy rõ NQSH là bài thơ của Thần, có thể gọi là ThơThần, song thực ra là thơ của trí thức thời đại lưu hành theo phương thức truyền miệng rồi dần dà nhập thần vào các văn bản truyền thuyết. Lê Hoàn hay Lý Thường Kiệt chỉ là người sử dụng bài thơ đã có sẵn trong thần tích, sử truyện…để cổ vũ tướng sĩ chứ không phải là người viết ra bài thơ. Chuyện thần linh hiện ra ngâm thơ âm phủ chỉ là truyện mượn uy thế của thần, sinh thời cũng là anh hùng cứu quốc để củng cố niềm tin của con người.
Nhưng, chưa rõ vì sao, bài thơ NQSH đã bị ngộ nhận là của Lý Thường Kiệt, từ trước Cách mạng tháng Tám cho đến tận ngày nay. Có thể nói, không ít học giả đầy quyền uy học thuật như Trần Trọng Kim (trong Việt Nam sử lược), Hoàng Xuân Hãn (trong Lý Thường Kiệt), Nguyễn Đổng Chi (trong Việt Nam cổ văn học sử), Dương Quảng Hàm (trong Việt Nam văn học sử yếu), Đinh Gia Khánh (trong Lịch sử văn học Việt Nam), Văn Tân ( trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập1), Bùi Văn Nguyên (trong Văn học Việt Nam…) v.v…, và hầu hết những bộ sách lớn của thời đại như Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Thơ văn Lý-Trần. Lịch sử văn học Việt Nam, Tổng tập văn học Việt Namđều công nhiên khẳng định NQSH là bài thơ do Lý Thường Kiệt viết ra, hoặc trực tiếp, hoặc giả thác là của thần. Từ đó dẫn đến vô số loại sách báo, bảo tàng, đền miếu, di tích văn hoá lịch sử, nhà lưu niệm, triển lãm v.v…khắc hoạ tên Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Sự ngộ nhận phổ biến và kéo dài đến mức giáo sư sử học Hà Văn Tấn phải kêu lên: Không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả. Sử cũ chỉ chép rằng trong trận chống Tống, ở vùng sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ nghe tiếng ngâm bài thơ đó trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt đã cho người ngâm thơ. Đi xa hơn, có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Nhưng đó là đoán thôi, làm sao nói chắc chắn được bài thơ đó là của Lý Thường Kiệt. Thế nhưng cho đến nay, mọi người đều tin rằng đó là sự thật, hay nói đúng hơn, không ai dám nghi ngờ đó không phải là sự thật(Lịch sử- Sự thật và sử học. Xưa và Naytháng 3-1994).
Riêng tôi, tiếp bước các tiền bối Ngô Tất Tố (trong Văn học đời Lý), Hoa Bằng (trong Thử viết Việt Nam văn học sử), Nguyễn Văn Tố (trong Đọc sách Việt Nam văn học) v.v…và Trần Nghĩa (trong Thử xác lập văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà), Trần Thị Băng Thanh (trong Văn hiến Thăng Long) v.v…những người chưa muốn bàn tới, hoặc thận trọng tồn nghi vấn đề tác giả NQSH… để gián tiếp, rồi trực tiếp phủ nhận Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ.
Từ những tư liệu và kiến giải trên đây, xin rút ra kết luận: NQSH - bài thơ cổ nhất, hay nhất, chủ đề có tính thời đại nhất- bài thơ vẫn thường được coi là “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên” - là một bài Thơ Thần - Vô danh thị - tức là bài thơ của muôn sĩ dân các thế kỉ đầu thời tự chủ. Lý Thường Kiệt có thể chỉ là người sử dụng bài thơ để khích lệ tướng sĩ chiến đấu chứ không phải là tác giả bài thơ.
____________________
1. Hầu hết các ngôn bản trên đều tìm thấy trong bộ Thư mục đề yếu - Di sản Hán Nôm Việt Nam. NXB KHXH, H.1993, 3 tập.
2. Trương tôn thần sự tíchxuất hiện muộn (1929) giống như một văn bản tổng kết về truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát. Ở bản này, thần đọc thơ hai từâm phủ Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt, mỗi lần lời thơ lại có câu chữ khác nhau. Riêng lần hai, thơ thần đọc âm phù Lý Thường Kiệt chính là bài thơ đang lưu hành chính thức trong và ngoài trường học hiện nay:
Phiên âm:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch thơ:
Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự.
Sách trời định phận rõ non sông.
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
Bay hãy chờ coi chuốc bại vong!
Ngô Linh Ngọcdịch
Nguồn Xưa và Nay, số 83, tháng 1-2001