Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 13/04/2009 15:27 (GMT+7)

Tìm đường cho khoa học xã hội và nhân văn đi vào cuộc sống

Từ những kinh nghiệm (thành công và chưa thành công) của địa phương, tác giả trình bày một số quan điểm và giải pháp nhằm tìm con đường đưa KHXH&NV vào cuộc sống.

Trước hết về quan điểm, phải khẳng định là cần thiết và có thể ứng dụng các đề tài KHXH&NV vào thực tiễn. Ở địa phương, KHXH&NV không chỉ mang lại nhận thức mới, cung cấp luận cứ khoa học cho các chủ trương chính sách mà còn cần thiết trong việc xây dựng các mô hình, cung cấp nhiều giải pháp cụ thể cho việc giải quyết các yêu cầu của thực tiễn địa phương.

Đối với các địa phương, một mặt cần cố gắng nâng cao chất lượng lý luận cho các đề tài KHXH&NV, nhưng mặt khác quan trọng hơn, phải coi tiêu chí ứng dụng thực tiễn là yêu cầu quan trọng nhất; phải có một định hướng chỉ đạo xuyên suốt cả quá trình tổ chức nghiên cứu, từ việc lựa chọn đề tài, vấn đề nghiên cứu; lựa chọn cá nhân chủ nhiệm và tổ chức chủ trì; xác định nội dung nghiên cứu; tổ chức quá trình nghiên cứu, thực nghiệm; đánh giá nghiệm thu và triển khai ứng dụng… Từ quan điểm đó và từ thực tiễn tại tỉnh Nghệ An, có thể suy nghĩ về một số giải pháp cụ thể sau:

Lựa chọn đề tài, vấn đề nghiên cứu: Ở địa phương, chỉ nên lựa chọn những vấn đề thiết thực, nghiên cứu xong có thể ứng dụng vào những địa chỉ cụ thể. Tốt nhất là mỗi tỉnh nên xây dựng một chương trình tổng thể, trên cơ sở đó, xác định danh mục cụ thể cho từng năm. Theo hướng đi này, những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã xây dựng một chương trình KHXH&NV nhằm định hướng cho việc tổ chức nghiên cứu. Sau khi có Quyết định số 928/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu KHXH, tổng kết thực tiễn, xây dựng luận cứ khoa học cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng XHCN, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án: “Nghiên cứu KHXH, tổng kết thực tiễn, xây dựng luận cứ khoa học cho các chủ trương chính sách của cấp uỷ, chính quyền nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Nghệ An giai đoạn 2008-2010 và đến năm 2020”. Trong đó, đã xác định rõ các hướng ưu tiên, các đề tài/dự án trọng điểm cần tập trung và đặc biệt chú trọng nghiên cứu những vấn đề bức xúc, thiết thực của thực tiễn địa phương. Từ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất những đề tài chỉ dừng lại ở luận cứ hay giải pháp chung chung, ưu tiên cho những đề tài/dự án có thể giải quyết được những yêu cầu cụ thể của cuộc sống cho nên ngày càng có nhiều đề tài thiết thực với cuộc sống đang đòi hỏi. Ví dụ, các nghiên cứu mô hình Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế để đề xuất các giải pháp chuyển đổi; nghiên cứu bảo tồn văn hoá của người Ơđu; đề tài nghiên cứu các biện pháp xoá nghèo cho người Khơmú… Ngoài ra, ở Nghệ An cũng đã tổ chức thực hiện một số đề tài mang tính điều tra cơ bản, từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn văn hoá truyền thống (như đề tài điều tra về văn hoá dân tộc Ơđu, di sản văn hoá huyện Yên Thành, các công trình điều tra của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Nghệ An…). Một đề tài vừa mới được Tỉnh đề xuất là: Nghiên cứu dạy chữ Thái hệ Lai Tay cho người Thái cũng đi theo hướng này. Tất nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về tính lý luận của các đề tài. Nhưng điều thú vị là chính khi đi vào nghiên cứu, giải quyết những vấn đề cụ thể lại phát hiện và tổng kết được những vấn đề lý luận mới mẻ, hoặc đúc rút được những kinh nghiệm quý báu.

Lựa chọn cá nhân chủ nhiệm, tổ chức chủ trì: Trong KH&CN, người ta thường chuyên biệt hoá giữa nghiên cứu và ứng dụng, xảy ra tình trạng tổ chức/đơn vị ứng dụng thường được chuyển giao công nghệ từ một đơn vị/cá nhân nghiên cứu khác. Tôi cho rằng, trong KHXH&NV, chí ít là ở địa phương, việc tách biệt giữa chủ thể nghiên cứu và chủ thể ứng dụng không nhất thiết phải đặt ra. Thực tế cho thấy, những đề tài được ứng dụng khá nhất chính là những đề tài do chính đơn vị nghiên cứu để giải quyết những vấn đề của chính mình. Bên cạnh đó, có những đề tài tuy được Hội đồng nghiệm thu đánh giá tốt, nhưng không được các đơn vị khác ứng dụng. Vì vậy, nên chăng, có định hướng ưu tiên cho những tổ chức và cá nhân là người đề xuất các đề tài, có khả năng nghiên cứu và đặc biệt sau khi nghiên cứu, kết quả có thể ứng dụng ngay được trong đơn vị/cơ quan/lĩnh vực mà họ trực tiếp làm. Ở địa phương vấn đề này cần phải được đặt ra.

Về xây dựng mô hình thực tế: Trong nội dung nghiên cứu của đề tài, nhất thiết phải có nội dung xây dựng mô hình thực tế. Đây là mô hình vừa để kiểm chứng những luận điểm khoa học, vừa để ứng dụng và rút kinh nghiệm nhân rộng. Do đó, thông thường đề tài được tổ chức thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn nghiên cứu lý thuyết và giai đoạn xây dựng mô hình thực tế. Ngay một số đề tài tưởng chừng như đã mang tính thực tiễn nhưng vẫn phải đặt ra yêu cầu này. Ví dụ, đề tài nghiên cứu bảo tồn văn hoá người Ơđu buộc phải xây dựng mô hình dạy ít nhất 30 người Ơđu nói được tiếng của dân tộc mình. Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề lý thuyết tuy đơn giản, nhưng khi ứng dụng vào thực tiễn thường gặp phải những thử thách về khoa học và ngoài khoa học không dễ gì vượt qua. Đề tài nghiên cứu về Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế mặc dù đã đưa ra được các giải pháp chuyển đổi được cho là khoa học và hợp lý, nhưng cho đến nay vẫn chưa xây dựng được mô hình, do chưa vượt qua được những rào cản về pháp lý và tâm lý. Thiết nghĩ, nên coi việc xây dựng mô hình thực tế là một nội dung “cứng” của các đề tài KHXH&NV nghiên cứu về giải pháp. Chỉ khi vượt qua được thử thách này, đề tài mới có thể ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.

Quá trình đánh giá, nghiệm thu: Việc tổ chức nghiệm thu, đánh giá đề tài cũng phải trên cơ sở báo cáo khoa học và thực tế mô hình. Bản thân các báo cáo kết quả khoa học của đề tài cũng phải nêu được phương án đưa đề tài ứng dụng vào thực tiễn. Khả năng ứng dụng, nhân rộng mô hình sau khi đề tài kết thúc phải trở thành một tiêu chí đánh giá quan trọng đối với kết quả đề tài. Không thể chấp nhận một đề tài được nghiệm thu đạt loại xuất sắc mà sau đó lại xếp vào tủ.

Tổ chức ứng dụng sau khi kết thúc đề tài: Mặc dù đã bám sát thực tiễn và xây dựng mô hình thực tế, nhưng tổ chức ứng dụng sau khi đề tài kết thúc vẫn là khâu quan trọng nhất, quyết định hiệu quả ứng dụng của đề tài. Muốn vậy, trước hết phải tìm cách phổ biến đề tài đến những địa chỉ có thể ứng dụng. Mặt khác, ngay trong quá trình nghiên cứu cũng cần bắt tìm cách phổ biến đề tài đến những địa chỉ có thể ứng dụng. Mặt khác, ngay trong quá trình nghiên cứu cũng cần bắt thuật giới thiệu về đề tài; xuất bản, đưa vào cơ sở dữ liệu KH&CN; tuyên truyền về đề tài, nhất là các mô hình thực tế. Trung tâm Thông tin KH&CN của các Sở KH&CN phải chú ý và chăm lo công việc này.

Việc tổ chức ứng dụng một đề tài KHXH&NV, nhất là về văn hoá, kinh tế, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, tôn giáo, dân tộc… thường liên quan đến thay đổi nhận thức, quan điểm, cơ chế, quy trình của nhiều đơn vị, thậm chí nhiều địa phương và lĩnh vực, do đó cần phải có sự đồng bộ. Trong nhiều trường hợp cần thiết, có thể nghiên cứu đưa nội dung của đề tài vào chủ trương của cấp uỷ, chính quyền, như đưa vào các Nghị quyết, chương trình, đề án… hoặc một số nội dung cần được thể chế hoá thành các chính sách của địa phương. Một đề tài về an ninh trật tự ở tỉnh Nghệ An đã được lấy làm cơ sở để xây dựng thành Nghị quyết của Tỉnh uỷ, hai đề tài khác về cơ chế tài chính và nguồn nhân lực cũng đã cung cấp luận cứ cho việc ra đời các cơ chế mới của tỉnh là những ví dụ cho hướng vận dụng này. Ngoài ra, nhiều kết quả nghiên cứu cần phải được biên soạn thành bài giảng cho các lớp tập huấn, đưa vào quy trình nghiệp vụ, phương án, đề án công tác, qua đó mà thâm nhập vào thực tiễn.

Tóm lại, nếu có quan điểm đúng, đặt ra mục tiêu cụ thể thì vẫn có giải pháp thích hợp và khả thi để nâng cao hiệu quả ứng dụng các đề tài KHXH&NV vào thực tiễn.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.